TPBank đang khát vốn?
Nhu cầu tín dụng dài hạn tăng lên có thể là nguyên nhân khiến TPBank phải tìm kiếm nguồn vốn dài hạn tương ứng nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn tài chính, chẳng hạn như CAR - chỉ số sẽ tính trái phiếu kỳ hạn trên 5 năm vào vốn tự có cấp 2.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong vừa có báo cáo kết quả phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Theo đó, 297,2 tỷ đồng trái phiếu đợt 5, kỳ hạn 7 năm đã được các nhà đầu tư cá nhân mua hết vào ngày 13/2/2020. Trong cùng ngày, TPBank đã huỷ một đợt phát hành trái phiếu khác có kỳ hạn 10 năm.
Đáng chú ý là lãi suất của cả 2 lô trái phiếu này được đẩy lên rất cao, với lô phát hành là 9,5%/ năm đầu, còn lô không tiến hành là 9,6%/năm đầu.
Ghi nhận của Nhadautu.vn cho thấy TPBank tham gia khá tích cực vào thị trường trái phiếu từ cuối tháng 11/2019 đến nay. Tổng cộng có 9 lô trái phiếu trong 5 đợt phát hành, trong đó 4 lô TPBank chủ động huỷ, đều có kỳ hạn 10 năm và lãi suất 9,6%/năm đầu.
Ở 5 lô còn lại, 1 lô duy nhất có kỳ hạn 10 năm với giá trị 34 tỷ đồng được nhà đầu tư tổ chức mua, còn 4 lô có kỳ hạn 7 năm, cùng lãi suất 9,5%/ năm đầu và được nhà đầu tư cá nhân mua trọn.
Như đã lưu ý trong bài viết gần đây, lãi suất trái phiếu của các ngân hàng có xu hướng tăng mạnh, từ dưới 7%/năm lên trên 8%, như ACB ngày 27/12/2019 và 7/1/2020 phát hành 230 tỷ đồng với lãi suất 8,5%/năm hay BIDV ngày 25/12/2019 phát hành 3.060 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 6 năm với lãi suất năm đầu 8,2%/năm.
Tuy nhiên, lãi suất cao đột biến như trường hợp TPBank là diễn biến thu hút sự chú ý của giới tài chính, đặc biệt trong bối cảnh nhiều ngân hàng quy mô tương tự vẫn huy động được nguồn vốn với chi phí vừa phải, như trường hợp MSB huy động 400 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi cố định 7%/năm vào ngày 25/12/2019, hay Bắc Á Bank cuối năm 2019 phát hành 950 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2-5 năm với lãi suất từ 6,6%-7,2%/năm.
Nên biết rằng cộng với chi phí phát hành, chi phí vốn của gần 700 tỷ đồng trái phiếu mà TPBank thu về trong chưa đầy 2 tháng qua có thể vượt ngoài 10%/năm đầu tiên. Để dễ so sánh, lãi suất huy động khách hàng cá nhân kỳ hạn 36 tháng cao nhất đang được TPBank niêm yết là 7,5%/năm.
Vậy thì vì sao nhà băng này không đẩy mạnh huy động vốn đơn thuần, mà lại phải đi vay bằng trái phiếu với lãi suất "cắt cổ"?
Phân tích thực trạng tài chính của TPBank, cùng đặc điểm của các lô trái phiếu có thể mang tới những hình dung tổng quan hơn.
Báo cáo tài chính chưa kiểm toán cho biết dư nợ tín dụng của TPBank tăng 24% trong năm 2019, trong khi huy động tăng với tốc độ thấp hơn (21,4%). Kết quả là tỷ lệ tín dụng trên huy động tăng từ 100% lên 102%. Cơ cấu tín dụng cũng là chi tiết cần bàn, khi tỷ lệ cho vay ngắn, trung và dài hạn ở cuối năm 2019 lần lượt là 25%:27%:48%, trong khi đầu năm là 22,5%:31,7%:45,8%.
Nhu cầu tín dụng dài hạn tăng lên có thể là nguyên nhân khiến TPBank phải tìm kiếm nguồn vốn dài hạn tương ứng nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn tài chính, chẳng hạn như CAR - chỉ số sẽ tính trái phiếu kỳ hạn trên 5 năm vào vốn tự có cấp 2.
Giả thiết này thêm phần cơ sở khi lãi suất các năm sau của trái phiếu TPBank bằng mức tham chiếu cộng biên độ 2,6%, là thấp hơn khá nhiều so với so với mặt bằng chung hiện nay (biên độ từ 3-4%). Có nghĩa rằng TPBank chỉ "khát" vốn dài hạn trong ngắn hạn. Và khi giải toả được áp lực về tỷ lệ an toàn tài chính, các lô trái phiếu này hoàn toàn có thể được mua lại trước hạn. Quy định mua lại trái phiếu trước hạn cũng được thông báo rõ trong cả 9 lô trái phiếu vừa qua của TPBank.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận