Tp.Hồ Chí Minh: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 0,37%
Cục Thống kê Tp.HCM cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố tháng 10/2023 tăng 0,37%; trong đó có 4/11 nhóm hàng hóa giảm, có 7/11 các nhóm tăng...
Ngày 30/10, Cục Thống kê Tp.Hồ Chí Minh cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Tp.Hồ Chí Minh tháng 10/2023 tăng 0,37%; trong đó có 4/11 nhóm hàng hóa giảm, có 7/11 các nhóm tăng so với tháng trước, cao nhất là nhóm giáo dục tăng 7,16%.
Phân tích diễn biến chỉ số giá một số nhóm ngành hàng so với tháng trước, Cục Thống kê Tp.Hồ Chí Minh cho biết, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,03%; trong đó nhóm lương thực tăng 0,38%, chủ yếu do giá gạo vẫn tiếp tục tăng 0,51% khi Philippines tuyên bố không giảm thuế nhập khẩu. Nhóm thực phẩm giảm 0,30%; trong đó thịt gia cầm giảm 0,73%, trứng các loại tăng 0,02%, rau tươi, khô và chế biến giảm 1,11%, thuỷ sản chế biến tăng 0,14%; dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 0,27%.
Cùng xu hướng giảm có nhóm giao thông giảm 1,29%, chủ yếu do giá nhiên liệu giảm 3,97%; trong đó, giá xăng giảm 4,63%, dầu diesel giảm 0,72%. Trong tháng 10/2023 có 3 lần điều chỉnh giá bán xăng, dầu (ngày 02/10/2023, ngày 11/10/2023 và ngày 23/10/2023) làm cho nhóm nhiên liệu giảm 3,97% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2022, bình quân 10 tháng năm 2023 giá xăng, dầu giảm 13,36%, tác động làm CPI chung giảm 0,46 điểm phần trăm. Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04% so với tháng trước chủ yếu do các chương trình khuyến mãi, giảm giá bán các mặt hàng điện thoại và phụ kiện.
Ở chiều hướng tăng, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,36%, trong đó bia các loại tăng 0,09%, nước khoáng và nước có ga tăng 0,89%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,08%, do nhu cầu tiêu dùng tang, trong đó giá vải các loại tăng 0,11%, giá hàng may mặc khác tăng 0,48%, giày dép tăng 0,38%.
Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 0,05%, chủ yếu do giá gas và các loại chất đốt tăng 4,24%, trong đó giá gas điều chỉnh tăng 20.000 đồng/bình 12kg, giá nước sinh hoạt tăng 2,21%, nhà ở thuê tăng 0,02% do nhu cầu phục vụ sinh viên năm học mới vẫn còn. Ngược lại, giá điện sinh hoạt giảm 1,34% do thời tiết nhiều mưa nên nhu cầu sử dụng điện giảm.
Nhóm giáo dục tăng 7,16% so với tháng trước, do việc điều chỉnh giá học phí của một số trường cho năm học mới. Nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,27%, chủ yếu tập trung ở các mặt hàng đồ dùng cá nhân tăng 0,54%, dịch vụ khác tăng 0,46%.
Về chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm 2023, Cục Thống kê thành phố cho biết tăng 3,43% so với cùng kỳ (bình quân 10 tháng năm 2022 tăng 2,32%), chỉ trừ nhóm giao thông giảm 2,86% và bưu chính viễn thông giảm 1,70%; 9 nhóm còn lại đều tăng, trong đó các nhóm tăng cao gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,76%, đồ uống và thuốc lá tăng 3,96%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,47%, văn hóa, giải trí và du lịch tăng 3,90%, giáo dục tăng 14,54%.
Liên quan đến chỉ số giá vàng và USD tháng 10/2023, Cục Thống kê thành phố cho biết, chỉ số giá vàng tăng 1,53% so với tháng trước; bình quân 10 tháng năm 2023 tăng 0,94% so với cùng kỳ. Chỉ số giá USD tăng 1,22% so với tháng trước; bình quân 10 tháng năm 2023 tăng 2,961% so với cùng kỳ.
Kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm
Như thường lệ, bước vào quý IV là thời điểm các cơ sở kinh doanh ở Tp.HCM đều đã chuẩn bị nguồn hàng cho mùa mua sắm cuối năm với kỳ vọng sức mua của những ngành hàng thiết yếu như thực phẩm, thời trang, gia dụng… sẽ tăng mạnh. Tuy vậy, năm nay sức mua chưa cao so với kỳ vọng khiến nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, CEO Công ty Chế biến Thực phẩm Công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods), cho hay, năm nay Việt kiều về quê ăn Tết dự báo sẽ giảm nên thị trường Tết có thể sẽ kém sôi động. Vì vậy, năm nay doanh nghiệp phải linh động tìm hướng tiếp cận người tiêu dùng.
Ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, cũng cho biết doanh nghiệp đã chuẩn bị xong hàng hóa cho mùa Tết.
Theo ông Thông, các phần quà của Phúc Sinh năm nay có giá giảm 40% nhưng chất lượng không đổi so với 3 năm trước đây do doanh nghiệp sản xuất số lượng nhiều và đặc biệt là nhà cung cấp bao bì đã thay thế vật liệu xanh hơn, đẹp hơn nhưng giá rẻ hơn.
Tuy vậy, ông Thông cũng thừa nhận doanh nghiệp đang phải vật lộn với thị trường nội địa dù xuất khẩu đang rất tốt.
Đại diện Vissan cũng cho biết, dự kiến năm nay sẽ cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ và 3.800 tấn thực phẩm chế biến. Lượng hàng dự trữ chiếm khoảng 10-20% sản lượng.
Ngoài việc bảo đảm bình ổn giá, doanh nghiệp còn giảm giá từ 10-20% các sản phẩm thiết yếu vào các ngày cuối tuần và giảm giá 30% một số nhóm hàng cho khách hàng mua sắm Tết muộn.
Đại diện hệ thống MM Mega Market cũng thông tin, hiện nhu cầu mua sắm của người dân chậm hơn mọi năm, đơn vị sẵn sàng giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Bên cạnh việc giữ giá bán bình ổn, từ nay đến cuối năm, nhà bán lẻ này sẽ triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, nhiều mặt hàng có thể được áp dụng giảm giá 10% - 30%.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM, cho hay, các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm đã chuẩn bị sẵn sàng lượng hàng hóa cho thị trường mùa mua sắm cuối năm. Dự kiến nếu sức mua tăng 15%-20% các doanh nghiệp vẫn đủ sức cung ứng.
Đặc biệt, có 11 nhóm hàng với 44 công ty đã tham gia chương trình bình ổn giá của Tp.HCM, chủ yếu là nhu yếu phẩm thiết yếu như thịt, cá, rau củ… Các doanh nghiệp cam kết từ nay đến cuối năm sẽ không tăng giá để kích cầu mua sắm.
"Hiện các sở, ngành, các hệ thống bán lẻ trên địa bàn Tp.HCM cũng đã có các chương trình kích cầu, tạo điều kiện để hàng hóa sản phẩm giá cả hợp lý đến với người tiêu dùng", bà Chi thông tin với Dân Việt.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận hiện nay sức mua thị trường hơi yếu, tăng rất ít. Khó khăn của doanh nghiệp hiện nay nằm ở chỗ đầu vào nguyên vật liệu nhập khẩu tăng do tỷ giá biến động tăng cao, đẩy chi phí đầu vào tăng lên.
Trong khi đó, Sở Công Thương Tp.HCM thì cho biết, đang phối hợp với các ban ngành, doanh nghiệp triển khai nhiều chương trình bình ổn thị trường, khuyến mãi tập trung để người dân mua được sản phẩm có giá tốt vào dịp mua sắm dịp cuối năm.
Đặc biệt, thành phố cũng sẽ tận dụng ở mức cao nhất các cơ hội gia tăng sức mua như Black Friday, lễ Giáng sinh, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán…, phát động chương trình khuyến mãi, công bố sớm và đầy đủ, chi tiết thông tin để doanh nghiệp chủ động tham gia.
Thành phố dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức đợt 2 của chương trình khuyến mãi tập trung vào tháng 11 này. Trong đợt khuyến mãi lần 2 này, thành phố khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia để kích cầu mua sắm, tiêu dùng với hạn mức tối đa 100%, tương đương mua 1 tặng 1.
Cùng với đó, dự kiến, cuối tháng 12/2023 Sở Công Thương sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu giữa Tp.HCM và các tỉnh, thành phố năm 2023 nhằm kết nối các đơn vị sản xuất - cung ứng, tìm nguồn cung hàng hóa an toàn, giá hợp lý và có chất lượng tốt để cung cấp cho người dân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận