TP.HCM: Chủ động đảm bảo nguồn cung thịt lợn
Do dịch tả lợn châu Phi hoành hành trong thời gian qua, người dân lo lắng nguồn cung sẽ giảm nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới và giá thịt lợn sẽ tăng cao.
Trong những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9, tại thủ phủ của nghề nuôi lợn ở Đồng Nai, giá bán lợn tại các trại đang dao động từ 40-42 ngàn đồng/kg, tăng hơn 10 ngàn đồng/kg so với tháng trước. Theo Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, tổng đàn lợn của tỉnh hiện chỉ còn trên 1,85 triệu con, giảm hơn 650.000 con so với cách đây 4 tháng khi chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, tổng đàn nái hiện chỉ còn khoảng 230 ngàn con, giảm cả 100 ngàn con so với hồi đầu năm.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, giá lợn liên tục tăng trong vài tuần nay đã cho thấy cán cân cung - cầu của mặt hàng thịt lợn đang dần mất cân đối. Và trong vài tháng tới, nhất là vào mùa Tết Nguyên đán năm 2020 thì lợn hơi sẽ tăng mạnh về giá vì nguồn nhu cầu tăng cao và khả năng thiếu thịt lợn.
TP.HCM là thị trường tiêu thụ lợn lớn của Đồng Nai với khoảng 3.500 con/ngày (chiếm 50% tổng nhu cầu thịt lợn của TP.HCM). Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM chia sẻ, thời gian qua để chủ động nguồn cung ứng thịt lợn trong nước, tránh gây sốc thị trường do dịch tả lợn châu Phi lan rộng, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ DN, hệ thống phân phối tăng nguồn thịt lợn nhập khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2019, DN nhập khẩu 6.000 tấn thịt lợn, giá trị nhập khẩu khoảng 10,29 triệu USD (tăng gần 4.800 tấn so với cùng kỳ năm 2018).Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai lại nhìn nhận và đánh giá vấn đề ở góc độ khác, giá đang tăng cao là tín hiệu tốt để người chăn nuôi tập trung hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong việc phòng, chống dịch để phát triển đàn lợn. Hiện lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đang khuyến khích nông dân nuôi những loại gia súc khác để cung cấp thực phẩm thay thế lợn.
Trước đó, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt danh sách 24 quốc gia, vùng lãnh thổ có đủ điều kiện xuất khẩu thịt và sản phẩm từ thịt lợn vào Việt Nam gồm: Australia, Áo, Bỉ, Brazil, Canada, Đức, Hungary, Ấn Độ, Ireland, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, New Zealand, Tây Ban Nha, Ba Lan, Hoa Kỳ, Nga, Mexico… Theo nhận định của lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM, giá thịt lợn nhập khẩu vào Việt Nam cũng tương đối rẻ và ổn định, thấp hơn giá lợn hơi trong nước. Tuy nhiên, để không xảy ra biến động nguồn cung thịt lợn, Sở Công thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như theo dõi sát thị trường thịt lợn và chuẩn bị nguồn cung ứng thay thế, tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, xây dựng chuỗi cung ứng khép kín và khuyến khích tăng đàn đối với trang trại.
Bên cạnh những nỗ lực nêu trên, thời gian qua, Sở Công thương TP.HCM cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường thu mua, cấp đông, dự trữ thịt lợn; có kế hoạch nhanh chóng cung ứng ra thị trường nguồn thịt lợn đông lạnh đã dự trữ trước đó, nếu thị trường có dấu hiệu thiếu hàng, tăng giá. Dự ước, thời gian từ lúc đặt hàng thịt heo nhập khẩu đến lúc có mặt tại các cửa hàng bán lẻ là từ 45 - 60 ngày.
Hiện một số đơn vị chủ lực tại TP.HCM đã chủ động nhập khẩu thịt lợn để dự phòng các tình huống biến động trên thị trường thời gian tới. Cụ thể, Vissan dự trữ 3.600 tấn trong thời gian 45 ngày và sẵn sàng nhập khẩu thịt lợn nếu thị trường khan hiếm. Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn cũng có thể xuất chuồng lợn dưới tuổi, từ 80 - 90kg/con đồng thời, tập trung phát triển nguồn lợn giống, hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn. Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam đang triển khai biện pháp kỹ thuật, xuất chuồng đàn sớm và tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng thịt lợn của TP.HCM
Ngoài ra, để chuẩn bị nguồn thịt khác thay thế thịt lợn trong điều kiện thịt này khan hiếm và tăng giá, TP.HCM đã yêu cầu 2 đơn vị tham gia tích cực chương trình bình ổn giá của TP.HCM là Công ty Ba Huân duy trì mức trữ đông 200 tấn thịt gà và Công ty San Hà duy trì trữ đông 1.500 tấn thịt lợn, gà. Bên cạnh đó, thành phố cũng yêu cầu các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường như Saigon Co.op, BigC… chủ động duy trì lượng cung ứng trên thị trường gần 5.000 tấn/tháng, đáp ứng 21% thị phần tiêu thụ thịt lợn của thành phố.
“Thành phố sẽ chủ động để không xảy ra tình trạng thiếu hụt lượng thịt lợn và chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động nguồn cung trong nước và sẵn sàng nhập khẩu nếu thị trường khan hiếm”, ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TP.HCM khẳng định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận