TP Bank bị tố “dàn trận” thu hồi nợ như... xã hội đen
Theo phản ánh, dù không có mặt chủ sở hữu xe, nhưng TP Bank vẫn huy động hàng chục người để “cưỡng chế”, ép tài xế ký vào giấy thông báo thu hồi nợ rồi “tịch thu” ô tô của người vay nợ.
“Dàn trận” thu hồi nợ
Theo đơn phản ánh của ông Phạm Đình Khang, trú tại thị trấn Hưng Hà, Thái Bình: Năm 2016, ông vay trả góp của Ngân hàng TMCP Tiên Phong – chi nhánh Hoàng Mai (Hà Nội) để mua 1 xe vận tải hành khách 29 chỗ ngồi. Chiếc xe này sau đó được góp vào một đơn vị vận tải để làm cổ phần. Mục đích là để vận chuyển khách theo tuyến Hưng Hà - Thái Bình - Hà Nội và ngược lại.
Từ thời điểm mua xe đến hết tháng 2/2020 ông Phạm Đình Khang chấp hành đầy đủ kế hoạch trả nợ gốc và lãi theo hợp đồng.
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, việc kinh doanh vận chuyển hành khách gặp nhiều khó khăn. Chính phủ có chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch, nên ngày 10/3, ông Khang đã làm đơn gửi TP Bank – chi nhánh Hoàng Mai để đề nghị hỗ trợ theo chỉ đạo của Thủ tướng. Đơn của ông được nhân viên ngân hàng tiếp nhận.
Tháng 7, xe khách của ông Khang đang di chuyển theo hướng Hà Nội – Hưng Hà khi đến địa phận quận Long Biên (Hà Nội) thì bị khoảng 20 thanh niên chặn đường. Họ đuổi khách, dọa giết người và ép lái xe, phụ xe nhận 3 thông báo nợ. Nhóm người thực hiện “cưỡng chế” tài sản bất chấp chủ xe là ông Phạm Đình Khang không có mặt.
Theo phản ánh, trong tháng 7/2020, ông Khang cũng như công ty vận tải không nhận được bất cứ thông báo thu hồi nợ nào từ phía TP Bank. Ông Khang cho rằng, hành vi cưỡng ép bàn giao tài sản của TP Bank có tính chất côn đồ, xã hội đen. Vì vậy, ông đã làm đơn đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
Ông Khang cho biết, hiện tại, gia đình ông muốn trả toàn bộ số tiền còn nợ ngân hàng để lấy xe về, tiếp tục hoạt động chở khách. Tuy nhiên, phía ngân hàng không đồng ý mà đòi hóa giá chiếc xe của gia đình ông.
Để xác minh vụ việc trên, ngày 25/8, một đại diện của TP Bank xác nhận với Báo Giáo dục và Thời đại có sự việc trên. Đồng thời cho biết, bộ phận thu hồi nợ của TP Bank thực hiện vụ việc trên. Thời điểm diễn ra thu hồi nợ, ngân hàng có thông báo cho công an phường Gia Thụy (Gia Lâm, Hà Nội) biết. Khi thu hồi tài sản không có công an đi cùng.
Đại diện TP Bank cũng thông tin, khi thu giữ xe của khách hàng có lái xe Phạm Đình Thuấn ký vào giấy tờ. Quá trình thu giữ được lập vi bằng tại Văn phòng thừa phát lại.
Ông Phạm Đình Khang cho rằng, việc thu hồi nợ của TP Bank như xã hội đen và ông không hề nhận được thông báo thu hồi nợ nào trước khi xảy ra sự việc.
Cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản
Theo luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư Hà Nội, cần phải xác định rõ nội dung hợp đồng vay tín dụng của người dân có nội dung cụ thể như thế nào.
Nếu hợp đồng vay tiền có kèm theo điều khoản cho phép ngân hàng thu giữ tài sản của bên vay khi người vay chậm trả nợ thì ngân hàng có thể được thu giữ tài sản theo quy định của pháp luật. Trường hợp này, ngân hàng chỉ thu giữ tài sản khi có sự đồng ý của người vay. Nếu người vay không đồng ý cho ngân hàng thu giữ tài sản thì ngân hàng có thể khởi kiện ra tòa. Việc tịch thu tài sản của bên vay trả cho bên bán hay không sẽ do tòa án quyết định. Nếu người vay không đồng ý mà ngân hàng vẫn thu giữ tài sản thì bên vay có quyền đề nghị cơ quan chức năng xem xét hành vi cưỡng đoạt tài sản của ngân hàng.
Nếu hợp đồng vay tiền không có điều khoản cho phép ngân hàng thu giữ tài sản khi người vay không trả được nợ thì việc ngân hàng tự ý tịch thu tài sản của dân là trái luật.
Hiện hoạt động cho vay và xử lý nợ xấu được áp dụng theo Điều 299 Bộ luật Dân sự hiện hành, Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Các điều khoản đi kèm như, tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật. Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại tòa án có thẩm quyền. Không thuộc trường hợp đang bị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật. Đồng thời, ngân hàng đã hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin, thông báo cho các bên.
Theo ý kiến của chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải, Hà Nội, khi ngân hàng thu hồi tài sản của người dân thì bắt buộc phải có mặt của chủ sở hữu. Việc tài xế bị ép buộc ký vào biên bản thu hồi nợ là vô giá trị và có dấu hiệu cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản.
Chuyên gia Nguyễn Gia Hải nói: “Pháp luật cho phép ngân hàng thu hồi tài sản đảm bảo. Nhưng trước khi áp dụng các biện pháp cực đoan nhất – thu hồi tài sản đảm bảo thì ngân hàng cần tạo điều kiện thuận lợi để người vay được thanh toán số tiền còn nợ. Còn trong trường hợp cụ thể này, cơ quan chức năng cần lập Bản án mẫu cho sự việc, chuẩn bị cho những bước điều tra tiếp theo”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận