Tổng dư nợ cho vay ký quỹ margin tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục
Tổng dư nợ cho vay ký quỹ margin tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục, hơn 141.300 tỉ đồng.
Theo con số mới nhất được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ với Talkshow Phố Tài Chính, tăng trưởng dư nợ margin tính đến ngày 13/9/2021 đã tăng tới 74,62%, so với đầu năm 2021. Mức tăng trưởng nóng trên đã tạo ra những lo ngại tiềm ẩn những rủi ro cho nhà đầu tư sử dụng margin khi thị trường diễn biến khó lường trong những phiên gần đây. Điều này liệu có đáng lo?
Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài Chính, ông Võ Thế Vinh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam đánh giá bước vào quý III/2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có nhịp điều chỉnh trung hạn, thế nhưng thanh khoản trên thị trường vẫn duy trì ở mức cao và chỉ sụt giảm nhẹ so với quý II/2021.
“Theo tôi, lượng margin này cũng không gọi là quá cao. Các công ty chứng khoán cho vay margin vẫn đảm bảo được các quy định của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Với quy mô 120% vốn chủ sở hữu và 40-60% tổng tài sản thì rõ ràng mức cho vay margin ở thời điểm hiện tại so với tiềm lực tài chính của các công ty chứng khoán là không quá cao. Chúng ta biết rằng trong quý III/2021 cũng có rất nhiều công ty chứng khoán đã hoàn thành đợt tăng vốn của họ, cho phép mở rộng danh mục cho vay margin”, ông Thế Vinh chia sẻ.
Margin hay còn gọi là giao dịch ký quỹ là một thuật ngữ thông dụng của giới tài chính, đặc biệt là đối với đầu tư chứng khoán. Hiểu đơn giản là việc bạn có thể vay tiền của công ty chứng khoán để gia tăng sức mua cổ phiếu. Thông thường, những cổ phiếu đáp ứng đủ điều kiện để cho vay ký quỹ theo quy định của Sở sẽ được các công ty chứng khoán cấp một tỉ lệ margin khác nhau. Tỉ lệ này cao hay thấp phụ thuộc vào từng cổ phiếu mà nhà đầu tư nắm giữ và từng công ty chứng khoán. Những cổ phiếu thuộc nhóm Bluechips thường được cấp hạn mức margin cao nhất.
Ở thị trường tăng giá, việc sử dụng đòn bẩy sẽ giúp nhà đầu tư gia tăng lợi nhuận, đồng thời gia tăng giá trị tài sản ròng. Khi đó, sức mua của nhà đầu tư sẽ gia tăng, bởi việc cho vay margin của các công ty chứng khoán còn phụ thuộc vào giá trị tài sản ròng của nhà đầu tư.
Trong một thị trường giảm giá, việc sử dụng margin sẽ khiến nhà đầu tư chịu rủi ro nhiều hơn. Nếu nhà đầu tư đang sử dung margin mà cổ phiếu giảm giá thì lúc này giá trị tài sản ròng sẽ giảm tương ứng với tỉ lệ đòn bảy mà nhà đầu tư đang sử dụng. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu sử dụng tỉ lệ margin 1:2, nhà đầu tư sẽ lỗ gấp đôi, dùng tỉ lệ đòn bẩy 1:3 nhà đầu tư sẽ lỗ gấp 3 lần.
Tuy nhiên, rủi ro mà có lẽ nhà đầu tư cảm thấy “sợ nhất” là call margin và force-sell. Khi giá trị tài sản ròng của nhà đầu tư bị giảm, đồng nghĩa với việc tài sản ký quỹ của nhà đầu tư bị giảm. Khi này, để đảm bảo tỉ lệ ký quỹ, các công ty chứng khoán sẽ yêu cầu nhà đầu tư thực hiện bổ sung thêm tài sản đảm bảo (call margin). Nhà đầu tư có thể nạp thêm tiền hoặc chuyển cổ phiếu từ công ty chứng khoán khác về, hình thức nạp thêm tiền là phổ biến nhất.
Trong trường hợp nhà đầu tư không bổ sung thêm tài sản đảm bảo, các công ty chứng khoán sẽ thực hiện bán cổ phiếu của nhà đầu tư để giảm bớt phần nợ vay, đưa tỉ lệ đòn bẩy về đúng mức quy định của các công ty chứng khoán, động thái này gọi là force-sell. Nếu như nhà đầu tư mua bán cổ phiếu có trả giá, thì khi force-sell công ty chứng khoán thường bán bằng lệnh thị trường. Khi nhiều công ty chứng khoán force-sell thì sẽ gây thêm áp lực giảm lên thị trường và một vòng xoáy margin lại tiếp tục diễn ra. Đó là những lý do chính khiến nhà đầu tư tỏ ra lo lắng khi dư nợ margin cao kỉ lục.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận