Tôm xuất khẩu vi phạm chất lượng: 5 lô hàng bị cảnh báo mỗi tháng
Tình trạng lạm dụng phụ gia để ngâm, quay, tăng khối lượng và các yếu tố khác trong chế biến tôm đang phổ biến khi các nước nhập khẩu cảnh báo 53 lô hàng tôm trong 11 tháng đầu năm 2021.
Ông Lê Bá Anh - phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Nafiqad, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết như vậy khi nói về công tác kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nuôi tôm năm 2021.
Theo ông Bá Anh, cả nước có 416 cơ sở chế biến tôm đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường như Bắc Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc.
"Năm 2021 có 53 lô hàng tôm bị cảnh báo. Trong đó, cảnh báo về phụ gia, phosphate là 25 lô, chiếm gần 50% số lô cảnh báo, về dịch bệnh chiếm 13 lô, vi sinh 5 lô,… Như vậy, tình trạng lạm dụng phụ gia để ngâm, quay, tăng khối lượng và các yếu tố khác trong chế biến tôm đang phổ biến, bị cảnh báo rất nhiều nên cần phải xử lý trong thời gian tới. Riêng về tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm có 8 lô, giảm 2 lô so với năm 2020" - ông Bá Anh nói.
Theo ông Bá Anh, từ đầu năm tới nay cục tiếp tục giám sát 111 vùng nuôi tại 35 tỉnh, thành phố và phát hiện 10 mẫu tôm vi phạm liên quan đến các chỉ tiêu hóa chất kháng sinh như Chloramphenicol, Ciprofloxacin, Oxytetracycline, Ormetoprim, Enrofloxacin.
"Mặc dù không phải con số lớn nhưng so với cá tra thì tôm sử dụng hóa chất, kháng sinh và bị phát hiện nhiều hơn. Kết quả trên cho thấy xu hướng các cơ sở nuôi tôm lạm dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong quá trình nuôi trồng tăng cao" - ông Bá Anh nói.
Theo ông Bá Anh, 10 tháng đầu năm 2021, Nafiqad phát hiện 34 cơ sở (tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang) vi phạm về dư lượng hóa chất, kháng sinh, tịch thu hơn 3,8 tấn tang vật vi phạm với tổng số tiền xử phạt từ các cơ sở vi phạm là 1,1 tỉ đồng.
Trong thời gian tới, ông Bá Anh cho biết Nafiqad sẽ tiếp tục triển khai chương trình giám sát dư lượng quốc gia với các vùng nuôi trồng thủy sản. Dự kiến tiếp tục giám sát 11 vùng nuôi tôm tập trung tại 35 tỉnh, thành phố. Tiếp tục theo dõi và xử lý kịp thời các lô hàng bị cảnh báo.
"Cục sẽ có hội nghị hội thảo, văn bản cảnh báo đối với tất cả các doanh nghiệp chế biến cũng như là chuỗi sản xuất liên quan đến chỉ tiêu bị cảnh báo trên các thị trường. Đồng thời trong năm 2022 sẽ phải dựa trên đối tượng và chỉ tiêu các thị trường tập trung cảnh báo để có chỉ đạo các địa phương để triển khai hoạt động thanh tra kiểm tra để xử lý tình trạng này nằm đảm bảo uy tín của thủy sản Việt Nam" - ông Bá Anh nói.
Đối với các doanh nghiệp, ông Bá Anh đề nghị tiếp tục thực hiện các chương trình quản lý chất lượng ASC, đặc biệt là hệ thống truy xuất nguồn gốc, khai báo xuất xứ tôm xuất khẩu vào Mỹ theo mẫu DF2031 theo quy định của Mỹ.
"Phải kiểm soát chặt chẽ tạp chất trong tôm theo quy định hiện hành. Hạn chế tối đa sử dụng phụ gia, các yếu tố nhằm mục đích gian lận thương mại làm mất uy tín của thủy sản Việt Nam" - ông Bá Anh nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận