Toàn cảnh kết quả kinh doanh quý 3/2023
Quý 3/2023, nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu kinh doanh khởi sắc, thậm chí bùng nổ lợi nhuận. Trái lại, vẫn còn không ít doanh nghiệp bế tắc, chưa tìm được lối ra.
Theo thống kê từ VietstockFinance, tổng doanh thu và lãi ròng của 1,040 doanh nghiệp (trên sàn HOSE, HNX và UPCoM đã công bố BCTC và ngoại trừ nhóm chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, công ty tài chính) trong quý 3/2023 đạt khoảng 920 ngàn tỷ đồng và 50 ngàn tỷ đồng, giảm lần lượt 1% và 16% so với cùng kỳ năm trước.
Dữ liệu cho thấy, có 353 doanh nghiệp lãi tăng, 383 doanh nghiệp lãi giảm, 106 doanh nghiệp chuyển lỗ, 58 doanh nghiệp giảm lỗ, 57 doanh nghiệp tăng lỗ, và 77 doanh nghiệp chuyển lãi.
“Câu lạc bộ ngàn tỷ”
Quý 3 có 12 doanh nghiệp thuộc “câu lạc bộ ngàn tỷ”, đứng đầu là ông lớn bất động sản Vinhomes (HOSE: VHM) với lãi ròng 10,695 tỷ đồng, bất chấp việc sụt giảm 26% so với cùng kỳ. Nguyên nhân khiến VHM giảm lãi đến từ khoản lỗ khác gần 322 tỷ đồng (cùng kỳ lãi khác gần 879 tỷ đồng) đã xóa nhòa đà tăng đến 84% của doanh thu, chủ yếu từ việc bàn giao 2,400 căn bất động sản thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 3 theo đúng kế hoạch.
Dù lãi ròng quý 3 giảm, VHM đã kịp vượt 8% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho năm 2023, đồng thời cách khá xa nhóm bám đuổi.
Xếp thứ hai là Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) với lãi ròng 3,260 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ nhờ giá dầu thô tăng và cracking spread (khoảng cách giá sản phẩm và giá dầu thô) tốt hơn. Sau 9 tháng, BSR đã vượt 279% kế hoạch lợi nhuận năm.
Nhờ mặt bằng giá nguyên liệu trong kỳ ổn định, sản lượng bán hàng cải thiện, Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) bứt phá ngoạn mục từ lỗ 1,774 tỷ đồng thành lãi 2,005 tỷ đồng, hoàn thành 48% kế hoạch năm và xếp thứ 6 trong danh sách lãi ngàn tỷ đồng. Tính đến hết quý 3, HPG tiếp tục dẫn đầu thị phần thép xây dựng, ống thép tại Việt Nam, lần lượt là 33.3% và 27.3%.
Ngoài ra, danh sách còn có nhiều cái tên nổi bật khác như Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (HOSE: ACV), Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas, HOSE: GAS), CTCP FPT (HOSE: FPT), Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (Veam, UPCoM: VEA), CTCP Vincom Retail (HOSE: VRE), Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (UPCoM: VGI), Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (HOSE: SAB).
Doanh nghiệp đạt lãi ròng hơn ngàn tỷ đồng trong quý 3/2023
(Đvt: Tỷ đồng)
Tổng doanh thu và lợi nhuận của nhóm ngàn tỷ này chiếm lần lượt 20% và 64% kết quả toàn ngành trong quý 3/2023.
“Câu lạc bộ ngàn tỷ” quý 3/2023
(Đvt: Tỷ đồng)
Bứt phá lợi nhuận
Với mức tăng 9,689% so với cùng kỳ, TH1 trở thành doanh nghiệp có lãi tăng mạnh nhất trên sàn chứng khoán quý 3/2023. Theo sau là NAP với mức tăng lãi ròng 6,044% nhờ vào doanh thu tăng gần gấp đôi cùng kỳ trong khi chi phí tiết giảm đáng kể, đánh dấu quý thứ 5 lợi nhuận của NAP tăng liên tục.
Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) cũng tăng trưởng lợi nhuận lên đến 1,330%, đạt 12 tỷ đồng, trong khi ở nửa đầu năm là lỗ. Kết quả lợi nhuận kỳ này nhờ vào doanh thu tăng, đi kèm cổ tức được chia từ CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Kiên Giang.
Bất chấp doanh thu hoạt động kinh doanh chính giảm, lợi nhuận của Rạng Đông Holding (HOSE: RDP) vẫn tăng mạnh 4,144%, lên 31 tỷ đồng. Kết quả này nhờ vào doanh thu tài chính tăng đột biến - từ 1 tỷ đồng cùng kỳ lên 32 tỷ đồng kỳ này.
Tương tự, CTCP Nhân lực và Thương mại Vinaconex (HNX: VCM) có lãi tăng 1,177%, dù doanh thu giảm hơn một nửa.
Top 20 doanh nghiệp có lãi tăng mạnh nhất trong quý 3/2023
(Đvt: Tỷ đồng)
“Đổi màu” lợi nhuận
Bên cạnh những doanh nghiệp kể trên, không thể không nhắc đến những nỗ lực của các doanh nghiệp chuyển lỗ thành lãi. Ngoài HPG, Thép Nam Kim (HOSE: NKG) cũng là doanh nghiệp thép đáng chú ý trong nhóm này.
Quý 3, doanh thu NKG đạt 4,262 tỷ đồng, giảm 4% khi nhu cầu vẫn ở mức yếu. Nhờ tiết giảm nhiều chi phí mà kết quả sau cùng đạt lãi 24 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 420 tỷ đồng.
Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (UPCoM: OIL) lãi ròng 219 tỷ đồng so với mức lỗ 319 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Ban lãnh đạo cho biết, trong quý 3/2023, giá dầu thế giới tăng nên giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng, trái ngược với tình cảnh giá dầu thế giới liên tục giảm sâu của cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, một số đầu mối nhỏ tạm ngừng hoặc thu hẹp kinh doanh, tạo điều kiện cho OIL mở rộng thị trường, tăng thị phần và sản lượng tiêu thụ. Ngoài ra, nhờ lãi tiền gửi ngân hàng và chênh lệch tỷ giá, doanh thu tài chính trong kỳ của OIL đạt hơn 246 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.
Nhìn chung, kết quả kinh doanh tích cực tiếp tục mở đường cho OIL xử lý hết lỗ lũy kế trong năm nay và chuyển niêm yết sang HOSE.
Một doanh nghiệp khác trong ngành dầu khí cũng chuyển lỗ thành lãi ngoạn mục là Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HOSE: PVD). Nhờ cải thiện biên lãi gộp, cộng với khoản thu nhập khác 79 tỷ đồng từ thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với khách hàng trong khi cùng kỳ thu nhập khác có 3.5 triệu đồng; kết quả: PVD lãi 151 tỷ đồng, bỏ xa khoản lỗ 34 tỷ đồng của cùng kỳ.
Top 20 doanh nghiệp chuyển lỗ sang lãi trong quý 3/2023
(Đvt: Tỷ đồng)
Chưa tìm được “lối ra”
Thống kê cho thấy, có 115 doanh nghiệp ngậm ngùi với kết quả tiếp tục thua lỗ. Trong đó, 57 doanh nghiệp tăng lỗ và 58 doanh nghiệp giảm lỗ. Những doanh nghiệp chưa tìm được “lối ra” khi tiếp tục tăng lỗ so với cùng kỳ đáng chú ý như HVN, HNG hay nhóm doanh nghiệp thép SMC, POM, TIS.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) không còn xa lạ khi liên tục lỗ thời gian qua. Doanh thu và lãi gộp quý 3 có cải thiện nhưng chưa đủ để bù đắp những chi phí như lãi vay, lỗ tỷ giá, chi phí bán hàng… Theo đó, hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam cán mốc 15 quý liên tiếp thua lỗ kể từ quý 1/2020 và lỗ lũy kế gần 38 ngàn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm gần 14 ngàn tỷ đồng.
Mặt khác, giới đầu tư còn mong chờ báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 từ Hãng. Nếu sau kiểm toán, Vietnam Airlines vẫn lỗ trong năm 2022, Công ty sẽ rơi vào diện thua lỗ 3 năm liên tiếp và có thể bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán. Trước đó, lãnh đạo HVN cũng thừa nhận, nhiều khả năng cổ phiếu HVN sẽ rời HOSE.
Với Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HOSE: HNG), tình hình kinh doanh tiếp tục kém khả quan. Doanh thu mảng cây ăn trái chịu tác động nặng nề bởi thiếu nhân công lao động, thời tiết không ủng hộ (mưa nhiều, kéo dài). Trong kỳ, Công ty tiếp tục tập trung đầu tư cải tạo vườn cây hiện hữu, dẫn đến diện tích thu hoạch thấp. Mảng cao su cũng chịu cảnh thiếu nhân công cạo mủ, giá vốn vườn cây lớn (chi phí khấu hao chiếm 60%), dẫn đến thu không bù đủ chi.
Điểm tích cực là HNG không còn lỗ từ chênh lệch tỷ giá, do đã chuyển hạch toán từ đồng LAK sang đồng USD trong năm 2022. Thậm chí, HNG còn có lãi chênh lệch tỷ giá USD/VND. Ngoài ra, HNG còn có khoản cổ tức 2022 từ CTCP Cao su BIDIPHAR. Dù vậy, HNG vẫn lỗ ròng 199 tỷ đồng trong quý 3/2023, đánh dấu quý lỗ thứ 10 liên tiếp.
Nhóm doanh nghiệp thép có quý kinh doanh khó khăn với 3 cái tên tiếp tục thua lỗ. Đầu tiên là Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) tiếp tục lỗ 164 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 188 tỷ đồng. Sự đi xuống của hoạt động kinh doanh cốt lõi từ nửa cuối năm 2022, khi khủng hoảng bất động sản bắt đầu nổi lên, cùng sự giảm tốc của nền kinh tế, hoạt động tài chính của SMC cũng không thuận lợi.
Gang thép Thái Nguyên (Tisco, UPCoM: TIS) có quý lỗ thứ 5 liên tiếp với 59 tỷ đồng, qua đó cho thấy ngành thép vẫn còn chìm đắm trong khó khăn. Mặt khác, dự án gang thép giai đoạn 2 “đắp chiếu” 15 năm qua đang chiếm chỗ trong 8 ngàn tỷ đồng chi phí xây dựng dở dang, trong đó có 3.3 ngàn tỷ đồng lãi vay đã vốn hóa.
Thép Pomina (HOSE: POM) lỗ 110 tỷ đồng, ghi nhận quý thứ 6 liên tiếp thua lỗ.
Top 20 doanh nghiệp tiếp tục lỗ trong quý 3/2023
(Đvt: Tỷ đồng)
Nhiều “ông lớn” từ lãi chuyển thành lỗ
Không nằm trong “câu lạc bộ” lãi ngàn tỷ như VHM và VRE; quý 3, Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC) lỗ 669 tỷ đồng, bất chấp mức doanh thu kỷ lục 47,948 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu nhờ tốc độ bàn giao các căn bất động sản thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park cũng như sự tăng trưởng mạnh của doanh thu bán xe điện.
Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh trong khi chi phí tài chính tăng đã gây áp lực lên kết quả kinh doanh chung, khiến lợi nhuận sau thuế chỉ còn tăng 12%, đạt hơn 567 tỷ đồng. Sau cùng, VIC lỗ ròng 669 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 947 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp đáng chú ý khác cũng chuyển lãi sang lỗ là Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC). Doanh thu quý 3 năm nay chỉ bằng một nửa cùng kỳ, với hơn 1,893 tỷ đồng. Giá vốn cùng nhiều chi phí tăng khiến HBC lỗ gần 169 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 6 tỷ đồng. Sau 9 tháng, HBC lỗ xấp xỉ 880 tỷ đồng, cùng kỳ lãi gần 64 tỷ đồng.
Top 20 doanh nghiệp chuyển lãi sang lỗ trong quý 3/2023
(Đvt: Tỷ đồng)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận