TKV: 5 năm, giá than cho sản xuất điện vẫn giữ nguyên
Sản lượng than cho sản xuất điện chiếm 80% tổng sản lượng khai thác, trong khi than xuất khẩu vẫn đang theo thị trường thế giới, chỉ chiếm khoảng trên 10%.
Chia sẻ với báo chí ngày 4/10 tại Triển lãm Mining Vietnam 2022, ông Nguyễn Ngọc Cơ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, giá bán than cho các hộ tiêu thụ hiện chưa theo giá thành sản xuất, nhất là than cho sản xuất điện. Trong khi đó, giá than thế giới đã vượt hơn 400 USD/tấn và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới. Điều này khiến tập đoàn này phải thịu thiệt thòi.
"Phần thiệt thòi tập đoàn phải chịu, trong khi lượng than cho sản xuất điện thường chiếm 80% tổng sản lượng khai thác, trong khi than xuất khẩu vẫn đang theo thị trường thế giới, chỉ chiếm khoảng trên 10%", ông Nguyễn Ngọc Cơ nói.
Ông Cơ cho biết giá than, các chi phí liên quan đến khai thác của tập đoàn ngày càng tăng do phải khai thác sâu và chi phí đầu vào tăng cao.
Do đó, giá thành khai thác trên mỗi tấn than tăng lên nhiều so với trước kia, trong khi giá tiêu thụ, cung ứng than cho sản xuất điện, thép, xi măng vẫn được giữ nguyên 5 năm nay.
Hiện TKV đang tổ chức sản xuất than bình quân hơn 40 triệu tấn/năm. Việc sản xuất than phụ thuộc trữ lượng than và điều kiện khai thác.
“Để cân đối nguồn cung cho các hộ tiêu thụ như Chính phủ giao, tập đoàn cần tăng cường và có kế hoạch hàng năm. Tuy nhiên giá thế giới đang ở mức cao đang là thách thức và thiệt thòi mà tập đoàn này đang phải chịu”, Phó Tổng Giám đốc TKV chia sẻ.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây cũng cho biết do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện như than, dầu, khí tăng đột biến từ đầu năm đến nay làm chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao khiến tập đoàn này đang gặp khó khăn về tài chính.
Ngoài phần than mua từ TKV, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cũng nhập khẩu thêm để phục vụ cho việc sản xuất điện.
Tại hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia, do Ủy ban Đối ngoại Quốc hội tổ chức ngày 23/9, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN) cho rằng việc đảm bảo cân đối của EVN chịu ảnh hưởng lớn của các yếu tố đầu vào biến động khó dự báo, trong đó có giá than nhập khẩu tăng cao.
8 tháng đầu năm, sản xuất kinh doanh của EVN gặp rất nhiều khó khăn vì giá thành khâu phát điện chiếm tỷ trọng rất lớn 82,45% trong giá thành điện thương phẩm tăng quá cao theo giá nhiên liệu và các chi phí đầu vào tăng mạnh. Trong đó, giá than nhập khẩu tháng 8 trung bình 417,4 USD/tấn, tăng 3,48 lần so với kế hoạch năm.
Năm nay cũng là năm thứ 3 liên tiếp giá bán điện bình quân chưa được tăng kể từ tháng 3/2019.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận