24HMONEY đã kiểm duyệt
27/02/2023
Tin thế giới 27/2: Tướng Ukraine tới Bakhmut, Nga lạc quan về BRICS và SCO
Nga bi quan về giải pháp hòa bình cho Ukraine, khả năng người đứng đầu Đài Loan (Trung Quốc) thăm Mỹ…là một số tin thế giới đáng chú ý.
Nga-Ukraine
* Nga bi quan về giải pháp hòa bình cho xung đột Ukraine: Ngày 27/2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thừa nhận đề xuất của Trung Quốc về tìm kiếm một giải pháp chính trị về Ukraine. Tuy nhiên, ông cho rằng các điều kiện cần thiết để giải quyết xung đột một cách hòa bình hiện vẫn chưa đủ. Theo quan chức Nga, kế hoạch hòa bình của Trung Quốc cần được phân tích chi tiết, có sự cân nhắc lợi ích của tất cả các bên. Ông cũng chỉ trích gói trừng phạt mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) với Nga là hành động “phi lý”. (AFP/Reuters)
* Ông Medvedev cảnh báo hậu quả của việc cấp vũ khí cho Kiev: Trong bài viết trên báo Izvestia (Nga) ngày 27/2, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, cựu Tổng thống Dmitry Medvedev nói: “Tất nhiên, việc bơm vũ khí vào có thể tiếp tục.... và ngăn cản mọi khả năng nối lại đàm phán. Kẻ thù của chúng ta đang làm điều đó, không muốn hiểu rằng mục tiêu của họ chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại hoàn toàn. Mất mát cho tất cả mọi người. Đó là sự sụp đổ...” (Reuters)
* Tướng Ukraine tới Bakhmut bàn chiến lược chống Nga: Quân đội Ukraine cuối tuần qua cho hay Tư lệnh lực lượng mặt đất nước này, Tướng Oleksandr Syrskyi đã thăm thị trấn Bakhmut để động viên tinh thần và thảo luận chiến lược với các đơn vị tại đây, cũng như các ngôi làng xung quanh ở miền Đông Ukraine. Vị Tư lệnh 57 tuổi này là một trong những chỉ huy giàu kinh nghiệm nhất của Ukraine. Ông được coi là người đứng sau kế hoạch ngăn cản lực lượng Nga tiến vào Kiev ban đầu xung đột, cũng như tại Kharkov hồi tháng 9/2022.
Hiện Nga đã đạt được một số bước tiến trong việc bao vây Bakhmut, nơi chỉ còn 5.000/70.000 cư dân còn trụ lại. Tuy nhiên, các lực lượng của nước này vẫn chưa thể hoàn toàn kiểm soát thị trấn của Ukraine. (Reuters)
* Ukraine kêu gọi Hàn Quốc cung cấp vũ khí sát thương: Phát biểu tại một diễn đàn địa phương ngày 27/2, Đại sứ Ukraine tại Seoul Dmytro Ponomarenko nói: “(Ukraine) hy vọng rằng Chính phủ Hàn Quốc có thể tìm ra giải pháp cho phép nước này cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine”. Quan chức này cũng kêu gọi tăng cường trừng phạt Moscow thông qua cấm toàn diện nhập khẩu dầu của Nga và loại tất cả ngân hàng Nga khỏi hệ thống
thanh toán chính trên toàn cầu. Ông còn đề nghị được tham vấn trực tiếp với Bộ Quốc phòng và Cơ quan mua sắm vũ khí nhà nước (DAPA) của Hàn Quốc về hỗ trợ vũ khí.
(Yonhap) * Trung Quốc sẽ duy trì liên lạc với mọi bên trong xung đột Nga-Ukraine: Ngày 27/2, trả lời
họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh: “Lập trường của Trung Quốc trong vấn đề khủng hoảng Ukraine luôn nhất quán và rõ ràng. Cốt lõi là kêu gọi hòa bình và thúc đẩy đối thoại cũng như thúc đẩy một giải pháp chính trị để giải quyết cuộc khủng hoảng. Chúng tôi luôn duy trì liên lạc với
các bên liên quan, bao gồm cả Ukraine”.
Tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố ông có kế hoạch hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, song không nêu rõ thời điểm. (Reuters)
Đông Nam Á
* Philippines xem xét địa điểm đặt tên lửa BrahMos ở Biển Đông
: Ngày 27/2, Lực lượng Thủy quân lục chiến Philippines cho biết đang xem xét khu đất rộng 10 hecta được hiến tặng trên đảo Lubang, tỉnh Occidental Mindoro, là địa điểm quan trọng trong “chiến lược phòng thủ bờ biển” trước mối đe dọa từ bên ngoài. Việc chính quyền Lubang hiến tặng khu đất này cũng có khả năng góp phần chuẩn bị
cơ sở hạ tầng cho việc Philippines tiếp nhận lô tên lửa BrahMos đầu tiên từ Ấn Độ. Đảo Lubang nằm cách Bãi cạn Panatag (bãi cạn Scarborough) gần 300 km về phía Đông Nam, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
(TTXVN) Nam Á
* Biểu tình phản đối hoãn bầu cử ở Sri Lanka: Ngày 26/2, biểu tình rầm rộ đã nổ ra ở thủ đô Colombo để phản đối quyết định của chính phủ về hoãn cuộc bầu cử chính quyền địa phương vì thiếu nguồn lực tài chính. Tin cho hay khoảng 10.000 người đã xuống đường, yêu cầu tổ chức bầu cử vào tháng 3 tới như đã dự kiến. Cuộc biểu tình được cho là do liên minh chính trị Quyền lực Nhân dân Quốc gia (NPP) tổ chức, diễn ra gần Tòa thị chính ở Colombo. Theo kênh Ada Derana (Sri Lanka), cảnh sát nước này đã sử dụng đạn hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông, khiến gần 20 người bị thương, đồng thời phong tỏa một số con đường. (Sputnik/Wionews)
Nam Thái Bình Dương
* Australia lên kế hoạch cải cách luật an ninh mạng: Trả lời phỏng vấn đài ABC (Australia) ngày 27/2, Bộ trưởng Nội vụ Clare O'Neil cho biết, nước này dự kiến cải cách luật an ninh mạng, thành lập một cơ quan giám sát đầu tư chính phủ trong lĩnh vực này và hỗ trợ phối hợp ứng phó với các cuộc tấn công mạng.
Bà cho rằng các quy định an ninh mạng hiện hành không còn phù hợp ứng phó với các cuộc tấn công mạng hiện nay và không thể bảo vệ dữ liệu người dùng. Quan chức này cũng cho biết trong ngày 27/2, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo ngành và các chuyên gia an ninh mạng.
Từ cuối năm 2022, số vụ tấn công mạng tại Australia đã gia tăng. Ít nhất 8 công ty ghi nhận bị tấn công, bao gồm công ty bảo hiểm y tế Medibank Private Ltd. và công ty viễn thông Optus thuộc sở hữu của Singapore Telecommunications Ltd. (ABC)
Đông Bắc Á
* Bà Thái Anh Văn có thể thăm Mỹ? Tờ Sankei Shimbun (Nhật Bản) dẫn lời một số quan chức của Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, nhà lãnh đạo này có thể sẽ thăm Mỹ tháng 8 tới. Theo đó, bà Thái Anh Văn, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 5/2024, dự định thăm Mỹ để nêu bật những thành tựu ngoại giao trong thời gian lãnh đạo, cũng như tiến triển trong quan hệ giữa Washington và Đài Bắc. Theo nguồn thạo tin, có 3 đề xuất cho chuyến thăm của bà Thái Anh Văn. Đầu tiên là thuyết trình tại sự kiện do trường cũ của bà, Đại học Cornell ở New York, tổ chức. Thứ hai là tham gia một sự kiện do một trung tâm nghiên cứu của Mỹ tổ chức. Kế hoạch thứ ba là dự lễ nhậm chức của Tổng thống Paraguay, dự kiến diễn ra vào tháng 8, sau đó dừng chân tại Mỹ.
Tuy nhiên, trong tuyên bố chiều 25/2, cơ quan đối ngoại Đài Loan cho biết các thông tin từ truyền thông chỉ là suy đoán và không đúng sự thật. Cơ quan này nhấn mạnh nếu có kế hoạch cụ thể, Văn phòng của người đứng đầu Đài Loan và cơ quan đối ngoại Đài Loan sẽ thông báo cho công chúng trong thời gian thích hợp.
Lần gần đây nhất bà Thái Anh Văn thăm Mỹ là năm 2019, với các chặng dừng chân ở New York và Denver (bang Colorado). Tại New York, bà đã dự một hội nghị cùng đại diện doanh nghiệp Mỹ-Đài Loan và tiệc tối với các thành viên của cộng đồng người Mỹ gốc Đài. Đây là một phần trong chuyến đi của bà đến nước thân thiện ở vùng Caribbean, gồm Saint Vincent và Grenadines, Saint Lucia, Saint Kitts và Nevis, và Haiti. (TTXVN)
* Nhật Bản lên kế hoạch mua 400 tên lửa Tomahawk: Ngày 27/2, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết nước này đang xem xét mua 400 tên lửa Tomahawk của Mỹ. Trước đó, phát biểu tại Quốc hội hôm 15/2, ông nhấn mạnh: “Tên lửa Tomahawk mà đất nước chúng ta sẽ mua là mẫu mới nhất, với đường bay cho phép tránh bị đánh chặn. Chúng ta đang cân nhắc mua chúng dựa trên đánh giá (về khả năng này). Các quan chức Nhật Bản hy vọng rằng hợp đồng mua tên lửa của Mỹ sẽ được ký trong tài khóa 2023, bắt đầu từ ngày 1/4 tới. (Reuters)
* Nhật Bản sớm nới lỏng lệnh kiểm soát biên giới với Trung Quốc: Trả lời họp báo ngày 27/2, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết từ ngày 1/3, nước này sẽ nới lỏng biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19 với hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc, qua đó hủy bỏ yêu cầu xét nghiệm bắt buộc đối với du khách nhập cảnh. Như vậy, thay vì xét nghiệm diện rộng với du khách từ Trung Quốc, Nhật Bản sẽ chỉ xét nghiệm các mẫu được chọn, dù hành khách vẫn phải xuất trình kết quả âm tính trước khi lên máy bay tới Nhật Bản.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản nhấn mạnh, thay đổi này nhằm mục đích “hỗ trợ hoạt động đi lại quốc tế suôn sẻ, do tỷ lệ kết quả xét nghiệm dương tính thấp trong số những người nhập cảnh”. Ông Matsuno cho biết thêm các hãng hàng không cũng sẽ được phép vận hành các chuyến bay thẳng từ Trung Quốc tới nhiều sân bay Nhật Bản hơn. Tính tới nay, các chuyến bay thẳng từ Trung Quốc chỉ được phép hạ cánh tại các sân bay Narita, Haneda, Kansai và Chubu. (Reuters)
Châu Âu
* Nga lạc quan về tương lai BRICS và SCO: Ngày 27/2, phát biểu tại hội nghị có sự tham dự của chủ nhiệm các văn phòng khu vực thuộc Bộ Ngoại giao Nga, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 27/2 nhận định: “Có dấu hiệu cho thấy chỉ trong vài năm qua, bao gồm năm đầu tiên của ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ (của Nga tại Ukraine), số nước muốn gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã tăng lên đáng kể, với gần 20 quốc gia”. Theo ông, đây là những quốc gia có vai trò quan trọng trong khu vực của họ gồm Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Indonesia, Mexico và một số quốc gia châu Phi.
Ngoài ra, ông Lavrov cũng khẳng định các nỗ lực nhằm duy trì một trật tự thế giới thân phương Tây chắc chắn sẽ thất bại. Đồng thời, ông nhấn mạnh Moscow đã thành công trong ngăn chặn các kế hoạch của các nước này nhằm cô lập Nga bằng cách duy trì hợp tác với đa số “thành viên của cộng đồng quốc tế”. (Sputnik)
* Cựu Ngoại trưởng Nam Tư cũ nêu quan điểm về tình hình Serbia-Kosovo: Trả lời TASS (Nga), cựu Ngoại trưởng Cộng hòa Liên bang Nam Tư (cũ) Zivadin Jovanovic lưu ý: “Tối hậu thư này được cho là lập trường của toàn EU. Điều đó không thay đổi bản chất rằng nó được dư luận Serbia gọi là ‘khuôn khổ đàm phán mới của EU do Mỹ hậu thuẫn’… Chúng ta cần nói ra sự thật rằng EU đã đột ngột từ bỏ quy chế trung lập và báo cáo gần đây nhất là bằng chứng cho thấy EU rút khỏi nhiệm vụ của Đại hội đồng Liên hợp quốc”.
Theo ông Jovanovic, kế hoạch của Pháp và Đức “không phải là chìa khóa cho hòa bình, ổn định và tiến bộ của bất kỳ khu vực, quốc gia nào, hay thậm chí toàn châu Âu". Cựu Ngoại trưởng Nam Tư cũ cáo buộc đây là “kế hoạch thống trị hoàn toàn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn đầu đối với người dân Serbia và Balkan, chuẩn bị biến Balkan trở thành vị trí chiến lược trong cuộc chiến toàn cầu chống Nga và Trung Quốc”. Ông cho rằng kế hoạch Pháp-Đức nhằm giải quyết vấn đề Kosovo sẽ chỉ tiếp tục “chia cắt Serbia và quốc gia nói tiếng Serbia tại Balkan”. (TASS)
Trung Đông-Châu Phi
* LHQ cần thêm 4,3 tỷ USD để khắc phục hậu quả chiến tranh Yemen: Tuyên bố trước thềm hội nghị của các bên quyên góp ngày 27/2, Liên hợp quốc (LHQ) cho biết cần có thêm ngân sách nhằm giúp đỡ 17 triệu người đang gặp khó khăn do cuộc chiến kéo dài 8 năm tại Yemen. Song song với đó, LHQ cho biết Yemen cũng là một trong các nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, với tình trạng hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của người dân. (AFP)
* Ngoại trưởng Ai Cập thăm Syria: Ngày 27/2, hãng thông tấn nhà nước Syria SANA đưa tin Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã đến thủ đô Damascus, bắt đầu chuyến thăm Syria. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Ai Cập đến Damascus kể từ khi cuộc xung đột ở Syria nổ ra vào năm 2011. (Reuters)
* Tổng thống Pháp sắp tới châu Phi: Trong tuần này, ông Emmanuel Macron sẽ thăm 3 quốc gia châu Phi xung quanh lưu vực sông Congo cũng như Angola. Trước chuyến đi tối 27/2, ông Macron cũng dự kiến sẽ trình bày chính sách châu Phi mới trong bài phát biểu và họp báo tại Điện Elysee.
Chuyến công du diễn ra chỉ hơn một tuần sau khi Burkina Faso chấm dứt hiệp định quân sự cho phép Pháp chiến đấu với quân nổi dậy tại đây. Qua đó, nước này trở thành quốc gia châu Phi mới nhất từ chối sự giúp đỡ của Paris. Năm ngoái, quân Pháp cũng đã rút khỏi Mali sau khi chính quyền quân sự tại đây bắt đầu làm việc với các công ty quân sự của Nga, chấm dứt các chiến dịch kéo dài một thập kỷ chống quân nổi dậy Hồi giáo. Trước đó, Tổng thống Pháp đã cáo buộc Nga âm mưu tuyên truyền chống Pháp ở châu Phi để phục vụ tham vọng “cướp bóc”. (Reuters)
Bình luận