24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Như Hoa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tin thế giới 23/6: Ukraine nói "cao trào đáng sợ" ở Donbass? Đức thừa nhận khủng hoảng khí đốt; Australia vật lộn bài toán khó với Trung Quốc

Xung đột Nga-Ukraine, Đức khủng hoảng khí đốt, Ukraine gia nhập EU, quan hệ Nga-Mỹ, Australia-Trung Quốc... là một số tin thế giới nổi bật.

Nga-Ukraine

* Nga chiếm 2 khu định cư gần thành phố chiến lược Lysychansk: Ngày 23/6, Tỉnh trưởng Luhansk Serhiy Gaidai cho biết, các lực lượng Nga đã chiếm được 2 khu định cư Loskutivka và Rai-Oleksandrivka ở phía Nam 2 thành phố "sinh đôi" Lysychansk và Sievierodonetsk của Ukraine.

Ông Gaidai cho hay, các lực lượng Ukraine tiếp tục bảo vệ Sievierodonetsk và các khu định cư gần đó, gồm Zolote và Vovchoyrovka.

Trong khi đó, theo ông Oleksiy Arestovych, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cuộc chiến giành hai thành phố "sinh đôi" trên đang "bước vào một cao trào đáng sợ". Nga đang tìm cách đánh chiếm cả Luhansk và Donetsk, hai nơi tạo nên trung tâm công nghiệp Donbass của Ukraine. (Reuters)

* Nga tăng cường sức ép ở thành phố Lysychansk: Ngày 23/6, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, các lực lượng Nga tiến về thành phố Lysychansk của Ukraine đang gây áp lực ngày càng lớn lên khu vực xung quanh, bao gồm cả thành phố "sinh đôi" Sievierodonetsk.

Trong bản cập nhật thông tin hàng ngày trên trang mạng Twitter, Bộ Quốc phòng Anh cho hay: "Kể từ ngày 19/6, các lực lượng Nga có khả năng cao đã tiến hơn 5 km về phía các điểm tiếp giáp phía Nam thành phố Lysychansk ở Donbass". (Reuters)

* Cháy kho ngũ cốc 30 nghìn tấn sau trận pháo kích của Ukraine: Ngày 23/6, phe ly khai Luhansk cho biết, kho chứa 30 nghìn tấn ngũ cốc ở thành phố Rubezhnoye thuộc vùng này đã bị cháy sau khi hứng chịu đạn pháo từ Lực lượng vũ trang Ukraine.

Hiện nhà kho đã bị đạn pháo phá hủy. Đạn pháo được xác định là bay từ hướng thành phố chiến lược Lysychansk, nơi vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Ukraine.

Theo người dân địa phương, đạn pháo đã làm lượng ngũ cốc khổng lồ tràn ra khỏi kho chứa, khói bốc lên nghi ngút, một phần ngũ cốc bị cháy đen. (Sputnik)

* Ukraine nghi ngờ về tính hiệu quả của các UAV do Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ cấp: Tạp chí Foreign Policy dẫn các nguồn thạo tin cho biết, các phi công Ukraine gần đây phàn nàn rằng, việc sử dụng máy bay không người lái (UAV) tấn công MQ-1C Grey Eagle của Mỹ là rất nguy hiểm.

Theo tạp chí, phi công Ukraine tỏ ra nghi ngờ về khả năng của các UAV mà Mỹ cấp cho Ukraine, nói rằng loại vũ khí này khó có thể "sống sót" quá một hoặc hai lần làm nhiệm vụ.

Tạp chí này cũng lưu ý rằng, do quân Nga tăng cường khả năng phòng không nên các phi công Ukraine đã hạn chế sử dụng UAV của Thổ Nhĩ Kỳ, loại máy bay từ trước đã bị đánh giá là "gần như vô dụng" trong chiến đấu.

Hiện nay, những máy bay này của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ được sử dụng trong một số hoạt động cụ thể.

* Iran nhấn mạnh giải pháp ngoại giao cho khủng hoảng Ukraine: Ngày 23/6, Ngoại trưởng Iran Hossein Hosseinsaid cho rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ có thể giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Theo ông, "Iran tin rằng, hành động của Mỹ được thực hiện thông qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một phần nguyên nhân gây khủng hoảng. Tuy nhiên, chiến tranh không phải là giải pháp và hoan nghênh các cuộc đối thoại chính trị trong vấn đề này". (Reuters)

* Cần giải quyết nhanh cuộc khủng hoảng ngũ cốc của Ukraine: Ngoại trưởng Anh Liz Truss ngày 23/6 cho rằng, cần giải quyết cuộc khủng hoảng xung quanh vấn đề ngũ cố bị mắc kẹt ở Ukraine vào tháng tới và bà đã đề xuất kinh nghiệm của London. (Reuters)
* Thổ Nhĩ Kỳ điều tra cáo buộc Nga đánh cắp ngũ cốc của Ukraine: Ngày 23/6, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, Ankara đang xem xét nghiêm túc những tuyên bố cho rằng, ngũ cốc của Ukraine đã bị Nga đánh cắp và đang điều tra về những cáo buộc liên quan.

Trong một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Anh Liz Truss tại Ankara, ông Cavusoglu tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cho phép Nga hay bất kỳ nước nào đánh cắp ngũ cốc của Ukraine để mang tới Thổ Nhĩ Kỳ. (Reuters)

Châu Âu

* Đức nâng mức cảnh báo của kế hoạch khẩn cấp về khí đốt: Ngày 23/6, chính phủ Đức đã nâng cảnh báo của kế hoạch khẩn cấp về khí đốt lên mức báo động do nguồn cung từ Nga giảm trong khi giá liên tục ở mức cao.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Berlin, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck cho biết, tình hình hiện tại là nghiêm trọng và nước Đức "đang ở trong một cuộc khủng hoảng khí đốt".

Theo ông Habeck, cuộc chiến tại Ukraine là nguyên nhân trực tiếp gây ra cuộc khủng hoảng khí đốt ở Đức. Đồng thời, những thiếu sót của thập kỷ trước đang dẫn đến hậu quả. Do đó cần khẩn trương hành động quyết liệt để đối phó với tình hình căng thẳng hiện tại. (AP)

* Đức muốn các quốc gia Tây Balkan có cơ hội thực sự gia nhập Liên minh châu Âu (EU), theo nhận định của Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Phát biểu với báo giới trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU và các nhà lãnh đạo Tây Balkan, ông Scholz nói rõ: "Các công dân Tây Balkan đã chờ đợi gần 20 năm để có cơ hội trở thành thành viên EU. Quan trọng nhất là điều đó trở thành một lời hứa đáng tin cậy vì nhiều nỗ lực mà các quốc gia này thực hiện cần phải đi đến kết quả".

Nhà lãnh đạo Đức đồng thời nhấn mạnh rằng Berlin sẽ nỗ lực vì mục tiêu này. (Reuters)

* Lãnh đạo EU lạc quan về triển vọng Ukraine, Moldova gia nhập khối: Ngày 23/6, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel bày tỏ hy vọng, các nhà lãnh đạo EU đưa ra quyết định "mang tính lịch sử" để trao quy chế ứng cử viên cho Ukraine và Moldova.

Theo ông Michel, "đó là một thời khắc quyết định của EU, cũng là một lựa chọn địa chính trị mà chúng tôi sẽ đưa ra ngày hôm nay. Và tôi tin tưởng rằng hôm nay, chúng tôi sẽ trao quy chế ứng cử viên cho Ukraine và Moldova".

Cùng ngày, Thủ tướng Albania Edi Rama hoan nghênh việc Ukraine cùng nước này có cơ hội trở thành ứng cử viên thành viên EU, song cũng cảnh báo về mọi kỳ vọng phi lý cho một tiến trình gia nhập nhanh chóng. (AFP)

* Tổng thống Zelensky tin tưởng các nước EU ủng hộ đề xuất trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên gia nhập khối trong tuần này. Theo nhà lãnh đạo, việc này "giống như là từ trong bóng tối bước ra ánh sáng”.

Trong khi đó, ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine, tuyên bố, nước này đã sẵn sàng thực hiện kế hoạch từ Ủy ban châu Âu để bắt đầu đàm phán về việc Kiev trở thành thành viên đầy đủ của EU.

Ông Yermak nêu rõ: "Chúng tôi đang chờ bật đèn xanh, Ukraine xứng đáng với tư cách ứng cử viên. Nhưng mục tiêu rõ ràng của chúng tôi là trở thành thành viên đầy đủ của EU". (Reuters, Sputnik)

* G7, NATO tập trung thảo luận vấn đề Trung Quốc, Nga: Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ tăng cường các nỗ lực để giải quyết “các hành vi cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc” cũng như gia tăng sức ép buộc Nga chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine trong các cuộc họp thượng đỉnh tới.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho hay: “Đây là ví dụ điển hình về cuộc chiến ở Ukraine đã ảnh hưởng đến mối quan hệ đối tác của chúng ta trên toàn thế giới như thế nào. Điều này cũng chỉ ra rằng, vấn đề Ukraine không khiến chúng ta rời mắt khỏi Trung Quốc"

Hội nghị G7 với sự tham gia của Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và EU sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 26/6. Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra ngay sau đó (29-30/6) tại Madrid, Tây Ban Nha. (Kyodo)

* Ngoại trưởng Nga sẽ thăm Azerbaijan để thảo luận căng thẳng ở Nagorno-Karabakh, trong bối cảnh cả Armenia và Azerbaijan vẫn thường xuyên cáo buộc lẫn nhau bắn pháo qua biên giới dù đã nhất trí bắt tay vào một kế hoạch hòa bình trong khi Moscow cũng đã dàn xếp một lệnh ngừng bắn.

Trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng Lavrov sẽ có mặt ở Baku trong 2 ngày 23-24/6 và có kế hoạch gặp người đồng cấp Jeyhun Bayramov cùng Tổng thống Ilham Aliyev. Các cuộc gặp của ông Lavrov “sẽ tập trung cho việc thực hiện thỏa thuận 3 bên về chấm dứt các hành động thù địch”. (Reuters)

Châu Á

* Australia-Ấn Độ vật lộn bài toán khó với Trung Quốc: Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ABC bên lề cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết, hai nước sẽ mở rộng hơn nữa hợp tác quân sự và công nghệ quốc phòng.

Ông Marles thừa nhận, Australia và Ấn Độ đều đang "vật lộn với bài toán khó" là làm thế nào để hòa giải các mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc và mối lo ngại về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Đối với cả hai nước, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, đồng thời cũng là mối lo ngại an ninh lớn nhất. Hai nước đang cố gắng dung hòa những điều này nhưng đây không phải là một vấn đề dễ giải quyết.

Ông Marles kêu gọi Trung Quốc minh bạch hơn trong hoạt động mở rộng quân sự sâu rộng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhấn mạnh rằng, việc mở rộng quy mô quân sự của Bắc Kinh hiện nay là lớn nhất và tham vọng nhất mà thế giới từng chứng kiến kể từ khi Thế chiến II kết thúc.

Cả Ấn Độ và Australia hoan nghênh "sự đa dạng và tần suất ngày càng tăng của các cuộc tập trận và trao đổi quốc phòng" song phương, đồng thời cam kết ủng hộ nhóm công tác được thiết lập nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa ngành công nghệ quốc phòng của hai nước.

* Hàn-Mỹ tăng cường quan hệ đồng minh: Ngày 23/6, Bộ trưởng Quốc phòng Lee Jong-sup tái khẳng định cam kết của Hàn Quốc trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ đồng minh với Mỹ, chỉ ra những mối đe dọa an ninh "rất nghiêm trọng" từ Triều Tiên.

Ông Lee đã đưa ra phát biểu trên trong một cuộc gặp ăn sáng cùng với các quan chức Hàn Quốc và Mỹ đã về hưu cũng như đương nhiệm, trong bối cảnh gia tăng khả năng Triều Tiên thực hiện cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ bảy tại bãi thử Punggye-ri.

Theo quan chức Hàn Quốc, do những tiến bộ về năng lực hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, cũng như việc nước này chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ bảy, tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên đang rất nghiêm trọng.

Tại cuộc họp này, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin cũng có bài phát biểu cho rằng, khả năng quân sự của Triều Tiên đang đe dọa hòa bình không chỉ trên Bán đảo Triều Tiên mà còn trên thế giới và các đồng minh đang cùng nhau hướng tới mục tiêu chung là Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn. (Yonhap)

Châu Mỹ

* Mỹ muốn duy trì liên lạc với Nga qua các đại sứ quán và đảm bảo việc hoạt động của các đại sứ quán của mỗi nước, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price.

Bình luận về tuyên bố của Moscow cảnh báo sẽ đáp trả việc Washington từ chối cho phép một máy bay Nga đón các nhà ngoại giao nước này tại Mỹ, ông Price nhấn mạnh rằng, các "cuộc đàm phán ngoại giao đang thảo luận về vấn đề này".

Ông nói: "Tất nhiên chúng tôi quan tâm đến hoạt động của đại sứ quán Mỹ ở Moscow. Chúng tôi cũng quan tâm việc duy trì khả năng Nga có một đại sứ quán hoạt động ở Washington. Chúng tôi tin tưởng rằng đường dây liên lạc, đối thoại là đặc biệt quan trọng trong thời kỳ căng thẳng, xung đột và khủng hoảng". (TASS)

* Mỹ nhất trí cấp 300.000 thị thực làm việc cho người Mexico, Trung Mỹ, theo lời Bộ trưởng Nội vụ Mexico Adan Augusto Lopez ngày 23/6.

Ông Lopez cho hay: "150.000 trong số đó sẽ dành cho người Mexico hoặc người nước ngoài đang ở Mexico hiện nay để chờ khả năng di cư lên phía Bắc. Và 150.000 người khác sẽ được chia theo tỷ lệ giữa các quốc gia Trung Mỹ".

Dự kiến, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador sẽ gặp người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Washington vào tháng 7 tới. (Reuters)

* Dấu hiệu ấm lên trong quan hệ Colombia-Venezuela: Ngày 22/6, Tổng thống đắc cử Colombia Gustavo Petro và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã thảo luận về việc mở cửa trở lại và khôi phục các hoạt động ở khu vực biên giới giữa hai nước trong thời gian tới.

Ông Petro cho biết đã liên lạc với chính quyền Venezuela với mục tiêu nối lại quan hệ ngoại giao và khôi phục các hoạt động tại vùng biên giới chung giữa hai nước như đã cam kết trong chiến dịch tranh cử.

Tổng thống Venezuela Maduro cũng xác nhận thông tin trên, đồng thời khẳng định cam kết hợp tác với chính phủ mới ở Colombia để xây dựng một mối quan hệ toàn diện trong thời kỳ mới. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận một số vấn đề khác liên quan tới hòa bình và tương lai của hai dân tộc. (Anadolu)

Châu Phi: Canada sẽ mở Đại sứ quán tại Rwanda

Ngày 22/6, phát biểu trước báo giới ở Kigali, thủ đô của Rwanda, Ngoại trưởng Canada Melanie Joly thông báo, nước này sẽ mở Đại sứ quán tại Rwanda như một phần trong nỗ lực chống lại ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc ở châu Phi.

Bà Joly cho biết, thêm Canada cũng sẽ bổ nhiệm một Đại sứ mới tại Liên minh châu Phi, có trụ sở tại Addis Ababa, Ethiopia.

Ngày 23/6, tại Kigali, Thủ tướng Canada JustinTrudeau sẽ có cuộc gặp với những người đứng đầu chính phủ từ 53 quốc gia khác trong Khối thịnh vượng chung lần đầu tiên kể từ năm 2018. (Global News)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả