menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quân Ri Cha

Tín hiệu lạc quan về tăng trưởng kinh tế

Kinhtedothi - Vượt qua nhiều thách thức, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ở mức 6,42% trong nửa đầu năm 2024. Nhiều yếu tố để kỳ vọng kinh tế sẽ duy trì được đà tăng trong nửa cuối năm 2024.

GDP cả năm 2024 có thể chạm mốc gần 7%

Quý I/2024 GDP đạt mức tăng 5,66% - cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Sang quý II tăng trưởng 6,93%, cũng là mức rất cao, chỉ thấp hơn năm 2022. Kinh tế đang được đánh giá tăng trưởng mạnh, các cân đối vĩ mô cũng tốt.

Tình hình sản xuất, kinh doanh của DN phục hồi tốt. Số DN quay trở lại sản xuất cũng như thành lập mới tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước 6 - 7%. Các DN trong ngành chế biến, chế tạo được đánh giá sẽ hồi phục tốt hơn trong quý III và cao hơn so với quý II. Số DN có hợp đồng xuất nhập khẩu cũng tăng lên; trong đó, nhiều DN có thêm các hợp đồng xuất nhập khẩu trong quý II tốt hơn quý I và quý III sẽ tốt hơn quý II. Lượng đơn hàng cũng tập trung được nhiều hơn.

Các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng tăng trưởng GDP cả năm 2024 có thể chạm mốc gần 7% sau khi Việt Nam có quý tăng trưởng vượt tiềm năng thứ 4 liên tiếp...

Bộ KH&ĐT đã cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2024, với mục tiêu “phấn đấu cả năm đạt mức tăng trưởng 7%”. Cụ thể, kịch bản 1, tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị); kịch bản 2, tăng trưởng GDP cả năm đạt 7%, cao hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là 0,7 điểm phần trăm và 0,6%.

Tín hiệu lạc quan về tăng trưởng kinh tế
Sản xuất hàng điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Bộ KH&ĐT đã chọn kịch bản thứ hai về tăng trưởng tích cực của các ngành kinh tế, đầu tư tư nhân và DN Nhà nước phục hồi nhanh hơn, động lực tăng trưởng tích cực của đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu mạnh mẽ, du lịch và tiêu dùng cải thiện và các chính sách mới.

“Các động lực tăng trưởng chủ đạo đều tăng trưởng mạnh, cả sản xuất công nghiệp, xuất khẩu đều phục hồi mạnh mẽ. Dịch vụ tăng trưởng rất tốt, là điểm sáng của nền kinh tế. Du lịch và tiêu dùng tăng trưởng nhanh hơn, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế. Ngành nông nghiệp cũng tăng trưởng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng” - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói.

Còn trang Bloomberg cho rằng: "Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 có thể đạt 7%". Trang tài chính này nhấn mạnh kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,93% trong quý II vừa qua nhờ sự phục hồi của thương mại, gia tăng các hoạt động kinh doanh nhờ đầu tư nước ngoài.

Xử lý một số vấn đề, khó khăn

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, 6 tháng cuối năm vẫn sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và sẽ đạt được mốc tăng trưởng đề ra vào cuối năm, mức 6 - 6,5% là hoàn toàn khả thi.

“Tuy nhiên, trong năm 2024, câu chuyện không phải là tăng trưởng kinh tế, vì tăng trưởng kinh tế chắc chắn đạt được. Áp lực năm nay xoay quanh tỷ giá và lạm phát” - ông Huân nói thêm.

Trong nửa cuối năm 2024, các chuyên gia của CIEM cho rằng Việt Nam cũng phải lưu tâm, xử lý một số vấn đề, khó khăn. Thứ nhất, áp lực lạm phát còn lớn. Đáng lưu ý, tác động từ tăng lương cơ sở và tăng lương tối thiểu vùng có thể gây ra lạm phát “chi phí đẩy” nếu không có giải pháp kịp thời, đồng bộ.

Bên cạnh đó, rủi ro gia tăng chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc - kèm theo đó là khả năng lạm phát gia tăng ở Mỹ và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể giữ lãi suất điều hành ở mức cao - cần phải được xem xét cẩn trọng.

Thứ hai, khả năng kết nối giữa DN trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với DN FDI còn chậm được cải thiện, qua đó ảnh hưởng đến khả năng đóng góp và hưởng lợi từ xuất khẩu của các DN trong nước.

Thị trường bất động sản bước đầu ổn định, nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết. Hay khu vực công nghiệp và xây dựng tuy là động lực chính cho tăng trưởng và cũng đã tăng trưởng cao hơn so với kịch bản đề ra trong 6 tháng, nhưng phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi kinh tế và sức mua tại các thị trường xuất khẩu lớn.

Trong khi đó, tăng trưởng ngành xây dựng phụ thuộc vào sự phục hồi thị trường bất động sản, tiến độ tháo gỡ vướng mắc, triển khai các dự án đầu tư, đầu tư công.

Ngoài ra, quá trình cải cách các quy định, điều kiện kinh doanh còn chưa tương xứng với yêu cầu và kỳ vọng, qua đó có thể ảnh hưởng đến khả năng tận dụng cơ hội kinh tế của cộng đồng DN.

Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, "say sưa chiến thắng", quyết tâm khắc phục hạn chế, bất cập, vượt qua khó khăn, thách thức; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024.

Tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới

Về dư địa tăng trưởng trong dài hạn, CIEM cho rằng Việt Nam có thể phát triển tài chính xanh, phát triển kinh tế ban đêm ở một số đô thị lớn ở Việt Nam…

S&P Global Ratings nhấn mạnh, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, khi các DN tiếp tục đa dạng hóa hoạt động trong khu vực. Chu kỳ tăng trưởng của ngành bán dẫn khả năng sẽ thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 khi xuất khẩu của ngành bán dẫn tăng lên.

Trong các chỉ đạo gần đây, Thủ tướng Chính phủ luôn nhấn mạnh việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng cũ và mới.

Bộ KH&ĐT đã làm việc với 20 hiệp hội và khảo sát khoảng 30.000 DN, cho thấy, khó khăn lớn nhất của DN là nhu cầu thị trường thấp, áp lực cạnh tranh và chi phí sản xuất tăng cao. Một bộ phận không nhỏ DN còn khó khăn về tài chính, lãi suất vay vốn và thủ tục hành chính…

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho biết, dù đơn hàng của DN đã quay lại nhưng hợp đồng ký ngắn hạn từng quý trong khi giá bình quân giảm 30%, thậm chí có đơn hàng giảm 50 - 60% nhưng DN vẫn phải ký để duy trì sản xuất và tạo việc làm cho người lao động.

Những khó khăn đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thậm chí là phấn đấu đạt mức 7% trong năm nay. Vì thế, trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để dồn lực cho tăng trưởng, phải tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng nội địa và đặc biệt là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công… Sự nỗ lực của các địa phương, đặc biệt là các đầu tàu kinh tế cũng rất quan trọng để giữ vững đà phục hồi của nền kinh tế.

Thủ tướng cũng nhận định, khôi phục các động lực tăng trưởng truyền thống cũng như khơi thông, tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới hướng đến phát triển bao trùm, bền vững trở thành yêu cầu vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

“Để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5 - 8% trong năm nay, tăng trưởng GRDP quý III của TP Hồ Chí Minh phải đạt trên 7%, và quý IV phải cao hơn nữa” - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nói và cho biết, để tăng tốc trong 2 quý còn lại, TP sẽ nỗ lực, tìm mọi giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng.

Trong kết quả 6 tháng đầu năm 2024, UBND TP Hà Nội đã có đánh giá: các ngành kinh tế đều phát triển. “Điểm sáng” phát triển chính quyền số, xây dựng TP thông minh. Hà Nội quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7%.

Đặc biệt, các đầu tàu kinh tế đều nhấn mạnh, cùng với việc bảo đảm ổn định và tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, sẽ tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng; thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Việt Nam vẫn đứng đầu bảng xếp hạng tăng trưởng trên thế giới. Tôi nghĩ đây là điều đáng mừng. Việt Nam cần tiếp tục duy trì các chính sách tốt để có nền tảng kinh tế, tài chính tốt, môi trường kinh doanh hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Chủ tịch Tập đoàn Standard Chartered Jose Vinals

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả