24HMONEY đã kiểm duyệt
30/03/2022
Tìm hướng đi của vốn ngoại
Các chuyên gia dự báo trong thời gian sắp tới, dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tích cực hơn nếu thị trường Việt Nam tiếp tục minh bạch, rõ ràng và các công ty đạt được hiệu quả kinh doanh tốt.
Tại Talkshow Phố Tài chính tối ngày 28/3, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCK BIDV (BSC) và ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTQLQ Saigon Asset Management (SAM) cho biết các quỹ lớn hàng đầu tại Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong dài hạn.
Sức ép về lạm phát vẫn đang gia tăng, ngân hàng tăng nhẹ lãi suất và lượng tiền gửi của người dân vào hệ thống đã tăng mạnh nhất trong vòng 10 tháng qua. Theo ông liệu điều này có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán hay không?
Ông Trần Thăng Long: Trong tổng quy mô nền kinh tế, tổng lượng tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng khoảng 10,9 triệu tỷ đồng, trong đó một nửa là của dân cư và một nửa của các tổ chức doanh nghiệp. Vừa qua, lượng tiền gửi của dân cư tăng lên khoảng 100.000 tỷ, đây là mức tăng khá lớn trong thời gian dài thường xuyên đi ngang hoặc có giảm sút do mức lãi suất thấp của năm 2020 - 2021. Tôi nghĩ điều này rất bình thường.
Ở Việt Nam, lạm phát hiện chỉ từ 2 - 4%, là một mức khá hợp lý trong suốt 21 năm vừa qua. Chính vì vậy, theo cá nhân tôi, thị trường chứng khoán sẽ chịu ảnh hưởng của yếu tố lạm phát, tuy nhiên dòng tiền trên thị trường vẫn sẽ khá mạnh và sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội sinh lời.
Ông Louis Nguyễn: Chúng tôi tập trung vào những dòng tiền từ phía ngoài đầu tư vào Việt Nam. Mặc dù những biến động trên thế giới như Ukraine và Nga, FED tăng lãi suất hay gần đây vấn đề về Omicron thì dòng tiền vẫn tiếp tục vào Việt Nam và thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục đi lên. Ngoài ra, những công ty trong thời điểm COVID vẫn phát triển mạnh mẽ chính là một dấu hiệu thể hiện rằng thị trường Việt Nam vẫn tốt.
Nhà đầu tư vẫn đang lo ngại rằng lạm phát và việc thắt chặt tiền tệ ở các nước khiến dòng vốn ngoại tiếp tục suy giảm, theo ông thì sao?
Ông Louis Nguyễn: Các nhà đầu tư lúc nào cũng chọn xu hướng mà họ cảm thấy hợp lý nhất. Nghĩa là nếu thị trường Việt Nam tiếp tục minh bạch, rõ ràng và những công ty đạt được hiệu quả tốt thì họ sẽ đầu tư vào. Tôi nghĩ rằng trong khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam vẫn là lựa chọn hàng đầu.
Vì đây là đầu tư chứ không phải đầu cơ, nên chúng tôi không quan tâm đến vấn đề biến động trong vòng dưới 1 năm.
Ông Trần Thăng Long: Bản thân từ đầu tư đã có nghĩa là dài hạn rồi. Những diễn biến ngắn hạn thường rất khó đoán, kể cả những nhà đầu tư lâu năm. Chúng ta nên nhìn vào dài hạn khi doanh nghiệp tăng trưởng, khi nền kinh tế tốt thì định giá về sau của những doanh nghiệp đó sẽ gia tăng. Trong quá trình đó mình vừa thu được cổ tức, vừa thu được phần tăng giá. Chúng ta là một
thị trường tài chính rất non trẻ so với nhiều quốc gia khác, và mình cũng đang đi theo những xu hướng đó.
Nhà đầu tư thực tế nên kiên nhẫn, lựa chọn những cơ hội tốt để đầu tư chứ không nên quá cuốn theo những cơ hội đầu tư ngắn hạn. Trong thời gian sắp tới, chúng ta có thể thấy dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài tích cực hơn.
Các nhà đầu tư nước ngoài đang nhìn nhận như thế nào về nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam?
Ông Louis Nguyễn: Về lâu dài, Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao hàng đầu thế giới, từ 6-7%/ năm. Ít có nước nào trên thế giới phát triển được theo tỷ lệ đó. Và xu hướng dòng vốn đầu tư vẫn tiếp tục vào Việt Nam. Độ tuổi người dân Việt Nam còn trẻ, họ có nhiều thời gian để làm việc, để hoạt động, đầu tư, sinh hoạt, để mua hàng hóa và vị trí bờ biển của mình rất tốt để vận chuyển, logistic cho xung quanh thế giới và những nguyên liệu Việt Nam có, đó là sự khác biệt của Việt Nam đang hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Còn về tiêu chuẩn của nhà đầu tư nước ngoài, dù là tổ chức hay cá nhân thì vấn đề quan trọng nhất là thị trường phải rõ ràng và minh bạch, có sự liêm chính.
Vậy trong bối cảnh hiện nay thì nhà đầu tư cần sử dụng đồng vốn của mình như thế nào để đạt hiệu quả?
Ông Trần Thăng Long: Tôi nghĩ rằng bên cạnh việc chuyển sang đầu tư các kênh cơ bản, an toàn thì các lĩnh vực khác như
bất động sản và chứng khoán cũng là một lựa chọn.
Ông Louis Nguyễn: Trong môi trường lạm phát thì những lĩnh vực tài chính như ngân hàng sẽ hoạt động tốt.
Bình luận