Tìm chỗ đứng cho sản phẩm của start-up Hà Nội trên thị trường
Thương mại hóa sản phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (start-up) là một trong những hoạt động vô cùng quan trọng nhằm tạo đà cho sự phát triển của các doanh nghiệp này. Trong đó, đưa hàng hóa vào kênh phân phối là một trong những hoạt động quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, hoạt động này không hề dễ dàng.
Nhiều chính sách cho start-up Thủ đô
Những năm vừa qua, Thủ đô đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hiện, Hà Nội hội tụ nhiều yếu tố để trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, bởi trên địa bàn thành phố tập trung hơn 70% tổ chức khoa học và công nghệ, trường đại học và viện nghiên cứu của cả nước; 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, chiếm 82% số phòng thí nghiệm của cả nước. Đặc biệt, đầu năm 2021, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã chính thức được khởi công tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Một thuận lợi nữa là số nhà khoa học đầu ngành đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước.
Ngoài những lợi thế trên, thời gian qua, Hà Nội đã khẳng định vai trò là trung tâm hàng đầu về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước với nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp sáng tạo. Nổi bật có thể kể đến Vườn ươm DN công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo Hà Nội (HBI-IT), thuộc Sở Thông tin và Truyền thông; Vườn ươm DN thực phẩm do Trung tâm hỗ trợ DN thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư quản lý, phát triển. Còn đối với các Tổ chức Hội, Hiệp hội DN hoạt động trên địa bàn Thủ đô cũng đã hình thành các Trung tâm, câu lạc bộ startup đã và đang hoạt động hết sức hiệu quả... Đây là những nền tảng rất tốt tạo điều kiện cho các startup phát triển.
Sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng đã tạo điều kiện cho các startup phát triển mạnh thời gian qua. Hiện Hà Nội có khoảng hơn 100 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Hà Nội chủ yếu ở giai đoạn đầu của vòng đời phát triển, với giá trị doanh nghiệp còn tương đối thấp. Một số trường hợp ngoại lệ là các startup tiêu biểu của thành phố như: Momo, VNPAY, Topica.
Về phía Bộ Công Thương, thời gian qua, với chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ startup sản xuất kinh doanh, cũng như thương mại hóa sản phẩm một cách hiệu quả. Đơn cử, thông qua các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa từ Trung ương đến địa phương, từ cấp vùng miền, quốc gia đến cơ sở, đến nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống phân phối bán lẻ luôn chiếm tỷ trọng cao, lên đến 90% tại các siêu thị trong nước và trên 70% tại các siêu thị của các DN FDI. Trong đó có nhiều sản phẩm của các startup có chất lượng, bước đầu nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng và thâm nhập được vào hệ thống phân phối hiện đại như: MM Mega Market, Lotte, Vinmart, Coopmart…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tham gia vào chuỗi phân phối bán lẻ hiện đại là việc không dễ dàng do các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung quy mô còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được những tiêu chí cơ bản như giấy tờ pháp lý, chứng nhận chất lượng, bao bì mẫu mã.
Nỗ lực thương mại hóa sản phẩm
Với mục tiêu đưa Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong Chương trình số 07/CTr/TU đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp và hoạt động. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025 sẽ hỗ trợ phát triển 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo và 150 DN khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm.
Chia sẻ kinh nghiệm để thương mại hóa sản phẩm cho các các startup Thủ đô nói riêng và startup nói chung, ông Majima Fumihiro, Giám đốc Khối Kinh doanh Công ty CP Acecook Việt Nam chia sẻ, khi đưa hàng vào hệ thống siêu thị, DN cần có định hướng cụ thể về đối tượng khách hàng, đặc tính của sản phẩm. Bên cạnh đó, DN cần chú ý đến mẫu mã bao bì, chất lượng sản phẩm, định hướng hoạt động marketing phát triển sản phẩm; theo dõi phản hồi của khách hàng để kịp thời có những cải tiến, thay đổi phù hợp với nhu cầu thị trường.
Dưới góc độ kênh phân phối bán lẻ, theo bà Trần Kim Nga - Giám đốc đối ngoại MM Mega Market, việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững tại doanh nghiệp sẽ là giải pháp ổn định đối với người nông dân. Qua đó, giúp hàng hoá được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro. Bà con được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, tư vấn về mặt kỹ thuật để yên tâm sản xuất. Trong khi đó, doanh nghiệp có thể chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý. Ngoài ra, có thể giải quyết bài toán về chất lượng nông sản, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng nông sản trong nước, nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp một cách bền vững trước những biến động của thị trường.
Song song với các siêu thị và trung tâm thương mại, các sàn thương mại điện tử cũng là kênh phân phối được các doanh nghiệp startup đánh giá là có rất nhiều tiềm năng. Bà Lại Đỗ Phương Vi, Giám đốc Hợp tác chiến lược Smartlog Việt Nam cho rằng, các DN cũng cần đầu tư, xây dựng một nền tảng logistics phục vụ DN đưa hàng hóa vào hệ thống kênh siêu thị một cách thuận lợi nhất.
Về phía Bộ Công Thương, thực tế, việc kết nối để hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng vào các hệ thống phân phối đã được Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện từ năm 2009 tới nay. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kết nối cung cầu hàng hoá của doanh nghiệp vào siêu thị và kênh phân phối. Cùng với đó, triển khai các hoạt động hỗ trợ nhận thức về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hàng hoá đến doanh nghiệp nhằm đưa đến người tiêu dùng những sản phẩm tuân thủ quy chuẩn, chất lượng tốt nhất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận