24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thanh Nga
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tiếp thêm “vắc xin” cho doanh nghiệp hồi phục

Ngoài việc “bơm máu” để hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp thì việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp quay lại sản xuất, thu hút lao động, cải cách thủ tục hành chính... được xem là liều vắc-xin cho doanh nghiệp hồi phục.

Vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn

Ngoài việc “bơm máu” để hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp thì việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp quay lại sản xuất, thu hút lao động, cải cách thủ tục hành chính... được xem là liều vắc-xin cho doanh nghiệp hồi phục.

Tín hiệu vui từ Tổng cục Thống kê cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu có sự phục hồi, những tín hiệu tích cực trong tình hình đăng ký doanh nghiệp cho thấy sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp trong việc Chính phủ chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tháng 10/2021 tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với tháng trước. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 29,8% so với tháng trước. Mặc dù vậy, đa phần các doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi những khó khăn do dịch COVID-19.

Ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP. Hồ Chí Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho biết, hiện nay doanh nghiệp trong ngành nhựa mới chỉ thu hút được 55-60% lao động quay trở lại.

Người lao động trở lại đa phần là có nhà ở, tham gia đóng bảo hiểm xã hội dài hạn. Còn với người lao động mới đi làm, họ chưa có ý muốn quay trở lại thành phố. Do vậy, doanh nghiệp muốn nâng công suất hoạt động là điều không hề dễ dàng. Trong đợt dịch vừa qua, doanh nghiệp mất tới 60% đơn hàng do quy mô sản xuất bị thu hẹp.

Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP. Hồ Chí Minh kiến nghị doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ để tiếp cận vốn vay ưu đãi, được giảm thuế giá trị gia tăng thay vì thuế thu nhập doanh nghiệp.

Còn theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh, hiện nay doanh nghiệp trong ngành may mặc quan tâm nhất là đảm bảo an toàn dịch bệnh để tăng công suất, cố gắng liên lạc với nhà mua hàng, cung ứng của nước ngoài để không đứt gãy sản xuất. Vì đứt gãy sản xuất một lần nữa là doanh nghiệp gục ngã.

Nếu không giao hàng đúng hạn thì bị đối tác phạt, không có dòng tiền về. Làm FOB (giao hàng trên tàu), nguyên liệu do đối tác chỉ định để mình mua và chịu trách nhiệm sản xuất, hàng mà chưa xuất khẩu được thì tài chính doanh nghiệp căng thẳng theo.

Trong khi đó, ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) kiêm Tổng Giám đốc T&M Forwarding kiến nghị, tình trạng ùn tắc ở một số cảng khu vực phía Nam vừa qua cho thấy cần thay đổi quy trình thủ tục giám sát hải quan theo hướng thuận lợi hóa thương mại, cho phép các doanh nghiệp khai báo hải quan chung theo tỉnh, thành phố hoặc khu vực lớn hơn và đưa về các địa điểm thông quan trong khu vực dưới sự giám sát của hải quan theo thông lệ của các nước Tây Âu - Bắc Mỹ sẽ làm giảm ùn tắc và quá tải cảng cửa ngõ và cũng là cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Để doanh nghiệp đứng dậy

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, có 3 yếu tố "bơm máu" trực tiếp để phục hồi nền kinh tế gồm: mở cửa lại nền kinh tế, doanh nghiệp nỗ lực phục hồi, đẩy mạnh đầu tư công.

Ngoài 3 yếu tố “bơm máu” trực tiếp để phục hồi nền kinh tế như trên, ông Thiên đánh giá: Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đều đang quyết tâm cao, với tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất. Chưa bao giờ khu vực tư nhân lại nhận được sự đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ như hiện nay.

Niềm tin của doanh nghiệp đặt vào các giải pháp của Chính phủ, của hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục được nâng cao khi tới đây, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra những giải pháp mới, có thể còn mạnh mẽ hơn.

Nhưng để có hiệu quả tác động mạnh hơn, trong điều kiện sức khỏe của doanh nghiệp suy giảm mạnh, để các doanh nghiệp có thể đứng thẳng dậy được và “xốc tới” chứ không phải “lom khom hồi phục”, cần có các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ và ngân hàng mạnh hơn nữa. Đây là lúc “đúng lúc” nhất ngân sách nhà nước mạnh dạn chi hỗ trợ doanh nghiệp, để “cứu” nền kinh tế, thực chất cũng là cứu mình. Nếu không, nền kinh tế vẫn sẽ khó phục hồi, có thể lại bỏ mất thời cơ.

Cần lưu ý rằng, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp là quan trọng nhất trong lúc này, song phải tính đến yêu cầu giữ cho được “sức khỏe ngân sách tối thiểu”, không được gây tổn hại quá mức đến sức mạnh ngân sách.

Bộ Tài chính phải tính toán được cân đối này để đề xuất giải pháp phù hợp cho Chính phủ. Bên cạnh đó,, hệ thống ngân hàng cũng xác định rõ giới hạn hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Hạ bao nhiêu để không đổ gánh nặng rủi ro lên hệ thống ngân hàng là điều phải tuyệt đối cân nhắc. Đã đến lúc Chính phủ phải tính đến việc lập Quỹ hỗ trợ lãi suất và Quỹ bảo lãnh tín dụng, phối hợp với hệ thống ngân hàng hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp, ông Trần Đình Thiên cho biết thêm.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, doanh nghiệp Việt Nam đã có dấu hiệu lỡ nhịp phục hồi với thế giới. Dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ trong thời gian tới vẫn còn song việc hỗ trợ cũng gặp khó khăn do tốc độ thu ngân sách còn có thể giảm nhiều do ảnh hưởng COVID-19.

Qua tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, đại diện các DN phản ánh rằng điều cần nhất lúc này là được tạo điều kiện để phục hồi sản xuất, thu hút lao động, giảm chi phí hoạt động. Điều này phải được thực hiện nhanh bởi hiện nay biên lợi nhuận doanh nghiệp giảm, mất nhiều khách hàng. Đây là thách thức cực kỳ lớn, đối tác mà đi thì sẽ không quay lại.

Hiện tại, các DN vẫn đang gặp các khó khăn về dòng tiền, tuyển dụng lao động (đơn hàng có nhưng lao động chỉ đáp ứng được 50-60%), đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng... Điều này khiến chi phí sản xuất càng bị đội lên cao. Doanh nghiệp thậm chí còn không biết rõ tương lai, tiền đồ của mình sẽ thế nào. Chính vì vậy, các chính sách hỗ trợ cần phải nhanh chóng được triển khai. Với doanh nghiệp, "một xu hay một đồng" được hỗ trợ cũng quý, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả