menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phạm Thu Hiền

Tiền từ chối giá cao, bảng điện “đỏ gắt”, thanh khoản duy trì mức thấp

Áp lực giảm giá từ các thị trường quốc tế đêm qua khi số liệu CPI của Mỹ “nóng” hơn dự báo và tỷ giá tăng mạnh khiến thị trường trong nước sáng nay lao dốc. VN-Index rơi tự do ngay đầu phiên với cổ phiếu giảm giá tràn ngập bảng điện, nhưng dòng tiền chỉ hững hờ chờ mua giá thấp. Nhịp phục hồi sau đó rất chậm và thanh khoản không tăng rõ rệt...

Áp lực giảm giá từ các thị trường quốc tế đêm qua khi số liệu CPI của Mỹ “nóng” hơn dự báo và tỷ giá tăng mạnh khiến thị trường trong nước sáng nay lao dốc. VN-Index rơi tự do ngay đầu phiên với cổ phiếu giảm giá tràn ngập bảng điện, nhưng dòng tiền chỉ hững hờ chờ mua giá thấp. Nhịp phục hồi sau đó rất chậm và thanh khoản không tăng rõ rệt.

VN-Index giảm sâu nhất ngay vài phút sau khi mở cửa, để mất hơn 10 điểm. Tuy nhiên đến cuối phiên, chỉ số còn giảm 5,11 điểm tương đương -0,41%. Đây là diễn biến phục hồi khá rõ, nhưng chủ yếu nhờ các cổ phiếu trụ cải thiện hơn là nhịp hồi giá trên diện rộng.

VN30-Index tại đáy giảm 0,73% so với tham chiếu, đến khoảng 10h30 thậm chí chỉ còn giảm 0,3 điểm. Chốt phiên sáng chỉ số này giảm 2,51 điểm tương đương -0,20%. Cổ phiếu nhóm này phục hồi khá tốt dù đến cuối phiên vẫn chỉ có 5 mã hồi đủ qua tham chiếu. Trừ POW, tất cả các mã còn lại đều phục hồi thoát đáy với biên độ khác nhau, trong đó 10 mã phục hồi hơn 1%.

HPG, FPT và MWG là 3 trụ mạnh nhất của chỉ số và cũng thuộc nhóm phục hồi tốt nhất. MWG tăng tới 2,54% so với giá đáy đầu ngày, chốt phiên sáng tăng 0,96% so với tham chiếu. HPG tăng 1,36%, vượt tham chiếu 0,67%. FPT hồi 1,24% thành tăng 0,79%. Ngoài ra còn có SSI, VPB cũng quay đầu vượt tham chiếu dù mức tăng kém hơn đáng kể. Thanh khoản ở các mã này đều trên trăm tỷ đồng.

Số lớn cổ phiếu trên thị trường thì không được như vậy. VN-Index lúc 9h30 chỉ có 46 mã tăng/326 mã giảm. Đến cuối phiên độ rộng cũng chỉ 81 mã tăng/366 mã giảm, trong đó 115 mã giảm hơn 1%. Gần một phần ba số cổ phiếu có phát sinh giao dịch ở HoSE (xấp xỉ 32%) phục hồi thoát đáy từ 1% trở lên. Dù sao đây cũng là mức phục hồi khá tích cực, nhưng còn xa mới có thể qua được tham chiếu.

Thêm nữa, dòng tiền chững lại rất rõ khi giá phục hồi lên. Giao dịch tập trung lớn trong khoảng 1 giờ đầu tiên lúc giá rơi sâu nhất, nhưng sau đó chậm dần. Tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE sáng nay không tăng so với sáng hôm qua, đạt khoảng 7.412 tỷ đồng và vẫn là mức giao dịch rất thấp. Tuần trước trung bình các phiên sáng ở sàn này giao dịch gần 12.116 tỷ đồng và phiên đầu tuần này đạt 9.225 tỷ đồng.

Tiền từ chối giá cao, bảng điện “đỏ gắt”, thanh khoản duy trì mức thấp

Giá giảm sâu về logic sẽ khiến nhà đầu tư chú ý, nhất là những người cầm tiền đang chờ mua. Lực cầu bắt đáy cũng xuất hiện nhưng khá bị động, hầu như chỉ đứng im ở vùng giá sâu. Lượng cầu nâng giá dần lên không nhiều nên không đẩy được thanh khoản tăng, dù khối lượng bán vẫn còn rất dày. Sàn HoSE hiện có 23 mã giao dịch từ 100 tỷ đồng trở lên và mới 9 mã vượt được tham chiếu. Ngoài 3 blue-chips kể trên, có thêm DIG tăng 0,31% thanh khoản 266,8 tỷ; VPB tăng 0,26% với 116,7 tỷ; PVD tăng 0,31% với 112,3 tỷ; HSG tăng 0,66% với 103,3 tỷ; TCH tăng 1,25% với 102,2 tỷ; FPT tăng 0,79% với 101,5 tỷ.

Nhóm cổ phiếu nhỏ và thanh khoản thấp dĩ nhiên hồi dễ dàng hơn nhiều so với các mã blue-chips hay nhóm thanh khoản lớn. TDW, DXV, APC, DCL thậm chí kịch trần với giao dịch rất nhỏ. SKG, FRT, GIL, HHS, NKG, DGW là số ít còn lại thanh khoản từ 10 tỷ đồng trở lên và giá tăng khá. Hầu hết số còn lại tăng giá chỉ với thanh khoản vài trăm triệu tới vài tỷ đồng.

Với diễn biến giảm mạnh đêm qua của chứng khoán thế giới, tỷ giá nhảy đột biến sau tin CPI của Mỹ, việc chứng khoán trong nước giảm sáng nay là điều không khó đoán. Do đó phải có lượng tiền nhất định chờ đón một cú giảm mạnh. Điều này thực sự đã xảy ra, nhưng điều bất ngờ là bên mua rất kiên nhẫn đợi, thay vì đuổi giá lên. Nếu chiều nay thị trường tiếp tục phục hồi, có khả năng thanh khoản còn giảm nữa.

Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay giao dịch cân bằng mức ròng trên sàn HoSE khoảng -44,9 tỷ đồng. Khối này xả VHM tới gần 160 tỷ đồng và cũng mua PVD tới 148,6 tỷ. SBT +58,6 tỷ, SSI +37,2 tỷ, KBC +24,4 tỷ, MWG +23,9 tỷ bù lại cho VNM -32,7 tỷ, NVL -32,7 tỷ, FUEVFVND -28,2 tỷ…

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

1,209.52

+4.55 (+0.38%)

Biểu đồ mã VN-INDEX
4 Yêu thích
1 Bình luận 11 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại