Tiền điện tử trong mắt các chính phủ: "Con ghẻ" hay "con cưng"?
Khởi đầu giống như một trò đùa, đến nay tiền mã hoá như Bitcoin đã trở thành tài sản số được xem xét nghiêm túc tại một số quốc gia, với nhiều phản ứng trái ngược.
Năm 2021 là một năm khá nhiều biến động cho tiền mã hóa trên thế giới. Đồng tiền có giá trị và vốn hóa thị trường cao nhất là Bitcoin đã lập những đỉnh mới, vượt mốc 40.000 USD vào 8/1, sau đó là 64.000 USD vào tháng 4 và 69.000 USD vào ngày 10/11.
Nhiều loại tiền “meme coin” - những đồng tiền có giá trị thấp nhưng lên giá mạnh nhờ hấp dẫn cộng đồng - cũng trở thành đề tài nóng hổi trên truyền thông như Shiba Inu và Dogecoin.
Với những diễn biến khó lường và sức hút tăng dần của tiền mã hóa đối với giới đầu tư như vậy, cũng dễ hiểu việc một số quốc gia lớn và nhỏ trên thế giới đã có thay đổi nhất định về chính sách đối với loại tiền này trong năm 2021. Tuy vậy, chính sách mang tính tích cực hay tiêu cực lại khác biệt rõ rệt giữa các quốc gia.
Trung Quốc thẳng tay trấn áp tiền mã hóa
Trung Quốc vốn được biết đến là nơi không mấy thân thiện với tiền mã hóa, với nhiều chính sách cấm đoán và quan điểm chính thức rằng Bitcoin và các loại tiền mã hóa đều thiếu tính chính danh, gây nhiều rủi ro về tài chính và pháp lý và việc đào tiền ở quy mô lớn tiêu tốn lượng lớn năng lượng, đi ngược lại chủ trương môi trường. Phần lớn các sàn giao dịch tiền mã hóa tại Trung Quốc đã bị giới chức nước này cấm hoạt động từ năm 2017.
Tuy nhiên, năm 2021 đánh dấu việc chính phủ Trung Quốc tăng cường trấn áp tiền mã hóa đến mức gần như hoàn toàn loại bỏ loại tiền này ra khỏi lãnh thổ mình. Vào tháng 5/2021, Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố sẽ mạnh tay trấn áp hoạt động đào tiền mã hóa; chủ trương này sau đó đã được chính phủ các tỉnh quyết liệt thực hiện trong các tháng sau đó. Cuối cùng, vào ngày 24/9/2021, chính phủ Trung Quốc đã cấm hoàn toàn hoạt động đào và giao dịch tiền mã hóa.
Ngoài những cơ sở đào Bitcoin và tiền mã hóa quy mô lớn, chiến dịch truy quét của chính phủ Trung Quốc còn muốn loại bỏ việc bí mật đào tiền bằng cách lợi dụng hệ thống máy tính của các cơ quan công quyền, doanh nghiệp nhà nước, trường đại học và cơ sở nghiên cứu. Lời răn đe này đối với các doanh nghiệp nhà nước đã vừa được nhắc lại vào giữa tháng 11, sau vụ việc một quan chức tỉnh Giang Tây bị khai trừ Đảng một phần do hỗ trợ doanh nghiệp có liên quan đến tiền mã hóa.
Mỹ chào đón nhưng dè chừng kẽ hở pháp lý
Sau khi Trung Quốc chính thức cấm giao dịch và đào tiền mã hóa, Mỹ đã trở thành điểm đến số một cho các cơ sở đào Bitcoin và chính thức trở thành nước đứng đầu về hoạt động đào Bitcoin nhờ hệ thống pháp lý và hạ tầng tương đối thân thiện.
Tuy nhiên, hoạt động đào tiền mã hóa ở quy mô lớn gia tăng cũng làm tăng đáng kể lo ngại về rủi ro môi trường và tài chính của loại tài sản này tại Mỹ. Do vậy, chính phủ Mỹ cũng đã có các động thái nhất định trong năm 2021 nhằm tăng cường khả năng kiểm soát rủi ro từ tiền mã hóa, tuy không đến mức độ quyết liệt như tại Trung Quốc. Thêm vào đó, do khác biệt về thể chế, cách thức gia tăng quản lý tiền mã hóa và vấn đề liên quan tại Mỹ cũng mang tính phân mảnh hơn so với sự thống nhất tại Trung Quốc.
Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC), từ chỗ không đề cập nhiều về tiền mã hóa trong chương trình nghị sự hàng năm công bố vào tháng 6/2021, đã trở nên tích cực hơn trong vai trò quản lý của mình. Cơ quan này đã thẳng tay phạt các sàn giao dịch và công ty tiền mã hóa như Poloniex và Blockchain Credit Partners do hoạt động không phép và chào bán chứng khoán chưa đăng ký, đồng thời buộc sàn giao dịch lớn nhất Mỹ Coinbase phải rút lại sản phẩm cho vay mang tên Lend. Bên cạnh đó, SEC cũng đang tích cực làm việc với Quốc hội Mỹ, chính phủ Biden và các cơ quan quản lý khác nhằm xem xét những khe hở còn lại trong quy định về tiền mã hóa.
Đầu tháng 10, Bộ Tư pháp Mỹ đã thành lập một đơn vị riêng có nhiệm vụ điều tra tội phạm liên quan đến tiền mã hóa mang tên Đội Thi hành luật Tiền mã hóa Quốc gia (NCET). NCET có nhiệm vụ điều tra tội phạm sử dụng tiền mã hóa cho các hành động phi pháp như tống tiền bằng mã độc hay rửa tiền, đồng thời cung cấp thông tin chuyên môn về công nghệ blockchain và giao dịch tiền mã hóa cho Bộ Tư pháp.
Bên cạnh hành động của các cơ quan ở cấp liên bang, các tiểu bang Mỹ cũng thấy được sự cần thiết phải có cơ chế kiểm soát và quản lý hoạt động giao dịch tiền mã hóa, đồng thời tìm cách đưa loại tiền này vào một số hoạt động nhất định mà ngân hàng được thực hiện. Ví dụ, vào tháng 6 Sở Ngân hàng Texas đã cho phép các ngân hàng do tiểu bang thành lập được cung cấp dịch vụ lưu trữ tiền mã hóa, trong khi một số tiểu bang khác như Florida yêu cầu các công ty bán tiền mã hóa phải có giấy phép hoạt động kinh doanh dịch vụ tiền tệ.
El Salvador: Bitcoin thành đồng tiền pháp định
Trong khi nhiều quốc gia tỏ thái độ cẩn trọng đối với tiền mã hóa, El Salvador đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận loại tiền này là tiền pháp định vào ngày 7/9/2021. Theo chủ trương được Tổng thống Nayib Bukele đề xuất và thúc đẩy, Bitcoin trở thành đồng tiền chính thức thứ hai tồn tại song song với USD tại Salvador, với tỷ giá giữa hai đồng tiền được thị trường xác định.
Về công nghệ, người dân El Salvador được khuyến khích sử dụng ví điện tử chính thức cho Bitcoin mang tên Chivo thông qua chính sách tặng lượng Bitcoin trị giá 30 USD khi đăng ký dùng ví. Chính phủ El Salvador cũng triển khai hệ thống máy ATM, trung tâm tư vấn và một quỹ trị giá 150 triệu USD để hỗ trợ quá trình đổi tiền từ Bitcoin sang USD.
Bitcoin được ông Bukele quảng bá là giải pháp tài chính giúp tiết kiệm hàng trăm triệu USD chi phí chuyển tiền mỗi năm cho El Salvador - vốn là quốc gia có tỉ lệ kiều hối trên tổng GDP và thu nhập hộ gia đình cao. Tuy nhiên, việc cho phép sử dụng một loại tiền mã hóa trực tiếp phụ thuộc vào hạ tầng công nghệ và có tỉ giá tương đối bất ổn khiến quá trình sử dụng Bitcoin của El Salvador gặp nhiều vấn đề, từ việc ví điện tử trục trặc cho đến căng thẳng gia tăng trong quan hệ với một số định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Việt Nam không đứng ngoài cuộc
Tại Việt Nam, thị trường và xu hướng đầu tư vào tiền mã hóa cũng không kém phần sôi động so với nhiều quốc gia phát triển, dẫn đến nhu cầu đánh giá, xây dựng và hoàn thiện chính sách để quản lý tiền mã hóa và giảm bớt hành vi lừa đảo nhắm vào nhà đầu tư.
Khảo sát công bố hồi tháng 8 của Chainalysis (một nền tảng blockchain, chuyên cung cấp dữ liệu, phần mềm, dịch vụ và nghiên cứu cho các cơ quan chính phủ, tổ chức tài chính) về Chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu (GCAI) trên 154 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy Việt Nam đứng đầu với điểm tuyệt đối là 1, còn vị trí thứ hai và thứ ba là Ấn Độ và Pakistan lần lượt đạt 0,37 điểm và 0,36 điểm.
Vị trí của Việt Nam đang có nhiều thay đổi tích cực trên bản đồ blockchain và tiền số của thế giới. Các dự án tiền mã hóa do người Việt sáng lập như Axie Infinity (AXS), Coin98 (C98) hay TomoChain (TOMO) cũng đã tạo được dấu ấn trên thị trường.
Nắm bắt được tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và đề xuất chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia trong Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, được phê duyệt cuối tháng 10/2021.
Tại Việt Nam, hiện nay, việc sử dụng các loại tiền mã hóa làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng cũng không được phép sử dụng các loại tiền mã hóa như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Tuy nhiên, chính sách trong tương lai có thể dẫn đến một số thay đổi đáng kể về giá trị pháp lý của loại tiền này tại Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận