THUỶ SẢN: Nhu cầu cao trong bối cảnh kinh tế hồi phục và lạm phát giá thực phẩm
Sau khi hồi phục mạnh trong năm ngoái, 2022 có thể tiếp tục là một năm thành công cho ngành thủy sản nhờ nhu cầu cao trong bối cảnh kinh tế hồi phục và lạm phát giá thực phẩm. Các biện pháp trừng phạt đối với Nga cũng như tình trạng phong tỏa được nới lỏng tại Trung Quốc sẽ đem đến thêm cơ hội cho thủy sản Việt Nam.
Xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2022 đạt cao kỷ lục
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong tháng 5/2022, tăng 27% so với cùng kỳ và đạt 1 tỷ USD nhờ kim ngạch xuất khẩu cá tra tăng 66% (đạt 245 triệu USD) và kim ngạch xuất khẩu tôm tăng 19% (đạt 417 triệu USD). Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 4,6 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ và là mức cao kỷ lục. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tôm tăng 35% so với cùng kỳ lên 1,8 tỷ USD, đóng góp 35% tổng kinh ngạch xuất khẩu thủy sản và đạt 42% dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho cả năm 2022 đề ra vào đầu năm là 4,3 tỷ USD (tăng trưởng 10%). Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra còn tăng trưởng mạnh hơn, tăng 88% so với cùng kỳ lên 1,2 tỷ USD và đạt 70,6% dự báo của VASEP cho cả năm 2022 là 1,7 tỷ USD (tăng trưởng 7%).
Triển vọng vẫn tích cực
Nhu cầu hồi phục tại Mỹ và EU
Nhờ sự phổ biến của mặt hàng thủy sản tại các kênh bán lẻ trong thời gian dịch bệnh, nên hành vi tiêu dùng tại các thị trường chủ chốt như EU, Mỹ đã và đang có sự thay đổi theo hướng chuyển sang sản phẩm thủy hải sản tại gia đình. Trong khi đó, các kênh dịch vụ nhà hàng tiếp tục hồi phục cũng giúp cải thiện nhu cầu. Mặt khác, giá các loại sản phẩm như thịt bò và gia cầm đang tăng trên toàn thế giới, từ đó làm tăng nhu cầu đối với cá – một lựa chọn dinh dưỡng tốt tốt hơn cho sức khỏe.
Các biện pháp trừng phạt đối với Nga là cơ hội cho thủy sản Việt Nam
Các biện pháp trừng phạt đối với Nga vì xung đột tại Ucraina đang ảnh hưởng đến nguồn cung mặt hàng thủy sản trên toàn cầu. Nga đứng thứ 5 về đánh bắt cá tự nhiên và đứng đầu về xuất khẩu cá tuyết. Diễn biến trên tạo ra cơ hội mới cho các nước xuất khẩu thủy sản khác, đặc biệt là Việt Nam vì các thị trường nhập khẩu thủy sản chính là Mỹ và EU sẽ phải tìm kiếm nguồn sản phẩm thay thế.
Nhu cầu tại Trung Quốc hồi phục sau khi nới lỏng phong tỏa
Ngoài ra, Trung Quốc đang dần gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa chống dịch Covid-19. Đợt bùng phát dịch Covid-19 tồi tệ nhất tại Trung Quốc đang kết thúc với số lượng ca nhiễm tiếp tục giảm và toàn bộ các thành phố lớn của nước này đang nới lỏng hạn chế với cuộc sống của người dân đã gần như trở lại bình thường. HSC kỳ vọng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc có thể sớm hồi phục sau khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng.
Lạm phát giá lương thực sẽ giữ giá xuất khẩu thủy sản ở mặt bằng cao
Theo Ủy ban Châu Âu, trong 4 tháng đầu năm 2022, chỉ số tiêu thụ lương thực và thịt tại EU đã lần lượt tăng 4% và 3% so với cùng kỳ; trong khi đó chỉ số tiêu thụ cá và thủy sản vẫn giữ nguyên. Trong khi đó, dữ liệu từ USDA Hoa Kỳ cho biết tại Mỹ, chỉ số tiêu thụ thịt lợn và gia cầm lần lượt tăng 14% và 15% so với cùng kỳ; trong khi chỉ số tiêu thụ cá và thủy sản tăng ở mức thấp hơn, tăng 10% so với cùng kỳ. Giá bán tăng ít hơn giúp sản phẩm thủy sản giành được thị phần từ các sản phẩm có nguồn gốc protein khác, đồng thời cho phép các doanh nghiệp thủy sản có thể nâng được giá bán.
Sản lượng 6 tháng cuối năm 2022 sẽ cao hơn 6 tháng đầu năm vì yếu tố mùa vụ
Trong 6 tháng cuối năm 2022, sản lượng sẽ cao hơn so vói 6 tháng đầu năm vì đây là mùa cao điểm xuất khẩu thủy sản trong bối cảnh nhu cầu tăng cao trước các dịp lễ tại các thị trường nhập khẩu chính; đồng thời đây cũng là khoảng thời gian cao điểm thu hoạch tôm, cá tra nguyên liệu.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận