Thủy điện Thác Mơ lãi ròng hơn 130 tỷ đồng dù thủy văn kém thuận lợi?
CTCP Thủy điện Thác Mơ (HOSE: TMP) trải qua quý 2 tương đối thuận lợi, với doanh thu và lợi nhuận chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Các chỉ tiêu kinh doanh của TMP trong quý 2/2023 Nguồn: VietstockFinance |
Trong kỳ, TMP báo doanh thu giảm 10% so với cùng kỳ, đạt gần 210 tỷ đồng. Khấu trừ cho giá vốn, Doanh nghiệp báo lãi gộp gần 135 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 15%.
Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ ghi nhận tăng mạnh lên 31.5 tỷ đồng, gấp gần 2.7 lần cùng kỳ, là lãi tiền gửi và cổ tức được chia, trong khi chi phí tài chính tăng nhẹ 6%, lên 9.5 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết tăng trưởng 10%, đạt 14.1 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 34%.
Kết quả, TMP đạt lãi ròng gần 131 tỷ đồng, giảm 5% so với quý 2/2022.
Lãi lớn dù hồ thủy điện chạm mực nước chết?
Cần nhớ rằng cùng kỳ 2022 là thời điểm các doanh nghiệp thủy điện được hưởng lợi từ điều kiện thủy văn. Trong khi đó, quý 2/2023 chứng kiến nhiều doanh nghiệp thủy điện gặp khó vì lượng mưa xuống thấp, nước về hồ không thuận lợi, nhiều nơi xuống đến mực nước chết.
Đã có thời điểm trong tháng 6/2023 xuất hiện thông tin hồ thủy điện của TMP chạm đến mực nước báo động này. Tuy vậy, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Non cho biết thông tin này thực chất không đúng, và bản thân ông cùng ban điều hành cũng đã thông báo kết quả quý 2 và 6 tháng đầu năm tương đối tốt tại ĐHĐCĐ thường niên 2023.
Đúng như thông báo của ông Non, kết quả lũy kế của TMP tương đối thuận lợi. Sau 6 tháng, Doanh nghiệp ghi nhận 406.3 tỷ đồng doanh thu, thấp hơn cùng kỳ 13%; lãi sau thuế và lãi ròng đạt 236 tỷ đồng và 234 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Tại ĐHĐCĐ 2023, TMP đặt kế hoạch chỉ bằng nửa năm trước, và đã thực hiện được 64% chỉ tiêu doanh thu, cùng hơn 79% mục tiêu lãi sau thuế sau 6 tháng.
Kết quả kinh doanh của TMP và kế hoạch 2023 Nguồn: VietstockFinance |
Thời điểm cuối tháng 6/2023, giá trị tổng tài sản của TMP tăng nhẹ so với đầu năm, đạt gần 2.34 ngàn tỷ đồng. Doanh nghiệp nắm giữ 216.5 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương, cùng 424 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn. Tổng cộng là 640 tỷ đồng, giảm 18% so với đầu năm. Chi phí xây dựng cơ bản dang dở ghi nhận 11.4 tỷ đồng, tăng 63% so với đầu năm.
Bên kia bảng cân đối, Doanh nghiệp có tổng vay nợ cuối kỳ hơn 387.4 tỷ đồng, trong đó gần 55 tỷ đồng là vay nợ ngắn hạn. Các khoản vay dài hạn đa số từ Shinhan Bank.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận