Thương vụ M&A Vinamilk - GTNfoods chốt hạ sau gần một năm, bắt tay thực hiện kế hoạch cải tổ, tấn công ngành thực phẩm và hàng tiêu dùng
ĐHĐCĐ bất thường GTNfoods đã chính thức thông qua việc cho phép Vinamilk nâng tỉ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này lên 75% mà không cần phải chào mua công khai. Đồng thời, đại hội cũng thông qua phương án tái cấu trúc doanh nghiệp với việc sửa đổi điều lệ và thoái vốn tại công ty con.
Ngày 16/12 vừa qua, CTCP GTNfoods (Mã: GTN) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2019 để thông qua các nội dung liên quan đến hoạt động tái cơ cấu công ty.
Vinamilk sẽ được phép nâng tỉ lệ sở hữu tại GTNfoods lên 75% mà không cần phải chào mua công khai
Tại cuộc họp, vấn đề cho phép CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) nhận chuyển nhượng cổ phần phổ thông để có thể đạt tỉ lệ sở hữu 75% tổng vốn điều lệ của GTNfoods mà không cần làm thủ tục chào mua công khai theo qui định đã được cổ đông thông qua với tỉ lệ 99,99% phiếu bầu.
Đây có thể coi là dấu mốc quan trọng để Vinamilk nhanh chóng kiểm soát quyền điều hành GTNfoods để thực hiện các bước tái cấu trúc tiếp theo trong thương vụ M&A giữa hai doanh nghiệp sở hữu hai thương hiệu sữa nổi tiếng là Vinamilk và Mộc Châu Milk (Sữa Mộc Châu).
Thương vụ này bắt đầu từ tháng 3/2019 khi Vinamilk bất ngờ chào mua công khai hơn 116,7 triệu cp GTN tương đương 46,68% vốn của GTNFoods, với số tiền ước tính phải chi lên đến 1.517 tỉ đồng.
Tuy nhiên, động thái của Vinamilk đã gặp phải những rào cản nhất định, nguyên nhân chủ yếu xoanh quanh việc chào mua của Vinamilk không được 3/6 thành viên HĐQT GTNfoods không đồng ý gồm ông Tạ Văn Quyền, ông Nguyễn Thành Nam và ông Nguyễn Hồng Anh.
Phía ông Nguyễn Hồng Anh cho rằng, Vinamilk là công ty sản xuất và kinh doanh các sản phẩm sữa lớn tại Việt Nam và đang là đơn vị cạnh tranh trực tiếp với một trong những mảng kinh doanh cốt lõi của GTNfoods bao gồm sữa Mộc Châu.
Dù vậy, sau nhiều buổi làm việc song phương và lắng nghe những chia sẻ về chiến lược đầu tư cũng như công tác quản trị điều hành của Vinamilk, ban lãnh đạo GTNfoods đã tiếp thu các chia sẻ của Vinamilk và nhận thấy việc tái cấu trúc sẽ có lợi cho cả hai doanh nghiệp, cuối cùng đi đến quyết định đồng ý cho Vinamilk tăng tỉ lệ sở hữu lên 75%.
Hiện tại, Vinamilk đang sở hữu 43,17% vốn cổ phần của GTNfoods và lãnh đạo của doanh nghiệp này đã thông qua việc mua thêm cổ phiếu GTN để nâng tỉ lệ sở hữu lên 75% tại công ty sở hữu thương hiệu Sữa Mộc Châu.
Tại đại hội, lãnh đạo GTNFoods cho biết đến lộ trình nâng sở hữu của Vinamilk sẽ phụ thuộc thị trường chứng khoán, GTNfoods là công ty niêm yết nên việc mua bán giữa các cổ đông sẽ phụ thuộc và nhu cầu của các cổ đông, trên cơ sở phù hợp với qui định của pháp luật.
Hiện nay, Vinamlilk chưa có đại diện tham gia HĐQT và Ban Kiểm soát của GTNfoods, lãnh đạo GTNfoods cho biết Vinamilk chưa có đề xuất về việc này. Trong trường hợp Vinamilk có đề nghị, công ty sẽ xem xét bổ sung dựa trên cơ sở tuân thủ qui định pháp luật và điều lệ công ty.
Về phía Vinamilk, lãnh đạo doanh nghiệp này đánh giá Sữa Mộc Châu rất tiềm năng, nhưng quản trị công ty có nhiều điều phải cải thiện. Ngay sau khi đợt chuyển nhượng cuối diễn ra, Vinamilk sẽ đưa nhân sự vào HĐQT, ban tổng giám đốc nhằm cải tổ lại Sữa Mộc Châu, xây dựng trang trại theo công nghệ tiên tiến.
GTNfoods bắt đầu quá trình cải tổ, lấn sân sang các ngành hàng mới
Bên cạnh nội dung cho phép Vinamilk nâng tỉ lệ sở hữu lên 75% mà không cần chào mua, ĐHĐCĐ GTNfoods cũng thông qua các vấn đề về việc sửa đổi điều lệ công ty và thoái vốn tại công ty con.
Theo đó, GTNfoods sẽ bổ sung thêm các ngành nghề kinh doanh sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng với các sản phẩm nước giải khát và sữa đậu nành. Đồng thời, công ty cũng sẽ kinh doanh các loại chè, hàng công nghiệp thực phẩm và hàng tiêu dùng.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về lí do phải sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty, bà Cao Thị Hồng - Giám đốc Chiến lược của GTNfoods cho biết, những ngành nghề mới được bổ sung là những ngành đang có tiềm năng tăng trưởng tốt.
Theo ước tính của Bộ Công thương, mức tiêu thụ thực phẩm và đồ uống Việt Nam hàng năm chiếm khoảng 15% GDP và đang có xu hướng tăng, năm 2018 tốc độ tăng trưởng ghi nhận ở mức 18%.
Trong thời gian tới, ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh đến năm 2020 với mức tăng trung bình 10,9%/năm nhờ thu nhập người dân cải thiện và xu hướng tiêu dùng sản phẩm giá trị cao hơn sẽ chiếm lĩnh thị hiếu tiêu dùng.
Ngoài ra, GTNfoods và các cổ đông lớn như Vinamilk đang có lợi thế về nguồn nguyên liệu, sản xuất, kênh phân phối nên việc bổ sung ngành nghề kinh doanh mới là phù hợp, bà Hồng chia sẻ thêm.
Cũng liên quan đến việc phát triển thêm các ngành nghề mới, một cổ đông khác góp ý ban lãnh đạo nên nghĩ đến việc sản xuất thịt bò (tương tự thịt bò KOBE) trong ngành nghề kinh doanh của mình đồng thời phát triển rộng rãi thịt bò đến thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, cổ đông GTNfoods cũng đã thông qua phương án thoái vốn tại ba công ty con để phục vụ cho việc tái cấu trúc, bao gồm CTCP Nông nghiệp GTN (GTNFarm), CTCP Đầu tư và Khai thác Khoáng sản GTNfoods và Công ty TNHH Hàng tiêu dùng GTNfoods với mức giá chuyển nhượng lần lượt 490,5 tỉ đồng, 235,5 tỉ đồng và 8 tỉ đồng.
Theo lãnh đạo GTNfoods, việc tái cấu trúc thông qua hoạt động thoái vốn tại công ty con sẽ giúp đơn giản hóa cấu trúc công ty và có nguồn tiền mặt dồi dào (khoảng hơn 2.000 tỉ đồng) để có thể sắn sàng đầu tư và các dự án có hiệu quả trong tương lai, đồng thời tập trung chuyên sâu vào các ngành nghề có thế mạnh.
Ngoài ra, đối với vấn đề quyết toán vốn Nhà nước tại Vinatea, bà Cao Thị Hồng trả lời rằng, quá trình quyết toán vốn Nhà nước và bàn giao từ Công ty TNHH MTV sang CTCP đã được hoàn thành trong tháng 10/2019.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận