Thương vụ 1,4 ngàn tỷ chưa từng có, dấu vết biến động mới ở ACB
Sự bùng nổ trở lại của các ngân hàng với lợi nhuận tăng mạnh, nợ xấu giảm nhanh đang khiến cổ phiếu nhóm này thăng hoa. Đây cũng là lúc những dòng tiền ngàn tỷ chuyển dịch và đâu đó có bóng dáng rủi ro hiện hữu.
Sự kiện CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng (Hồng Hoàng) - một doanh nghiệp có quy mô vốn khá nhỏ bé 5 tỷ đồng - huy động thành công lô trái phiếu trị giá hơn 1,4 ngàn tỷ đồng với lãi suất cao kỷ lục 20%/năm tiếp tục thu hút sự chú ý của giới đầu tư.
Theo Intellasia, đầu tháng 11/2019, Hồng Hoàng đã dùng gần 60,8 triệu cổ phiếu ACB do mình sở hữu để thế chấp cho lô trái phiếu hơn 1,4 ngàn tỷ đồng phát hành cho Saigon Asia Credit Limited (một pháp nhân có trụ sở tại thiên đường thuế Cayman Islands) vào ngày 29/10/2019.
Lô cổ phiếu của Hồng Hoàng nhiều khả năng được mua vào thời điểm một ngày sau khi doanh nghiệp kín tiếng này phát hành trái phiếu cho Saigon Asia Credit Limited và thu về hơn 1,4 ngàn tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch 30/10, theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), có tổng cộng 4 lệnh thỏa thuận tổng cộng 60.771.055 cổ phiếu ACB tại mức giá 23.800 đồng/cp, trị giá khoảng 1,4 ngàn tỷ đồng. Số cổ phiếu này đúng bằng số cổ phiếu ACB mà công ty Hồng Hoàng đang nắm giữ. Trong đó, có 3 lệnh với tổng khối lượng 35,2 triệu cổ phiếu, bằng đúng số cổ phiếu quỹ mà ACB bán ra.
Hồng Hoàng được biết là một doanh nghiệp có manh mối liên hệ tới các công ty trong gia đình nhà ông Trần Huy Hùng, chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, con trai của ông Trần Mộng Hùng - một đại gia ngành ngân hàng nổi tiếng dưới thời ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) cầm trịch tại ACB. Đây là doanh nghiệp từng đặt trụ sở tại tòa nhà ACB tại Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3.
Trước đó, đầu 2019, những người liên quan tới ông Trần Hùng Huy đã nhiều thương vụ chuyển nhượng cổ phiếu, tổng cộng gần 52 triệu cổ phiếu, sang cho các công ty riêng và được giải thích là “cơ cấu lại sở hữu và hình thức đầu tư trong nội bộ gia đình, không bán ra thị trường bất kỳ cổ phiếu nào".
Hồi đầu tháng 3/2019, ông Trần Hùng Huy đã mua 3,8 triệu cổ phiếu ACB, trị giá khoảng hơn 115 tỷ đồng. Ông Hùng Huy hiện nắm giữ hơn 43,8 triệu đơn vị, tương đương với tỷ lệ sở hữu hơn 3,4% tại ngân hàng.
Trong tháng 2/2019, theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), người nhà ông Trần Hùng Huy chuyển nhượng xong 51,7 triệu cổ phiếu ACB từ 3 cá nhân sở hữu sang 3 tổ chức.
Nguyên chủ tịch ACB Trần Mộng Hùng chuyển nhượng gần 23 triệu cổ phiếu. Chị ruột và em ruột ông Trần Hùng Huy là bà Trần Đặng Thu Thảo và ông Trần Minh Hoàng bán số cổ phiếu lần lượt hơn 16 triệu cổ phiếu và 12,7 triệu cổ phiếu. Bên nhận chuyển nhượng cổ phiếu đều là các doanh nghiệp được thành lập trước đó vài tháng, hồi tháng 11/2018 với vốn điều lệ 5 tỷ đồng.
Trên thị trường, cách làm như thương vụ trên là được phép và khá phổ biến. Cụ thể, sau khi được bảo lãnh, DN sẽ phát hành trái phiếu thu tiền về hàng ngàn tỷ, sau đó DN đem số tiền này mua cổ phiếu mình mong muốn. Và khi sở hữu khối cổ phiếu này, theo luật pháp, DN có quyền dùng số cổ phiếu này cầm cố cho chính lô cổ phiếu phát hành.
Một trong những vụ điển hình đã được nhắc đến là cách làm của ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) một thời.
Hồi cuối tháng 11/2010 đại gia này đã sử dụng pháp nhân Công ty B&B vay của ACB số tiền 1.000 tỷ đồng qua hình thức phát hành và bán trái phiếu cho ACB sau đó dùng số tiền này mua cổ phần của Vietbank, rồi cũng dùng số cổ phần mới mua làm tài sản thế chấp cho khoản vay nói trên tại ACB.
Bên cạnh đó, để có tiền đầu tư cổ phiếu ACB, Ngân hàng ACB còn cho Vietibank vay trên hệ thống liên ngân hàng hàng ngàn tỷ đồng để Vietbank cho 2 công ty con vay lại dưới hình thức mua trái phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận