Thương nhân phân phối kiến nghị được mua xăng dầu từ nhiều nguồn
Thương nhân phân phối lo ngại việc dự thảo mới chỉ cho họ được mua xăng dầu từ 3 đầu mối thay vì nhiều nguồn như hiện tại, sẽ dẫn tới khó khăn, bất ổn thị trường.
Tại cuộc họp góp ý chiều 13/2, các thương nhân phân phối xăng dầu cho rằng dự thảo sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất chỉ cho họ được mua hàng tối đa từ 3 đầu mối, không được lấy từ đơn vị phân phối khác như hiện tại, là chưa hợp lý và bất cập.
Ông Hoàng Trung Dũng, CEO Công ty APP cho rằng không nên bắt buộc thương nhân chỉ được mua hàng của 3 đầu mối. Trường hợp thị trường gặp bất ổn, cả 3 đơn vị đầu mối đều không có hàng hoặc bị cơ quan Nhà nước xử phạt, sẽ ảnh hưởng tới kinh doanh của thương nhân phân phối do bị đứt nguồn hàng.
"Sửa đổi như vậy coi như trao cho thương nhân đầu mối nhiều đặc quyền, đặc lợi vô hình, có thể dẫn tới méo mó thị trường xăng dầu", ông Dũng nói và kiến nghị giữ nguyên các quy định như Nghị định 83/2014, tức cho thương nhân phân phối được mua hàng từ nhiều nguồn.
"Nếu khống chế việc mua xăng dầu của thương nhân phân phối sẽ ảnh hưởng tới tạo nguồn, chủ động nguồn cung và chưa đảm bảo tính cạnh tranh", ông Dũng chia sẻ thêm.
Đại diện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nhiên liệu Đông Đô cũng lo ngại trường hợp các đầu mối liên kết ép giá sẽ gây khó khăn cho thương nhân và đứt gãy thị thường.
Ngoài ra, nếu thương nhân phân phối không được mua bán, trao đổi hàng hoá lẫn nhau cũng gây khó khăn cho tạo nguồn, chủ động nguồn cung của các doanh nghiệp. Bởi, bản thân thương nhân phân phối cũng phải có nguồn vốn lưu động và lượng hàng dự trữ nhất định, khi các đầu mối chưa kịp nhập hàng về, các thương nhân phân phối được mua bán với nhau là cần thiết. Chưa kể phát sinh thêm lãng phí về kho bãi, tăng chi phí vận chuyển cho các cửa hàng, đại lý nếu các thương nhân phân phối chỉ tập trung ký mua hàng với các đầu mối có kho cảng đầu nguồn lớn.
Các doanh nghiệp thương nhân phân phối xăng dầu cũng phủ nhận chuyện họ chỉ là "trung gian, chờ mua đi bán lại". Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dầu khí Đồng Nai, nhìn nhận hệ thống phân phối xăng dầu là một chuỗi liên kết, chia sẻ với nhau nên không thể bỏ mắt xích nào.
Ông khẳng định, thương nhân phân phối là khâu không thể thiếu của chuỗi cung ứng xăng dầu, cánh tay nối dài liên kết với nhau tạo cạnh tranh trên thị trường, chứ không phải khâu trung gian (môi giới để kiếm lợi nhuận). Nguồn cung của thị trường là từ đầu mối chứ phân phối sỉ hay lẻ đều phụ thuộc hàng từ đầu mối.
"Ở thời điểm thị trường bất ổn vừa qua, chúng tôi cũng không có hàng, đi mua hàng từ đầu mối không được. Chúng tôi mua hàng của đầu mối với chiết khấu 0 đồng nhưng vẫn sẵn sàng chia sẻ với các đại lý trong hệ thống, thương nhân khác bằng mức mua vào", ông Hoà, chủ một doanh nghiệp phân phối bán lẻ tại miền Trung nói.
Theo ông Hoà, thị trường đang có khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ, trong đó trên 10.000 cửa hàng thuộc doanh nghiệp tư nhân, 33 doanh nghiệp đầu mối khó có đủ năng lực "cáng đáng" được hết.
"Không thể bỏ loại hình thương nhân phân phối. Việc nói bỏ thương nhân phân phối, để đại lý mua trực tiếp từ đầu mối không khác gì khuyên bà con nông dân mang cá, rau trực tiếp ra chợ bán cho người tiêu dùng. Thị trường bán lẻ không có đội ngũ thương lái sẽ khó vận hành trơn tru", ông Dũng ví von.
Thực tế nhiều thương nhân phải đặt mua xăng dầu trước kiểu như "mua lúa non", đưa tiền trước cho đầu mối nhập khẩu về để lấy bán trong khi chưa biết giá kỳ tới tăng hay giảm.
"Khi doanh nghiệp đầu mối bán hàng, thương nhân phân phối chúng tôi phải thanh toán 100% tiền, nhưng khi bán lại cho đại lý đa phần cho họ nợ gối đầu", lãnh đạo một doanh nghiệp phân phối tại Hà Nội chia sẻ.
Liên quan đề xuất rút ngắn thời gian thay đổi giá bán lẻ xăng dầu từ 10 xuống 7 ngày, cố định vào thứ 5 và điều chỉnh cả vào ngày lễ, các thương nhân phân phối cho rằng điều này cũng chưa phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.
Theo ông Hoà, đại diện một doanh nghiệp phân phối tại miền Trung, từ khi ký hợp đồng nhập khẩu đến lúc xăng dầu được vận chuyển về Việt Nam mất 10-15 ngày. Sau khi xăng dầu về Việt Nam, mất thêm 5-7 ngày mới được vận chuyển đến các cửa hàng bán lẻ ở các vùng, miền.
Mặt khác, khi thị trường thế giới biến động lớn như giá dầu tăng, tỷ giá USD tăng và tình hình tài chính, tín dụng trong nước khó khăn như cuối năm 2022 thì rất nhiều đầu mối không thể nhập hàng.
Do đó, các đơn vị phân phối đề nghị giữ nguyên "thời gian điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày nếu giảm giá", tức như quy định tại Nghị định 83/2014 và không dời ngày điều hành giá khi rơi vào thứ Bảy, Chủ nhật, lễ, Tết...
Dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương chủ trì, xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Việc sửa đổi quy định nhằm xử lý những bất ổn trên thị trường thời gian qua, để thực hiện mục tiêu bảo đảm nguồn cung, an ninh năng lượng quốc gia.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận