Tìm mã CK, công ty, tin tức
Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC) cho biết đã chuẩn bị tài liệu tốt nhất sẵn sàng giải trình cho vụ kiện chống trợ cấp của Hoa Kỳ nhắm vào sản phẩm tôm nước ấm từ Việt Nam.
Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC - sàn HoSE) vừa cho biết, trong tháng 3/2024, sản lượng tôm thành phẩm đạt 2.000 tấn và tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 1.693 tấn, lần lượt tăng 74% và 42% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong khi đó, sản lượng nông sản thành phẩm đạt 112 tấn và tiêu thụ nông sản thành phẩm đạt 59 tấn, lần lượt giảm 53% và 57% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt 19,17 triệu USD trong tháng 3/2023, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, tổng doanh thu quý 1/2024 của doanh nghiệp này ước đạt 49,67 triệu USD (tương đương 1.227 tỷ đồng), tăng 14% so với quý 1/2023.
Đáng chú ý, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết công ty đã thu hoạch tôm từ các trại tôm thả nuôi vụ nghịch từ cuối tháng 11/2023 với kết quả nuôi khá khả quan.
Từ tháng 7/2023, Thực phẩm Sao Ta đã đưa vào vận hành khu trang trại Vinfarm ở Vĩnh Thuận, giúp mở rộng vùng nuôi thêm 203 ha, nâng tổng diện tích vùng nuôi lên 525 ha với khả năng cung ứng 16.000 tấn tôm nguyên liệu/năm. Khi vùng nuôi này đi vào vận hành đầy đủ sẽ giúp cải thiện đáng kể năng lực tự chủ tôm nguyên liệu, kéo theo đó là mở rộng biên lợi nhuận gộp của Thực phẩm Sao Ta.
Hãng chứng khoán Rồng Việt Securities (VDSC) hiện đánh giá sản lượng tôm tự nuôi năm nay của Thực phẩm Sao Ta sẽ tăng 29% so với năm 2022, giúp biên lợi nhuận gộp tăng lên mức 11%. Theo đó, VDSC dự phóng doanh thu và lợi nhuận cả năm nay của Thực phẩm Sao Ta sẽ lần lượt tăng 10% và 25,5% so với mức thực hiện của năm 2023.
Ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta đang giữ quan điểm thận trọng đối với triển vọng kinh doanh năm nay và dự kiến các khó khăn đối với ngành tôm có thể kéo dài ít nhất trong nửa đầu năm nay, trong bối cảnh rủi ro từ vụ kiện chống trợ cấp ngành tôm từ Hoa Kỳ, cũng như sự hạn chế về nguồn cung nguyên liệu tôm trong nước do người nuôi hạn chế nuôi.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta từ đầu năm 2023 đến nay.
Vào ngày 25/3 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận sợ bộ trong vụ việc điều tra chống trợ cấp tôm nước ấm đông lạnh (Warm Frozen Warmwater Shrimp thuộc mã HS: 0306.17, 1605.21 và 1605.29) có xuất xứ từ Việt Nam. DOC đã ấn định mức thuế chống trợ cấp sơ bộ đối với các doanh nghiệp của Việt Nam như sau: 2,84% đối với 1 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc duy nhất và cho tất cả các doanh nghiệp còn lại; 196,41% cho 1 doanh nghiệp bị đơn duy nhất không tham gia vụ việc.
Điều này sẽ gây thêm khó khăn cho sản phẩm tôm Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ vốn đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm tôm giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ.
Ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cho biết đã triển khai chuẩn bị tài liệu tốt nhất giải trình cho phía DOC nếu bị yêu cầu. Song song đó, công ty sẽ nộp đơn lên DOC xin làm bị đơn bắt buộc cho vụ kiện chống trợ cấp nhằm tạo an toàn cho công ty và tiếp đoàn kiểm tra của Chính phủ Hoa Kỳ qua kiểm tra Nhà máy Tin An.
Hiện Thực phẩm Sao Ta xây dựng kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu thuần đạt 5.187 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 320 tỷ đồng, lần lượt tăng 2% và 5% so với mức thực hiện của năm 2023. Như vậy, hết quý 1/2024, doanh nghiệp này ước tính đã thực hiện được 23,6% mục tiêu doanh thu năm.
Trong năm nay, Thực phẩm Sao Ta sẽ tiếp tục tập trung vào sản phẩm chế biến sâu, nhằm tối ưu hóa chi phí và tăng năng suất bằng cách chuyên môn hóa sản phẩm ở từng nhà máy và nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân nhằm đạt mục tiêu kinh doanh đã đề ra.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường