Thua lỗ kéo dài, Gạo Trung An quyết giải thể 2 công ty con
Sau khi cơ cấu lại, Gạo Trung An chỉ còn 1 công ty con là CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Kiên Giang.
TCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) vừa có nghị quyết HĐQT thông qua việc giải thể công ty con để sắp xếp lại cơ cấu tổ chức.
Theo đó, 2 công ty con mà Gạo Trung An giải thể là Công ty TNHH MTV Xuất khẩu Gạo Trung An và Công ty TNHH MTV Kinh doanh Bất động sản Trung An.
Đây là 2 trong số 3 công ty con của Trung An với tỷ lệ sở hữu của TAR tại 2 doanh nghiệp này đều là 100%. Ngoài ra, công ty ngành gạo này còn sở hữu 1 công ty con khác với tỷ lệ sở hữu 67,14% là CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Kiên Giang và 2 công ty liên doanh, liên kết khác là Công ty TNHH Novotech - Trung Hưng (sản xuất ván ép cao cấp từ trấu) và Công ty TNHH Sản xuất chế biến kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Đức.
TAR đang trải qua giai đoạn khó khăn khi kết quả kinh doanh liên tục thua lỗ. Quý III/2024, TAR ghi nhận quý kinh doanh thứ 2 liên tiếp bị lỗ với lợi nhuận sau thuế âm 22,2 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2024, TAR đang lỗ sau thuế hơn 30,5 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp này vẫn lãi hơn 12,8 tỷ.
Biên lợi nhuận của TAR thuộc mức thấp, biên lãi gộp quý III vừa qua chỉ khoảng 3%, giảm so với mức 5% cùng kỳ năm ngoái. Biên lãi gộp 9 tháng còn giảm mạnh hơn khi chỉ khoảng 2,6%.
TAR cho biết, lợi nhuận sau thuế quý III/2024 trên báo cáo tài chính riêng và hợp nhất đều lỗ là do chi phí sản xuất ở công ty mẹ và công ty con đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Ước tính trong quý IV/2024, doanh thu công ty mẹ đạt khoảng 600 tỷ đồng, ước thực hiện cả năm là 4.300 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/09/2024, tổng tài sản của TAR ở mức 2.930 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở tài sản ngắn hạn (2.246 tỷ đồng). Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm đến 1.756 tỷ đồng, tương đương 60% tổng tài sản.
Trong cơ cấu chi phí của TAR hàng kỳ, chi phí lãi vay luôn chiếm giá trị cao nhất, thậm chí còn vượt lợi nhuận gộp của TAR trong quý III/2024 vừa qua. Trong 9 tháng, doanh nghiệp ngành gạo này phải chi 97 tỷ đồng cho chi phí lãi vay, trong khi lợi nhuận gộp mang về chỉ khoảng 105 tỷ đồng.
Bảng cân đối kế toán cho thấy, tính đến cuối quý III/2024, nợ phải trả của TAR ở mức 1.704 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính chiếm hơn 1.676 tỷ đồng, tăng 8% so với hồi đầu năm.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TAR đang thuộc diện hạn chế giao dịch trên UPCoM. Thị giá loanh quanh ngưỡng 4.600 đồng/cổ phiếu, đã giảm gần 50% so với hồi đầu năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường