Thu nhập trung bình 7,8 triệu, lao động chi tiêu 11,7 triệu đồng
Thu nhập trung bình 7,88 triệu đồng, trong khi chi tiêu mỗi tháng của gia đình lao động 11,7 triệu đồng, theo khảo sát của Viện Công nhân Công đoàn.
Công bố kết quả khảo sát đời sống việc làm tiền lương của lao động ngày 8/8, Viện phó Công nhân Công đoàn Phạm Thu Lan cho biết khảo sát thực hiện trong quý II/2023 với gần 3.000 lao động tại sáu tỉnh thành Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, An Giang, Bình Dương và TP HCM. Doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã cắt giảm 10% lao động do khó khăn đơn hàng.
Kết quả cho thấy nửa đầu năm, mức chi tiêu của công nhân 11,7 triệu đồng, tăng 19% so với năm 2022, chủ yếu do giá cả, tiền điện nước tăng cao. Tiền dành cho lương thực, thực phẩm chiếm tới 70% tổng chi tiêu.
Trong khi thu nhập trung bình của người tham gia khảo sát đạt 7,88 triệu đồng mỗi tháng, 77% trong đó là lương cơ bản, còn lại từ làm thêm giờ và trợ cấp, phụ cấp. Chỉ 24,5% lao động khảo sát cho biết thu nhập của họ vừa đủ chi tiêu cho các khoản sinh hoạt, số còn lại thiếu trước hụt sau. Nhiều người phải làm thêm ở ngoài để tăng thu nhập ngoài công việc trong nhà máy.
Hai con gái của một gia đình công nhân trong phòng trọ thuê hơn 500.000 đồng mỗi tháng ở Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông
Hơn 17% lao động trả lời phải thường xuyên vay nợ với tâm trạng bất an vì bị đe dọa, khủng bố đòi nợ. Thu nhập thấp là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến việc có hay không nên lập gia đình của gần 54% người khảo sát và quyết định có con của 72% công nhân.
Khảo sát cũng cho kết quả phần lớn lao động được điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022 với mức trung bình 366.000 đồng. Nhiều doanh nghiệp tăng lương nhưng cắt bỏ các khoản phụ cấp độc hại và phụ cấp đào tạo cho lao động.
Tiền lương thấp song hơn một nửa lao động tham gia khảo sát cho biết "có nghĩ tới việc phải thương lượng tăng lương", số còn lại chưa từng nghĩ tới. "Tỷ lệ này cho thấy sự thụ động của lao động trong việc thương lượng tiền lương", bà Lan nói, nhấn mạnh cần nâng cao vai trò của công đoàn lẫn nhận thức của lao động về tầm quan trọng của thương lượng tăng lương.
Ông Nguyễn Thái Dương, Phó chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, kiến nghị trong phiên đàm phán lương tối phiểu vùng cần chú trọng yếu tố như giá cả thị trường, bởi lương chưa tăng giá cả đã tăng nên thu nhập thực tế của lao động bị giảm sút. Nửa đầu năm, đơn giá gia công đã giảm hơn 30% nên sớm tăng lương cho người lao động song cũng cần phù hợp "sức khỏe" doanh nghiệp.
Ngày 9/8, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp phiên đầu tiên để bàn về điều chỉnh lương tối thiểu năm 2024. Theo thông lệ, mỗi kỳ họp hội đồng diễn ra 2-3 phiên. Phương án và thời điểm tăng lương thường chốt vào phiên họp thứ ba, nhanh nhất vào phiên thứ hai khi các bên tìm được tiếng nói chung.
Điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024 sẽ đối mặt nhiều thách thức trong bối cảnh làn sóng cắt giảm lao động kéo dài từ cuối năm 2022 và dự báo tiếp tục tới cuối năm nay.
Thống kê sáu tháng đầu năm, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết số doanh nghiệp thành lập mới lẫn quay trở lại giảm, số ngừng hoạt động tăng lên so với cùng kỳ. Hơn 500.000 lao động bị mất việc, giãn việc, giảm giờ làm. Xu hướng lao động bị mất việc tăng mạnh so với hồi cuối năm 2022. Riêng bốn tháng đầu năm, tỷ lệ người bị chấm dứt hợp đồng cao gấp ba lần so với quý IV/2022.
Người mất việc vẫn tập trung ở phía Nam như TP HCM, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Hậu Giang. 75% trong số đó thuộc doanh nghiệp FDI; khoảng 8% là lao động nữ trên 35 tuổi, 5% đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Công đoàn dự báo tình trạng thiếu, mất việc làm tiếp tục diễn ra cục bộ ở ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động như dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ. Doanh nghiệp sản xuất cho nhãn hàng thị trường Mỹ, châu Âu tiếp tục có kế hoạch giảm lao động, trong đó nhiều người lao động có thâm niên, lớn tuổi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường