24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bình Minh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thu hồi 15.200 tỷ đồng nợ xấu, Sacombank đang tính thực hiện lời hứa với cổ đông

Doanh số thu hồi nợ xấu trong năm 2020 của Sacombank đạt hơn 15.200 tỷ đồng, nhà băng này dự kiến sử dụng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 với các mục tiêu kế hoạch đều tăng trưởng so với kết quả kinh doanh năm 2020.

Thu hồi nợ xấu trong năm 2020 hơn 15.200 tỷ đồng

Báo cáo về việc thực hiện Đề án tái cơ cấu đến năm 2025, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường bất động sản kém linh hoạt khiến cho công tác thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn, nhưng Sacombank vẫn quyết liệt xử lý/thu hồi nợ xấu và tài sản tồn đọng vượt mục tiêu.

Cụ thể, Sacombank đã trích 5.633 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro và xử lý tài sản tồn đọng thuộc Đề án, nâng mức trích lập lũy kế từ khi triển khai Đề án lên 12.027 tỷ đồng, đạt 52% tổng thể Đề án đến năm 2025.

Doanh số thu hồi nợ xấu trong năm 2020 hơn 15.200 tỷ đồng. Trong đó, đã thu hồi 8.200 tỷ đồng các khoản thuộc Đề án (các khoản thuộc Đề án tái cơ cấu Sacombank sau khi sáp nhập thêm Ngân hàng Phương Nam - Southern Bank), nâng mức thu hồi lũy kế từ khi triển khai Đề án lên 46.547 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch tổng thể Đề án đến năm 2025. Tài sản tồn đọng thuộc Đề án giảm 48,2% so với cuối năm 2016, chiếm 9,8% tổng tài sản, góp phần tăng tỷ trọng tài sản có sinh lời từ 67,9% lên 85,2%.

Về mặt kết quả kinh doanh năm 2020, lợi nhuận trước và sau thuế của Sacombank đạt hơn 3.339 tỷ đồng và gần 2.682 tỷ đồng, tăng lần lượt 4% và 9% so với năm trước. So với chỉ tiêu 2.575 tỷ đồng lãi trước thuế cả năm 2020 thì Sacombank đã vượt được 30% kế hoạch.

Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản ngân hàng đạt 492.637 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cuối năm trước. Tiền gửi khách hàng tăng 6,8%, đạt 427.972 tỷ đồng.

Đến hết năm 2020, tổng nợ xấu nội bảng của Sacombank tăng 0,8% lên 5.780 tỷ đồng. Trong khi, dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng 14,9% đạt 340.268 tỷ đồng. Qua đó kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ 1,94% xuống 1,7%.

Thu hồi 15.200 tỷ đồng nợ xấu, Sacombank đang tính thực hiện lời hứa với cổ đông
Sacombank hiện đại hóa các kênh giao dịch với khách hàng

Điểm đặc biệt, nguồn lợi nhuận ngân hàng giữ lại đang ở mức cao 6.000 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến sử dụng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu, nhằm tăng vốn điều lệ cũng như đáp ứng kỳ vọng của cổ đông trong nhiều năm không nhận được cổ tức.

Hiện Sacombank đang chờ sự phê duyệt của NHNN để triển khai, thực hiện.

Trước đó tại các kỳ ĐHCĐ thường niên, không ít cổ đông của Sacombank bức xúc về việc nhiều năm không nhận được cổ tức, nhưng Sacombank đều không thể tiến hành việc này, do đang quá trình thực hiện tái cơ cấu theo Đề án NHNN phê duyệt, phải tập trung mọi nguồn lực tái cấu trúc và chưa được NHNN cho phép chia cổ tức.

Tại kỳ ĐHCĐ thường niên 2020, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, sẽ hoàn thành tái cơ cấu sau mốc thời gian 2022 - 2023. Khi đó chắc chắn Sacombank sẽ mạnh hơn và sẽ được chia cổ tức cho cổ đông.

Lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng 20%

Về kế hoạch năm 2021, Sacombank đề ra mục tiêu đều tăng trưởng so với kết quả năm 2020. Mục tiêu tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản đạt 533.300 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Tổng nguồn vốn huy động đạt 485.500 tỷ đồng, tăng 9%.

Trong đó huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 478.300 tỷ đồng, tăng 9%. Tổng dư nợ tín dụng đạt 372.000 tỷ đồng, tăng 9%. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2020, Sacombank dự kiến dùng hơn 2.384 tỷ đồng để trích lập các quỹ. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế và trích các quỹ còn 1.874 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế gần 6.496 tỷ đồng.

Thời gian gần đây, cùng với nhóm cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu STB nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư khi dòng tiền tập trung ở nhóm này khá nhiều. Cổ phiếu STB ghi nhận thanh khoản khủng nhất kể từ khi niêm yết với 100 triệu đơn vị khớp lệnh vào phiên 30/3, tổng giá trị giao dịch cổ phiếu STB ở phiên này ở mức 1.997 tỷ đồng, và cổ phiếu STB vẫn đang trong đà tăng suốt 1 tuần qua.

Giá cổ phiếu STB đang giao dịch ở mức 21.600 đồng/CP (chốt phiên chiều 1/4) với khối lượng giao dịch trong phiên hơn 33 triệu đơn vị. Nếu so với đầu năm 2021, giá cổ phiếu STB đã tăng gần 27%.

STB tăng mạnh và khớp lệnh kỷ lục trong bối cảnh trên thị trường hôm qua xuất hiện một số tin đồn liên quan đến ngân hàng này, trong đó có tin Sacombank sẽ được mua lại bởi một tập đoàn lớn. Tuy nhiên, trao đổi với Dân Việt, đại diện nhà băng này phủ định thông tin trên.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
32.65 -0.40 (-1.21%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả