Thủ đoạn trục lợi từ kít test COVID-19 của Giám đốc CDC Đà Nẵng
19h30 ngày 20/6, việc khám xét tại nhà riêng của ông Tôn Thất Thạnh và các bị can có liên quan đã hoàn tất. Lực lượng chức năng tiếp tục tiến hành khám xét và thu giữ nhiều tài liệu có liên quan tại phòng làm việc của ông Thạnh và các bị can tại trụ sở CDC Đà Nẵng (số 118 Lê Đình Lý, quận Thanh Khê, Đà Nẵng).
Như Báo CAND đã thông tin, chiều 20/6, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Tôn Thất Thạnh (SN 1964), Giám đốc CDC Đà Nẵng) và Nguyễn Thị Thanh Nhàn (SN 1982, Trưởng Khoa Xét nghiệm CDC Đà Nẵng), về hành vi “Tham ô tài sản”, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lê Thị Kim Chi (SN 1986, nhân viên xét nghiệm CDC Đà Nẵng) cùng về hành vi trên.
Kết quả điều tra bước đầu của Công an TP Đà Nẵng cho thấy, trong quá trình thực hiện xét nghiệm COVID-19 tại CDC Đà Nẵng, Trưởng khoa xét nghiệm là bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chỉ đạo nhân viên bớt xén các loại sinh phẩm (mua của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và các nguồn tài trợ) và báo cáo không trung thực để làm dư ra một số lượng sinh phẩm và để ngoài sổ sách.
Cụ thể, đối với sinh phẩm tách chiết thủ công RNA COVID-19, quy cách đóng gói là 50 kít/hộp, tương đương với 50 mẫu xét nghiệm. Do bớt xét khi sử dụng nên mỗi hộp dư ra 2-3 kit. Đối với sinh phẩm tách chiết tự động RNA, quy cách đóng gói là 960 kít/1 thùng, tương ứng 960 mẫu xét nghiệm. Do bớt xén khi sử dụng nên mỗi thùng thường dư ra khoảng 192-288 kít.
Đối với sinh phẩm xét nghiệm PCR COVID-19, thì mỗi kít tương ứng với một mẫu xét nghiệm. Trong năm 2021, CDC Đà Nẵng nhận nguồn tài trợ sinh phẩm Realtime -RT-PCR, hãng Kogene Hàn Quốc từ Công ty Phương Trang. Loại sinh phẩm này trong thực tế sử dụng 1 kít có thể chạy 2 mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, trên sổ sách, báo cáo tiêu hao sinh phẩm của CDC Đà Nẵng thì mỗi kít của hãng Kogene Hàn Quốc thì mỗi kít chỉ chạy một mẫu xét nghiệm, mẫu còn lại được báo cáo là chạy kít của Công ty Việt Á. Việc này làm số lượng kít test Việt Á trên báo cáo tiêu hao tăng lên và dư ra một số lượng lớn kít Việt Á trên thực tế.
Vào thời điểm tháng 7/2020, ông Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á cùng một số nhân viên đến CDC Đà Nẵng để hỗ trợ xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19. Lúc này, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã nhờ ông Việt hợp thức hóa số kít dôi dư. Theo đề nghị của bà Nhàn, ông Việt đã trao đổi với ông Thạnh xin chủ trương giải quyết số kít test bớt xén được bằng cách chuyển cho Việt Á. Đổi lại, Công ty Việt Á sẽ gửi tiền cho cá nhân ông Thạnh, bà Nhàn và một số người khác liên quan bằng giá trị của số hàng thực nhận.
Theo chủ trương như vậy, sau đó bà Nhàn đã nhiều lần trực tiếp giao số kit test dôi dư cho nhân viên Công ty Việt Á hoặc phân công nhân viên Khoa xét nghiệm là Lê Thị Kim Chi đi giao. Tổng số sinh phẩm và vật tư mà bà Nhàn và Chi đã giao lại cho Công ty Việt Á là 21.000 kít tách chiết tự động, 10.000 kít chiết tách thủ công, 2.400 kít xét nghiệm PCR và 74.500 mẫu tube rỗng 1,5ml với tổng giá trị được xác định là 4,063 tỷ đồng. Số sinh phẩm và vật tư nhận lại này, ông Phan Quốc Việt chỉ đạo cho nhân viên tiếp tục bán cho TP Đà Nẵng bằng các hợp đồng sau đó hoặc giao cho các đơn vị có nhu cầu mua sinh phẩm của Công ty Việt Á.
Quá trình điều tra, Công an TP Đà Nẵng đã phát hiện số vật tư còn lại trị giá hơn 2 tỷ đồng được các đối tượng cất giấu tại phòng thay đồ trong nhà vệ sinh của Khoa Xét nghiệm do chưa kịp tẩu tán. Tài liệu kế toán của CDC Đà Nẵng thể hiện toàn bộ số sinh phẩm nói trên được giao cho Khoa xét nghiệm đã được sử dụng hết. Kế toán trưởng CDC Đà Nẵng xác nhận trên sổ sách không có việc CDC Đà Nẵng gửi lại hàng cho Công ty Việt Á dưới bất kỳ hình thức nào. Ngoài 3 cá nhân bị khởi tố về hành vi tham ô tài sản tại CDC, hiện Cơ quan Công an đang tiếp tục điều tra trách nhiệm của các cá nhân khác trong việc đấu thầu mua vật tư thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Đà Nẵng.
CDC Đà Nẵng được thành lập năm 2018, trên trên cơ sở hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế thành phố gồm Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế thành phố. Vào thời điểm trên, ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc CDC Đà Nẵng.
CDC Đà Nẵng được ghi nhận là đơn vị đầu tiên trong cả nước thí điểm thực hiện mẫu gộp xét nghiệm COVID-19 theo phương pháp PCR từ tháng 5/2020. Khi dịch COVID-19 bùng phát, đặc biệt từ cuối tháng 7 đến tháng 10/2021, với lý do cần sớm phát hiện và ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng, TP Đà Nẵng đã thực hiện nhiều đợt phong tỏa trên diện rộng, tiến hành xét nghiệm đại diện các hộ gia đình trên địa bàn toàn TP với tần suất thời điểm cao nhất lên đến 3 lần/tuần với hàng triệu mẫu xét nghiệm đã được thực hiện.
Phương pháp này được cho là tiết kiệm nhiều lần so với xét nghiệm mẫu đơn, đồng thời có thể đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm trong điều kiện hạn chế về trang thiết bị, nhân lực, vật lực, phát hiện nhanh các ca bệnh trong cộng đồng.
Thời điểm đó, ông Tôn Thất Thạnh từng phát biểu việc xét nghiệm kịp thời và đúng đối tượng đã phát hiện, đưa ra khỏi cộng đồng nhiều ca mắc COVID-19 và xử lý triệt để các trường hợp F1, F2. Kết quả của công tác xét nghiệm và giám sát, xử lý dịch COVID-19 của CDC Đà Nẵng từng được UBND TP ghi nhận, đánh giá cao, được Trung ương khen thưởng. Tuy nhiên cũng mang lại nhiều ý kiến chưa đồng tình khi việc xét nghiệm được thực hiện liên tục, có dấu hiệu bị lạm dụng, gây lãng phí.
Ngoài hành vi tham ô của các bị can nói trên, có hay không việc làm sai quy định về đấu thầu và nhận “lại quả” từ Công ty Việt Á trong việc mua sắm sinh phẩm xét nghiệm trị giá hàng trăm tỷ đồng tại TP Đà Nẵng? Vấn đề này đang được Công an TP Đà Nẵng đang tiếp tục điều tra, làm rõ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận