Thông tư 03/2021/TT-NHNN: Sửa càng nhanh càng tốt, doanh nghiệp và ngân hàng đều "xanh xao" vì nợ
Ngân hàng Nhà nước đang dự định sửa Thông tư 03/2021/TT-NHNN (Thông tư 03) theo hướng kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước vẫn mang tính chữa cháy tình huống, trong khi ngân hàng thương mại cần giải pháp căn cơ hơn.
Chưa thể gỡ khó hoàn toàn cho ngân hàng, doanh nghiệp
Chỉ sau hơn 4 tháng ban hành Thông tư 03 sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục đưa ra dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại phản ánh, Thông tư 03 chỉ cho phép cơ cấu nợ với dư nợ phát sinh trước ngày 30/6/2020 và chỉ được kéo dài thời hạn cơ cấu nợ đến ngày 31/12/2021. Thế nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, trong hơn 3 tháng nữa, các doanh nghiệp vẫn chưa thể trả được nợ, nên nguy cơ chuyển nợ xấu rất cao.
Gay go nhất là theo Thông tư 03, những khách hàng được giải ngân sau ngày 30/6/2020 không được cơ cấu nợ. Trong khi đó, từ khi bùng phát đợt Covid-19 thứ tư, nhất là từ ngày 17/7/2021, 19 tỉnh, thành phố phía Nam phải giãn cách xã hội, khiến hàng loạt khách hàng không có doanh thu, thu nhập, khả năng trả nợ suy giảm, song ngân hàng lại không thể cơ cấu nợ, dù rất muốn.
Nhiều ngân hàng thương mại ước tính, nợ xấu sẽ tăng thêm hàng ngàn tỷ đồng nếu Thông tư 03 không được sửa đổi, đồng thời tỷ lệ nợ xấu cũng vọt lên trên mức 2% vào cuối năm nay.
Chính vì vậy, Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 03 theo hướng khách hàng sẽ được cơ cấu nợ với dư nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021, thời hạn cơ cấu nợ được kéo dài đến ngày 30/6/2022 được nhiều ngân hàng thương mại ủng hộ.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho rằng, dù chưa gỡ hết tất cả vướng mắc, nhưng Dự thảo Thông tư sửa đổi sẽ giúp ngân hàng và doanh nghiệp dễ thở hơn, OCB sẽ căn cứ theo thông tư sửa đổi để tiến hành cơ cấu nợ hỗ trợ khách hàng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, quy định như Dự thảo là “tạm chấp nhận được”, vì ngân hàng đang trong cảnh “ném đá dò đường”, chưa biết khi nào dịch bệnh mới kết thúc. Trước mắt, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng cho rằng, quy định như Dự thảo là chưa thể gỡ khó cho ngân hàng, doanh nghiệp.
“Dự thảo sửa đổi chỉ cho phép cơ cấu nợ với dư nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp vay từ sau ngày 1/8 cũng rất khó khăn. Hơn nữa, Covid-19 chưa biết đến khi nào mới kết thúc, nên việc kéo dài đến ngày 30/6/2022 vẫn chỉ là giải pháp tình huống. Thông tư nên quy định được cơ cấu nợ cho đến sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch”, ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Agribank đề xuất.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã phải sửa đổi Thông tư 01 bằng Thông tư 03 và với cách sửa Thông tư 03 như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ còn phải nhiều lần chỉnh sửa nữa.
“Tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần phải trình Chính phủ ban hành một nghị định mới về cơ cấu nợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Sửa lắt nhắt như hiện nay chỉ là giải pháp chữa cháy tình huống và sẽ còn phải sửa đi, sửa lại. Trên thực tế, dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 03 mà Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến chưa gỡ được nhiều vướng mắc của ngân hàng”, vị lãnh đạo này nhận xét.
Theo Ngân hàng Nhà nước, lý do khiến cơ quan này đưa ra thời điểm 1/8/2021 và 30/6/2022 là dựa trên kế hoạch của Chính phủ về chiến dịch tiêm chủng quốc gia (phấn đấu đạt 70-75% người dân được tiêm vào cuối năm 2021, đầu năm 2022) và Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ngày 6/8/2021. Nghị quyết đã đặt mục tiêu TP.HCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9/2021. Các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1/9/2021. Các tỉnh, thành phố khác phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8/2021.
Mặc dù vậy, các ngân hàng thương mại cho rằng, kể cả khi dịch bệnh được kiểm soát, thì doanh nghiệp cũng mất ít nhất 1 năm để có thể vực lại sản xuất. Chưa kể, dịch bệnh có thể tái bùng phát bất kỳ lúc nào.
Nhiều vướng mắc trọng yếu chưa được sửa đổi
Thông tư 03/2021/TT-NHNN quy định, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không vượt quá 12 tháng. Dự thảo sửa đổi giữ nguyên quy định này. Tuy nhiên, nhiều tổ chức tín dụng cho rằng, quy định này là rất bất cập.
Theo ông Phạm Toàn Vượng, không có cơ sở nào để cho rằng, doanh nghiệp được cơ cấu sau 12 tháng là sẽ có khả năng trả nợ. Chính vì vậy, quy định 12 tháng là không có căn cứ, cần được sửa đổi.
“Ngân hàng Nhà nước nên quy định cho phép tổ chức tín dụng được cơ cấu theo dòng tiền thực tế, chứ không nên đưa ra thời hạn 12 tháng”, ông Vượng nói.
Trước đó, đại diện BIDV cũng cho rằng, việc giới hạn thời gian cơ cấu tối đa 12 tháng kể từ thời điểm cơ cấu nợ gây khó khăn trong việc trả nợ của khách hàng và không còn phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng trong thời gian dài như hiện nay.
Chính vì vậy, BIDV đề nghị mở rộng thời gian cơ cấu trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng phù hợp hơn với nguồn thu dòng tiền khách hàng, đặc biệt là đối với khoản vay trung, dài hạn. Nếu không sửa đổi, năm 2022, chắc chắn hàng loạt khách hàng không thể trả nợ.
Thực tế, với khoản cho vay trung, dài hạn, lịch trả nợ của khách hàng tại từng kỳ hạn đã được xác định phù hợp với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng/dự án khi thẩm định, cấp tín dụng; trường hợp khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ một số kỳ hạn đến hạn trả nợ, cần thiết phải giãn số tiền này sang các kỳ sau ngày cuối cùng của thời hạn cho vay. Nếu bắt buộc phân bổ vào ngay các kỳ sau thời điểm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thì khách hàng không chỉ phải trả nợ các kỳ sẽ đến hạn, mà còn phải trả nợ các kỳ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nên sẽ tiếp tục gây khó khăn, áp lực đối với khách hàng.
Chính vì vậy, các ngân hàng đề nghị, Ngân hàng Nhà nước nên quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng phù hợp hơn với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng, cũng như mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19, chứ không nên quy định là tối đa 12 tháng. Quy định hiện Thông tư 03 sẽ làm méo mó dòng tiền.
Một vướng mắc nữa của Thông tư 03 cũng không được Dự thảo sửa đổi đề cập là vấn đề trích lập dự phòng rủi ro. Trong bối cảnh nợ xấu tăng mạnh, mới đây, Hiệp hội Ngân hàng và các ngân hàng thương mại cổ phần đề nghị Ngân hàng Nhà nước nên cho phép giãn thời gian trích lập dự phòng rủi ro cho nợ tái cơ cấu lên 5 năm, thay vì 3 năm như hiện tại. Tuy nhiên, trong Dự thảo, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên quy định này.
Theo lãnh đạo VietinBank, dư nợ khách hàng được cơ cấu lại tại VietinBank là rất lớn và chưa dừng lại. Theo Thông tư 03, năm nay, Ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro 30% cho số nợ cơ cấu này, khiến kết quả kinh doanh năm nay sẽ bị ảnh hưởng.
Đồng tình ý kiến này, ông Phạm Toàn Vượng cho rằng, kéo dài thời hạn trích lập dự phòng lên 5 năm không chỉ gỡ khó cho tổ chức tín dụng, mà còn giúp tổ chức tín dụng có điều kiện hỗ trợ khách hàng tốt hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì sửa đi, sửa lại Thông tư 01, Ngân hàng Nhà nước nên ban hành một thông tư mới thay thế hoàn toàn thông tư trên theo hướng căn cơ hơn, trao quyền chủ động hơn cho các ngân hàng thương mại. Điều quan trọng nhất là, phải tiến hành thật nhanh, bởi các doanh nghiệp đang lao đao với phương án trả nợ, đứng trước nguy cơ phá sản. Trong khi đó, ngân hàng cũng mất ăn mất ngủ vì khả năng nợ xấu phình to là hiện hữu.
Theo các tổ chức tín dụng, quy định này sẽ giúp nhiều khách hàng có khả năng trả nợ không bị rơi vào nợ xấu. Cụ thể, từ ngày 17/7/2021, khách hàng tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam bị giãn cách xã hội, nhiều khách hàng có khả năng trả nợ, nhưng phải cách ly do rơi vào trường hợp F1, F0, hoặc nằm trong vùng giãn cách, phong tỏa, không thể ra ngân hàng thanh toán. Theo quy định hiện tại, khách hàng này sẽ bị chuyển nhóm nợ do không nằm trong đối tượng được cơ cấu nợ của Thông tư 03. Chính vì vậy, việc bổ sung quy định trên vào Thông tư sửa đổi sẽ gỡ khó cho cả ngân hàng và khách hàng.
• Theo NHNN, từ khi dịch bệnh xảy ra, chỉ tính riêng khoản nợ đã được các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay đã vào khoảng 800.000 khách hàng, với dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng.
• Việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 03 cần căn cơ và dài hơi hơn, trao quyền chủ động cho các ngân hàng nhiều hơn, không chỉ giải quyết khó khăn tình huống trước mắt, mà còn tính đến bài toán cho vay phục hồi sản xuất sau dịch bệnh.
• Việc hỗ trợ khách hàng của các ngân hàng phải trên cơ sở an toàn sức khỏe tài chính của từng ngân hàng, lẫn an toàn cả hệ thống trong trung hạn và dài hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận