Thị trường than nóng trở lại khi thế giới 'khát' năng lượng
Giữa cơn khát năng lượng và mục tiêu đảm bảo nguồn cung khí đốt trong mùa đông tới, các quốc gia đang quay trở lại với than đá. Điều này khiến các quốc gia rơi vào thế khó khi mắc kẹt giữa nguồn cung khí đốt và mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
Sự trở lại của than đá
Tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên và dầu đang khiến các ông lớn quay trở lại với loại nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất thế giới. Từ Mỹ, châu Âu cho đến Trung Quốc, nhiều nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tăng cường mua than để đảm bảo cung cấp đủ điện trong mùa đông tới, bất chấp cam kết trước đó của nhiều quốc gia là giảm tiêu thụ than để chống biến đổi khí hậu.
Sự cạnh tranh toàn cầu về than, vốn đang bị thiếu hụt sau nhiều năm bị sụt giảm do nhiều năm qua không có sự đầu tư vào các mỏ đã đẩy giá than lên cao kỉ lục trong năm nay. Giá than giao ngay tại cảng Newcastle của Australia, nhà cung cấp chính cho châu Á, lần đầu tiên đạt mức 400 USD/tấn vào tháng trước.
Dẫn đầu là các quốc gia châu Âu, họ đang đẩy mạnh mua than để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho các hộ gia đình và nhà máy sau khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho lục địa này. Đức, quốc gia đã cam kết sẽ loại bỏ than đá như một nguồn năng lượng điện vào năm 2030 lại là quốc gia đang nhập khẩu than với số lượng lớn.
Ông Alex Msimang, Chuyên gia tại công ty luật Vinson & Elkins LLP chuyên nghiên cứu về lĩnh vực năng lượng cho biết: "Hiện tại tâm lý đang cho thấy nhiên liệu từ than đá sẽ tốt hơn khí đốt từ Nga."
Các khu vực tại Mỹ đang tăng cường sử dụng điện than, vì nhu cầu điện dâng cao trong bối cảnh nhiệt độ nóng bất thường đẩy lưới điện đứng trước nguy cơ mất điện vào mùa hè này.
Các chuyên gia năng lượng cho biết Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ than lớn nhất thế giới, đang mở rộng sản xuất nhiên liệu và sử dụng nó trong sản xuất điện.
Ấn Độ cũng đang phụ thuộc lớn vào than khi nhu cầu về năng lượng tăng lên. Ông Rahul Tongia, thành viên cấp cao tại Trung tâm Tiến bộ Kinh tế và Xã hội có trụ sở tại New Delhi, cho biết sản lượng điện than của quốc gia đã đạt kỷ lục vào tháng 4 vừa qua.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản xuất than trong nước ở Trung Quốc và Ấn Độ đã giúp thúc đẩy đầu tư toàn cầu tăng 10% vào năm 2021. IEA dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm 10% trong năm nay khi Trung Quốc và Ấn Độ cố gắng ngăn chặn tình trạng thiếu hụt.
Còn đối với các công ty khai thác than tại Anh và Thụy Sĩ, họ đang thu về nguồn tiền lớn. Glencore, một trong những công ty khai thác than lớn tại Thụy Sĩ vẫn còn dồi dào sản lượng, cho biết vào tháng trước rằng họ dự kiến lợi nhuận giao dịch là 3,2 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, so với 3,7 tỷ USD cho cả năm 2021.
Các nhà phân tích của Deutsche Bank AG đã viết: "Chúng tôi kỳ vọng giá than tăng sẽ khiến Glencore trở thành một trong những công ty thu hồi vốn từ cổ đông hàng đầu trên thị trường.
Thực tế việc sử dụng than đã giảm nhiều ở các nước phương Tây lớn trong thập kỉ vừa qua, thay vào đó là các dạng năng lượng xanh và sạch hơn. Khí đốt tự nhiên cũng trở nên dồi dào hơn nhờ sự bùng nổ trong khai thác mỏ của Mỹ và xuất khẩu của Nga sang châu Âu. Các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và năng lượng mặt trời cũng giành được nhiều thị phần hơn nhờ giá cả giảm và các khoản trợ cấp từ Chính phủ.
Tuy nhiên, nhu cầu than trên toàn cầu vẫn mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi nhu cầu năng lượng đang tăng nhanh ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, đang trên đà đạt mức cao kỷ lục trong năm nay theo dự báo của IEA.
Mục tiêu chống biến đổi khí hậu lung lay
Sự hồi sinh của than đá, với lượng phát thải lượng carbon dioxide ra môi trường gấp đôi tiếp tục đe dọa lên những nỗ lực quốc tế nhằm khống chế nhiệt độ trung bình trên toàn cầu tăng ở ngưỡng dưới 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và đạt mục tiêu tăng không quá mức 1,5 độ C nhằm thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.
Đó là mục tiêu mà hơn 190 quốc gia nhất trí theo đuổi nhằm tránh những hậu quả tiềm ẩn nguy hiểm nhất của sự nóng lên toàn cầu. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc cho rằng lượng khí thải tiếp tục tăng lên sẽ cần phải giảm mạnh vào cuối thập kỷ này để đạt được mục tiêu đó.
Các nhà dự báo khí hậu cho rằng họ đang lo ngại về việc gia tăng sử dụng than, nhưng coi đó là một hiện tượng chỉ diễn ra trong ngắn hạn ở phương Tây và lo ngại hơn rằng những xung đột ở Nga và Ukraine hiện nay đang thúc đẩy những khoản đầu tư khí đốt tự nhiên mới để hoạt động trong nhiều thập kỉ.
Ông Bill Hare, Giám đốc điều hành của Climate Analytics, tập đoàn phân tích năng lượng có trụ sở tại Berlin, cho biết: "Điều này có thể chấp nhận được nhưng không phải trong lâu dài".
Trong khi nhiều quốc gia đang chạy đua để khóa nguồn cung cấp than trong thời gian ngắn, họ không ký hợp đồng gia hạn mới với các công ty khai thác than, các luật sư và chuyên gia tư vấn trong ngành cho biết. Điều đó trái ngược với thị trường khí đốt tự nhiên, nơi một số quốc gia đã bắt đầu ký kết các thỏa thuận dài hạn với các đối tác ở Mỹ và Qatar về khí đốt tự nhiên hóa lỏng, hoặc LNG.
Tuy nhiên, những nỗ lực ngăn chặn các quốc gia phương Tây khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga sẽ làm căng thẳng nguồn cung toàn cầu trong tương lai gần. Vào tháng 4, Liên minh châu Âu đã đồng ý cấm nhập khẩu than của Nga. Theo Rystad Energy, trước khi can thiệp vào Ukraine, Nga là nhà cung cấp than nhiệt lớn nhất của châu Âu được sử dụng trong sản xuất điện và lệnh cấm đã ảnh hưởng đến khoảng 70% nguồn cung mà các nhà máy điện ở châu Âu yêu cầu.
Ngoài Đức, Ý, Pháp, Anh, Hà Lan, Áo cũng cho biết hiện nay họ đang chuẩn bị khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than, đẩy mạnh sản xuất hoặc duy trì hoạt động lâu hơn kế hoạch. Nhiều quốc gia cho biết họ đang cố gắng tích trữ khí đốt tự nhiên trước mùa đông, khi nhu cầu nhiên liệu sưởi ấm tăng cao.
Gerben Hieminga, Nhà kinh tế cao cấp trong lĩnh vực năng lượng của ngân hàng Hà Lan ING Groep, cho biết các quốc gia đang cắt giảm các kênh phân phối để thu được nhiều than hơn từ các nhà cung cấp lớn khác như Úc và Mỹ, nhưng điều đó sẽ cần thêm nhiều thời gian và tiền bạc.
Natalie Biggs, người đứng đầu phân tích thị trường than nhiệt cho biết, sản xuất than dễ mở rộng quy mô nhất là than với chất lượng thấp, kém hiệu quả và chỉ có thể đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu nhập khẩu than của châu Âu.
Sự cạnh tranh về than chất lượng cao đã làm méo mó thương mại toàn cầu đến mức một số than của Nga thường không mang tính kinh tế cao, đang được vận chuyển đến Ấn Độ qua các cảng Biển Baltic để bán mặc dù than của Nga đang được bán với giá giảm tương đối.
Các cơ quan giám sát khí hậu lo ngại châu Á có thể tiếp tục sử dụng và phụ thuộc vào than đá lâu hơn dự kiến trước đây. Theo các nhà theo dõi dữ liệu năng lượng, Trung Quốc, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, đã chiếm khoảng một nửa công suất điện than của thế giới, với các nhà máy chiếm gần một phần ba lượng than tiêu thụ toàn cầu.
Ông Ryna Cui, Giám đốc tại Trung tâm Bền vững Toàn cầu của Đại học Maryland, cho biết đất nước này vẫn đang xây dựng các nhà máy than mới với nguy cơ cung vượt cầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận