Thị trường pin tái chế 18,7 tỷ USD tiềm năng thu hút 'ông lớn' General Motors
Trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt và chi phí tăng cao, pin tái chế đang trở thành "viên kim cương" mà các nhà sản xuất xe điện và nhiều quốc gia quan tâm.
Nhà sản xuất ô tô General Motors (GM) mới đây đã hợp tác với Lithion Recycling, công ty tái chế pin của Canada, nhằm thiết lập một hệ sinh thái pin EV tái chế.
Động thái này cho thấy "ông lớn" GM đang dần tăng tốc trong cuộc đua loại bỏ các động cơ khí và hướng đến sử dụng năng lượng xanh.
Bên cạnh việc các dòng xe điện đang ngày càng được ưa chuộng toàn cầu, xây dựng các trạm sạc có thể hỗ trợ nhiều loại xe điện cũng là mối quan tâm của các nhà sản xuất.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 cùng với xung đột tại Ukraine đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến nguyên liệu thô được sử dụng cho pin khan hiếm hơn và đắt đỏ hơn.
Theo AquaMetals, khoảng 15 triệu tấn pin lithium-ion sẽ hết hạn sử dụng vào năm 2030, thời hạn mà hầu hết các nhà sản xuất ô tô đã đặt ra để loại bỏ dần các phương tiện sử dụng động cơ xăng.
Theo đó, nhà sản xuất GM đang thúc đẩy kiểm soát nguồn cung bằng cách tự xây dựng nhà máy và tái chế pin EV.
Ông Jeff Morrison, đại diện GM cho biết: "Hợp tác với Lithion sẽ giúp GM xây dựng một chuỗi cung ứng và chiến lược tái chế có thể phát triển bền vững, lâu dài".
"Trong công nghệ của Lithion, chúng tôi nhận thấy cơ hội phục chế và tái sử dụng nguyên liệu thô trong các bộ pin Ultium của mình, làm cho những chiếc xe điện mà chúng tôi sản xuất bền vững hơn và giúp giảm chi phí", ông Morrison nói thêm.
Với sự hỗ trợ của "ông lớn" GM, Lithion đặt mục tiêu đưa nhà máy vào vận hành năm 2023, với công suất 7.500 tấn pin lithium-ion mỗi năm. Ngoài ra, công ty này cũng dự kiến ra mắt một nhà máy luyện kim thủy lực đầu tiên vào năm 2025.
Redwood Materials, đối tác cung cấp pin của Ford, Volkswagen and Volvo, nhận định thị trường pin tái chế có thể đạt 18,7 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường