Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa vẫn neo mức cao
Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua có sự biến động tăng/giảm nhẹ ở một vài loại. Nhìn chung, giá lúa vẫn neo ở mức cao chưa từng có.
Trên thị trường xuất khẩu gạo, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giao dịch ngày 25/8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giữ vững vị trí cao nhất thế giới. Theo đó, giá gạo 5% tấm ở mức 638 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 623 USD/tấn.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức 628 USD/tấn; Pakistan là 598 USD/tấn.
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Cần Thơ, giá lúa tiếp tục duy trì ổn định ở một số giống như: IR 50404 là 8.200 đồng/kg, Jasmine là 7.600 đồng/kg; OM 4218 là 9.000 đồng/kg.
Tại Sóc Trăng, giá lúa Đài thơm 8 còn ở mức 8.500 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; các loại khác vẫn ổn định RVT là 7.400 đồng/kg; OM 5451 là 7.400 đồng/kg.
Trong khi đó, giá lúa ở Hậu Giang lại đi lên như: IR 50404 lên 8.500 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM 18 lên 8.800 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; RVT là 9.000 đồng/kg, cũng tăng 200 đồng/kg.
Giá lúa tại Tiền Giang có sự tăng/giảm tùy loại như: IR 50404 ở mức 7.600 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; OC10 giảm 100 đồng/kg còn mức 7.000 đồng/kg. Riêng lúa Jasmine ở mức 7.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Giá lúa tại Kiên Giang đi ngang ở nhiều loại như, IR 50404 ở mức 6.600 đồng/kg; OM 5451 mức 6.900 đồng/kg; Jasmine mức 7.100 đồng/kg.
Giá lúa ST tại Bến Tre ở mức 7.800 đồng/kg; OM 4900 ở Trà Vinh là 7.700 đồng/kg. Riêng lúa OM 6979 ở Đồng Tháp tăng 100 đồng/kg, lên mức 8.100 đồng/kg.
Còn tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá lúa Đài thơm 8 từ 7.800 - 8.000 đồng/kg; OM 5451 từ 7.750 - 8.000 đồng/kg; Nàng hoa 9 từ 7.800 - 8.200 đồng/kg; lúa OM 18 là từ 7.800 – 8.000 đồng/kg; riêng IR 50404 từ 7.7500 - 7.900 đồng/kg.
Vụ lúa Hè Thu được đánh giá là "được mùa, trúng giá", mang về lợi nhuận cho nông dân Kiên Giang khoảng 1,3 - 1,7 triệu đồng/công (1.000 m2), cao hơn so với vụ Hè Thu 2022 khoảng 500.000 đồng/công. Diện tích lúa Hè Thu còn lại của Kiên Giang sẽ thu hoạch trong cuối tháng 8, đầu tháng 9.
Còn tại Cần Thơ, mặc dù chưa bước vào thu hoạch nhưng hầu hết diện tích lúa Thu Đông của thành phố hiện nay đã được thương lái hoặc doanh nghiệp đặt cọc mua trước.
Hiện giá lúa tươi được thương lái và các doanh nghiệp đặt mua từ 7.500 đồng đến 8.000 đồng/kg, tùy từng loại giống, cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 1.700 đến 2.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay trong vụ lúa Thu Đông tại thành phố Cần Thơ.
Với giá lúa như trên, nông dân dự kiến mỗi ha sẽ đạt lợi nhuận trên dưới 25 triệu đồng, mức lợi nhuận cao nhất trong vụ lúa Thu Đông ở Cần Thơ.
Nông dân trong tỉnh Trà Vinh đang thu hoạch tập trung lúa Hè Thu và nhanh chóng cải tạo lại đồng ruộng để xuống giống vụ lúa Thu Đông. Việc nông dân Trà Vinh khẩn trương gieo sạ lúa Thu Đông là do giá lúa đang tăng cao trên thị trường hiện nay.
Với vụ này, ngành nông nghiệp Trà Vinh khuyến cáo nông dân cần tuyệt đối tuân thủ đúng khung lịch thời vụ, tập trung xuống giống sớm nhưng phải đồng loạt theo từng vùng, từng cánh đồng và xuống giống dứt điểm diện tích lúa Thu Đông vào cuối tháng 9/2023.
Trong khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giữ vững vị trí cao nhất thế giới thì thị trường gạo thế giới tiếp tục chịu cú sốc mới từ quyết định áp đặt mức thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu Chính phủ Ấn Độ. Mức thuế sẽ có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài đến ngày 16/10 tới.
Quyết định trên được Bộ Tài chính Ấn Độ thông báo tối 25/8 nhằm kiểm soát tình trạng giá tăng trong khi đảm bảo nguồn cung đủ cho thị trường trong nước. Với biện pháp mới này, Ấn Độ hiện đã áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với tất cả các loại gạo không phải là basmati, vốn chiếm 25% tổng xuất khẩu gạo của nước này.
Việc áp đặt thuế suất 20% đối với gạo đồ xuất khẩu có thể sẽ đẩy giá loại gạo này lên cao hơn nữa trên thị trường thế giới. Gạo đồ là loại gạo mà phần thóc được ngâm trong nước nóng rồi mới được gia công chế biến.
Với mức thuế mới nhất, gạo đồ Ấn Độ sẽ trở nên đắt đỏ tương tự gạo từ Thái Lan và Pakistan. Người mua hiện nay hầu như không có lựa chọn nào khác.
Hồi tháng 7/2023, chỉ số giá gạo của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc đã tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm. Diễn biến này là vì giá ở các nước xuất khẩu gạo chủ chốt tăng vọt do nhu cầu mạnh mẽ sau khi Ấn Độ áp đặt các hạn chế xuất khẩu.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản thuộc các hợp đồng kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ) diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch cuối tuần, với giá ngô và lúa mì giảm trong khi đậu tương đi lên.
Khép phiên này, giá ngô giao tháng 12/2023 giảm 0,25 xu Mỹ (tương đương 0,05%) xuống mức 4,88 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 12/2023 giảm 10 xu Mỹ (1,58%) xuống 6,2175 USD/bushel. Ngược lại, giá đậu tương giao tháng 11/2023 tăng nhẹ 16 xu Mỹ (1,17%) lên 13,8775 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giới quan sát cho hay giá lúa mì kỳ hạn giảm do đồng USD tăng giá. Mặt khác, thị trường nông sản Mỹ và toàn cầu vẫn duy trì các mức giá cao trong khi chờ đợi bản báo cáo khảo sát của Pro Farmer. Đây là báo cáo kỹ lưỡng nhất và được thị trường theo dõi sát sao về năng suất tiềm năng trong thời điểm quan trọng của mùa vụ.
Nguy cơ năng suất đậu tương trung bình trên toàn nước Mỹ giảm xuống bằng hoặc dưới ngưỡng 50 bushel/mẫu Anh (1 mẫu Anh = 0,4 ha) và năng suất ngô giảm xuống 170 - 173 bushel/mẫu Anh đang ngày càng lớn. Công ty nghiên cứu thị trường nông sản AgResource có trụ sở tại Chicago đang khuyến nghị nhà giao dịch nên mua khi có sự điều chỉnh về giá trong 10 ngày tới.
Thị trường cà phê thế giới cho thấy, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe - London kéo dài chuỗi hồi phục phiên thứ năm. Kỳ hạn tháng 11 tăng thêm 31 USD, lên 2.437 USD/tấn và kỳ hạn tháng 01/2024 tăng thêm 24 USD, lên 2.349 USD/tấn, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US - New York điều chỉnh giảm. Kỳ hạn tháng 12 giảm 1,15 cent, xuống 153,15 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2024 giảm 1 cent, còn 154,30 cent/lb, các mức giảm nhẹ (1 lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.
Giá cà phê Arabica giảm do nguồn cung dồi dào từ Brazil. Nước này đang thu hoạch vụ mùa mới của năm "được mùa" theo chu kỳ "hai năm một". Dự báo sản lượng cà phê của Brazil sẽ đạt gần 50 triệu bao và sức bán hàng vụ mới vẫn đang mạnh mẽ nhờ tỷ giá đồng Reais suy yếu trở lại.
Trong khi đó, giá cà phê Robusta tăng liên tiếp khi lượng dự trữ tại sàn ICE tiếp tục giảm sâu mà không ghi nhận sự bổ sung nào từ các nhà sản xuất chính. Điều này là do phía cung nhận thấy bán hàng trực tiếp không qua sàn sẽ giảm thiểu nhiều chi phí gián tiếp cho các bên, trong bối cảnh nguồn cung cà phê Robusta toàn cầu đang thiếu hụt.
Không để xảy ra tình trạng đầu cơ trục lợi
Trước những biến động khó lường của thị trường gạo thế giới, xác định “trong nguy có cơ”, ngành Công Thương Việt Nam cần phải nắm bắt kịp thời để phát triển thị trường, thu lại lợi nhuận cao nhất khi xuất khẩu gạo đồng thời cũng phải giám sát chặt không để xảy ra tình trạng đầu cơ, trục lợi mặt hàng gạo trong nước.
Theo đó, Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam triển khai kiểm tra thi hành pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo. Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại các địa phương theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, đầu cơ trục lợi, đẩy giá gạo trong nước lên cao.
Theo Chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long, giá cả các loại hàng hóa nói chung và gạo nói riêng phụ thuộc vào quan hệ cung - cầu. Vì vậy, hiện nay các thị trường lớn về xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ có những chủ trương lớn liên quan đến gạo như Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu gạo, Thái Lan khuyến cáo nông dân giảm diện tích trồng lúa do hạn hán... đã tác động trực tiếp đến giá gạo xuất khẩu trong thời gian gần đây. Giá gạo xuất khẩu tăng vọt, đồng thời, đẩy giá gạo trong nước của nhiều quốc gia tăng cao.
Theo đó, để đảm bảo Chỉ số giá tiêu dùng CPI không tăng quá cao, liên tục trong các buổi họp Tổ điều hành thị trường trong nước hàng tháng, Bộ Công Thương đã đề nghị các địa phương thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo cung cầu các mặt hàng thiết yếu, trong đó có nhóm mặt hàng lương thực thực phẩm. Đồng thời nghiêm túc triển khai chương trình bình ổn giá chứ không đợi đến thời điểm cuối năm hay dịp lễ tết.
Đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc giám sát chặt việc mua bán gạo, đặc biệt là công tác thu mua gạo tại các vựa lúa như đồng bằng Sông Cửu Long. Theo đó, cần đảm bảo lợi ích cho người nông dân, xử lý nghiêm các hiện tượng đầu cơ, trục lợi, bán gạo chất lượng kém, không có nguồn gốc xuất xứ cho người tiêu dùng trong nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường