Thị trường NFT tăng trưởng 'thần tốc' trong ngành công nghiệp blockchain
Tính đến cuối năm 2022, vốn hóa thị trường NFT là 1,12 tỷ USD.
Thông tin được ông Trần Minh Cảnh, Founder PolyNFT cho biết tại buổi lễ ra mắt nền tảng NFT Marketplace PolyNFT (Trung tâm thương mại tài sản số PolyNFT).
PolyNFT là một dự án khởi nghiệp blockchain Việt Nam, xây dựng nền tảng tất cả trong một ở lĩnh vực NFT. Nền tảng kết hợp của AI, đúc NFT, marketplace và tiếp thị liên kết được triển khai trên nhiều chuỗi blockchain.
Chia sẻ tại sự kiện, Founder Trần Minh Cảnh cho biết, hiện nay, thị trường NFT (Non-Fungible Tokens là một loại đơn vị dữ liệu trên blockchain không thể thay thế, đại diện cho một tài sản số độc nhất) đang trở thành một trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất trong ngành công nghiệp blockchain và tiền điện tử.
Thống kê từ Nansan cho thấy, vốn hóa thị trường NFT cuối 2022 là 1,12 tỷ USD, bằng 1% so với vốn hóa tổng thị trường crypto. Ở thời điểm hiện tại, việc ứng dụng NFT ngày càng được mở rộng và hứa hẹn cho sự phát triển của thị trường NFT. Các tác phẩm NFT như ảnh, video, âm nhạc, trò chơi, vật phẩm trong trò chơi và nhiều loại tài sản số khác có giá trị độc nhất và được xác định bởi sự độc đáo, không thể thay thế như các tài sản thông thường.
Vị Founder PolyNFT cho rằng, một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thị trường NFT là sự hỗ trợ từ các nhân vật nổi tiếng và các nghệ sĩ. Đơn cử như, tác phẩm NFT của nghệ sĩ Beeple đã được bán với giá hơn 69 triệu USD trong một phiên đấu giá của hãng Christie's. Ngoài ra, nhiều nghệ sĩ, nhân vật nổi tiếng và các doanh nghiệp lớn cũng đang tham gia vào thị trường NFT, tạo ra sức hút lớn đối với các nhà đầu tư và người yêu thích công nghệ.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Ngọc Ái Thy, Giảng viên Trường Đại học FPT TP.HCM đánh giá, trong thời đại kỹ thuật số phát triển như hiện nay, việc xuất hiện các dự án về blockchain sẽ giúp ích cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp trong ngành logistics.
Cụ thể là doanh nghiệp sẽ tối ưu hóa quy trình vận hành và giảm chi phí. Bởi, hiện nay, chi phí vận hành logistics tại Việt Nam chiếm 20% tổng GDP. Với một tỷ lệ cao như vậy, có thể thấy, quy trình quản lý vận hành của logistics thiếu hiệu quả. Nguyên nhân là do sự quản lý, đồng bộ thông tin không hiệu quả. Do đó, công nghệ blockchain có thể giúp các doanh nghiệp quản lý thông tin hiệu quả, ít phụ thuộc vào các bên trung gian.
Còn TS. Đặng Thanh Tuấn, Trưởng bộ môn Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng trường Đại học quốc tế Hồng Bàng nhìn nhận, một số nước trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á cũng đang ứng dụng rất nhiều sàn giao dịch số. Tại Việt Nam, đã có một số startup lựa chọn khởi nghiệp với blockchain. Tuy nhiên, cần phải có thêm nhiều hơn những chương trình thực tiễn để người dùng hiểu rõ hơn về việc giao dịch điện tử.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường