Thị trường mua bán - sáp nhập (M&A): Khi tin đồn tạo kỳ vọng hơn là nỗi sợ
Thị trường M&A ở Việt Nam gần đây được phen hứng khởi khi nhiều tin đồn được tung ra.
Dù diễn biến của nhiều thương vụ vẫn là ẩn số, nhưng ít nhiều đánh tiếng về sự hấp dẫn luôn ngầm chảy ở thị trường này cho giới đầu tư.
Dồn dập tin đồn
Tin Vingroup đàm phán bán Vinschool và Vinmec cho đối tác nước ngoài với giá khoảng 1,5 tỷ USD vào tuần trước, do Hãng tin Reuters đưa ra, khiến cho bao người thót tim. Bởi lẽ, tin đồn Vingroup bán Vinschool đã có từ mấy năm nay, giờ xuất hiện trên Reuters thì hẳn là chính xác. Uy tín của hãng thông tấn hàng đầu thế giới coi như là sự kiểm chứng.
Nhưng ngay lập tức, Vingroup chính thức bác bỏ tin trên, đi kèm thông điệp khẳng định không có kế hoạch bán cổ phần Vinmec và Vinschool. Vingroup đang cân nhắc thị trường trái phiếu quốc tế.
“Vinmec và Vinschool có ý nghĩa quan trọng trong hệ sinh thái của Vingroup và chúng tôi vẫn cam kết phát triển hệ thống này trở nên tốt đẹp, toàn diện hơn”, Vingroup nhấn mạnh trong thông tin chính thức gửi qua truyền thông.
Với Vinmec, Vingroup cho biết vẫn liên tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác uy tín trong và ngoài nước để phát triển và nâng tầm Vinmec lên tầm đẳng cấp quốc tế.
Trong khi đó, với Vinschool, Vingroup khẳng định không có kế hoạch mở rộng quốc tế, nên không có kế hoạch hợp tác nào.
Hệ thống Vinschool hiện có 32 cơ sở trên cả nước, với khoảng 27.000 học sinh. Trong khi đó, Vinmec đang có 8 bệnh viện, sở hữu nhiều phòng khám, viện nghiên cứu.
Thực tế, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid -19, nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ chao đảo, thì việc Vingroup gặp khó, phải cân nhắc đến M&A là bình thường.
Hơn nữa, nhiều người thót tim là có cơ sở. Bởi 4 năm trước, vào một ngày đẹp trời, tin chuỗi bán lẻ 7-Eleven sẽ thâu tóm chuỗi cửa hàng Vinmart+ rộ lên cùng kế hoạch sẽ thâm nhập thị trường Việt Nam của thương hiệu đến từ Nhật Bản này. Khi đó, tin thâu tóm Vinmart+ là một phần trong kế hoạch mở 10.000 cửa hàng tại Việt Nam trong vòng 10 năm của 7-Eleven.
Sau đó, ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Vingroup đã khẳng định với truyền thông trong nước và nước ngoài rằng, đó là tin vô căn cứ. Ông cũng khẳng định không bao giờ bán thương hiệu Việt, chuỗi Vinmart+ cho doanh nghiệp nước ngoài. Thời điểm đó, chuỗi bán lẻ này được cho là đang phát triển tốt, với mục tiêu trở thành ngành kinh doanh mũi nhọn thứ hai của Tập đoàn.
Tuy nhiên, cuối năm 2019, Vingroup đã nhượng lại chuỗi bán lẻ Vinmart, Vinmart+ cho Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan. Tất nhiên, Masan là một doanh nghiệp Việt.
Nói về tin đồn, gần đây, giới truyền thông thế giới cũng tung tin chuỗi khách sạn Accor sẽ tiến hành thương vụ với InterContinental. Thương vụ thành công sẽ tạo ra tập đoàn điều hành khách sạn lớn nhất thế giới với giá trị vốn hoá khoảng 17 tỷ USD.
Dù chưa liên hệ với InterContinental để ngỏ ý đàm phán, nhưng ông Sebastien Bazin, Chủ tịch và CEO của Accor đã lập một ủy ban nội bộ để nghiên cứu việc này trong tháng 6/2020. Diễn biến của thương vụ này vẫn là ẩn số. Thậm chí, giới phân tích không loại trừ khả năng tin này… là tin đồn cố ý nhằm lấy lại giá trị của cổ phiếu.
Đây cũng được cho là lý do của nhiều tin đồn trên thị trường M&A. Nhưng tất nhiên, mọi tin đồn đều là… đồn đoán cho đến khi có tin chính thức.
Thời gian qua, có khá nhiều lời đồn về một doanh nghiệp lớn thâu tóm Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITACO) và mua cổ phiếu Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (SacomBank), Savico thâu tóm HBC, Vingroup thâu tóm Xây dựng Hòa Bình; Masan mua Nhà Thủ Đức để nắm quyền khai thác chợ đầu mối, HPG mua mảng chăn nuôi của Dabaco…
Còn nhiều tin đồn liên quan đến thương vụ của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, như Grab mua lại Gojek…
Sóng ngầm dù vẫn chảy…
Cho dù thế nào, tin đồn liên quan đến Vinschool và Vinmec cũng như nhiều thương hiệu khác đang hâm nóng thị trường M&A Việt Nam. Thực tế cho thấy, sóng ngầm trong thị trường này vẫn chảy và cũng lý giải tại sao Việt Nam vẫn được coi là điểm sáng về M&A trong vực châu Á –Thái Bình Dương.
Trong báo cáo tóm tắt xu hướng M&A của Mergermarket mới công bố, trong nửa đầu năm nay, Việt Nam đứng thứ hai ở Đông Nam Á về giá trị giao dịch M&A, với tổng giá trị giao dịch là 872 triệu USD. Trong số này, phần lớn được thúc đẩy bởi khoản đầu tư từ Quỹ Kohlberg Kravis Roberts (KKR) vào Vinhomes, với giá trị 651 triệu USD.
Hoạt động M&A ở khu vực Đông Nam Á đã chậm lại trong nửa đầu năm 2020, mặc dù đã ghi nhận giá trị thỏa thuận quý I/2020 cao nhất trong lịch sử thống kê của Công ty này (kể từ năm 2001). Nguyên nhân là đại dịch Covid -19 đã làm chững lại các giao dịch dự kiến nổ ra trong quý II/2020, khi một số quốc gia thực hiện phong tỏa để kiểm soát Covid - 19. Trong 2 tháng 4 và 5/2020, cả khu vực có 63 giao dịch, nhưng chỉ đạt 3,8 tỷ USD giá trị.
Dược phẩm, y tế và công nghệ sinh học là những ngành đứng đầu danh sách giao dịch ra nước ngoài của các quốc gia hiện nay. Tiếp theo là ngành bất động sản, chủ yếu bất động sản nghỉ dưỡng. Trong đó, vai trò dẫn dắt thuộc về các nhà đầu tư vốn tư nhân (private equity-PE). Bắt đầu tăng trong quý II/2020, dòng vốn từ PE tăng lên đến 1,3 tỷ USD từ 67 triệu USD trong quý I...
Tuy nhiên, nhà đầu tư tư nhân có vẻ đang chọn cách tiếp cận chờ đợi và chờ đợi khi triển vọng kinh doanh trong tương lai chưa chắc chắn. Nhiều công ty cũng muốn giữ tiền mặt cao hơn trên bảng cân đối kế toán. Vì vậy, việc cụ thể hóa một số thỏa thuận đang đàm phán rất có thể sẽ bị trì hoãn.
Mergermarket đã dự báo, giao dịch M&A trong nửa cuối năm nay có thể vẫn giảm. Mặc dù vậy, các công ty ở Việt Nam và Indonesia đang là mục tiêu ưa thích hàng đầu của các tập đoàn lớn trên toàn cầu.
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy xu hướng này. Bốn tháng đầu năm, số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng gần 34%, đạt hơn 3.200 lượt. Đây là con số rất lớn trong bối cảnh dịch bệnh khiến phần lớn các hoạt động kinh tế chững lại.
Nhưng đến tháng 8/2020, số lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần là 4.804, giảm 8,2% so với cùng kỳ...
… nhưng cần cẩn trọng
“Hậu Covid -19, Trung Quốc sẽ mua cả… thế giới" là điều mà giới chuyên gia M&A toàn cầu nhắc đến vào lúc này. Giới phân tích cho rằng, tin này có thể xuất phát từ… chính các doanh nghiệp Trung Quốc, để đối phó tình trạng chuỗi cung ứng toàn cầu rục rịch rời đi.
Thực ra, nếu không có Covid-19, các doanh nghiệp của Mỹ và châu Âu có thể đã tiến hành xây dựng chuỗi cung ứng tại khu vực của mình nhanh hơn, do những tác động khó lường từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mà đến giờ vẫn căng thẳng.
Đương nhiên, doanh nghiệp Trung Quốc không thể khoanh tay đứng nhìn vị trí bị mai một. Họ mạnh tay vung tiền, khởi động các thương vụ M&A với các doanh nghiệp nước ngoài. Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, số thương vụ M&A thành công của các nhà đầu tư Trung Quốc đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, đạt con số 57 thương vụ, với giá trị khoảng 10 tỷ USD. Ngoài ra, còn có 145 thương vụ khác được công bố, nhưng chưa hoàn tất.
Theo Bloomberg, nhiều doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc, thậm chí có cả công ty thành viên của một số tập đoàn nhà nước, đã mở cuộc săn lùng các công ty gặp khó trong đại dịch hay các tài sản giá rẻ ở khắp nơi trên thế giới.
Không chỉ nhắm tới mua lại các công ty công nghệ, thương mại điện tử và nghiên cứu kỹ thuật cao, doanh nghiệp Trung Quốc còn săn các công ty trong lĩnh vực ngân hàng, khách sạn, năng lượng hay trang sức.
Nhận thấy tình hình đó, các quốc gia trên thế giới nhanh chóng dựng lên rào cản.
EU tìm cách hoàn tất kế hoạch tham gia góp vốn cho các doanh nghiệp chủ chốt của khối, nhằm tránh nguy cơ bị nước ngoài thâu tóm.
Ấn Độ đã sửa đổi quy định về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhằm ngăn chặn các vụ thâu tóm hoặc mua lại công ty Ấn Độ vốn đang suy yếu nghiêm trọng vì dịch bệnh. Tất cả hoạt động đầu tư từ các quốc gia láng giềng, có chung đường biên giới trên bộ với Ấn Độ sẽ phải được chính quyền New Delhi phê chuẩn.
Nhật Bản vừa công bố danh sách 518 công ty thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp cốt lõi, như sản xuất vũ khí, máy bay, không gian vũ trụ, điện nguyên tử, an ninh mạng, điện khí, gas… Các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần trên 1% đối với các công ty cốt lõi này phải thông báo trước, để cơ quan quản lý kinh tế Nhật Bản xem xét. Danh sách công ty bị hạn chế đầu tư từ nước ngoài này được dự báo sẽ còn mở rộng.
Với Việt Nam, nhiều chuyên gia ủng hộ quan điểm không nên hạn chế M&A, nhưng họ cũng cho rằng, đây là thời điểm cần có chính sách khuyến khích nhà đầu tư trong nước mua lại các dự án chủ chốt của doanh nghiệp trong nước, để bảo vệ một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
Đặc biệt, cần có sự giám sát chặt chẽ quá trình mua cổ phần, góp vốn của nhà đầu tư ngoại vào các lĩnh vực ngân hàng, dầu khí, hàng không, năng lượng… Các chuyên gia cũng cho rằng, cần lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài theo các yếu tố công nghệ, năng lực tài chính, khả năng đóng góp vào phát triển kinh tế nội địa…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận