Thị trường IPO bùng nổ ở Hồng Kông sau động thái thắt chặt của Trung Quốc
Việc Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp giám sát chặt chẽ đối với hoạt động niêm yết ở nước ngoài cũng như các sàn giao dịch trong nước đang khiến các công ty cân nhắc việc niêm yết cổ phiếu tại trung tâm tài chính châu Á, nâng cao triển vọng của thị trường chứng khoán Hồng Kông.
Công ty hậu cần và giao hàng Lalamove là công ty mới nhất đang cân nhắc chuyển kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Mỹ sang Hồng Kông (Trung Quốc) sau động thái Bắc Kinh thắt chặt giám sát an ninh mạng có thể ngăn các công ty khởi nghiệp thực hiện các đợt IPO ra nước ngoài.
David Chin, người đứng đầu bộ phận ngân hàng đầu tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại UBS cho biết: “Phần lớn hoạt động niêm yết ra ngoài Trung Quốc đại lục vẫn đang diễn ra ở đặc khu Hồng Kông, đang có thêm nhiều danh sách niêm yết mới tại đây”.
Triển vọng này đã giúp Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông trở thành sàn giao dịch hoạt động hàng đầu thế giới trong tháng 7.
“Không chỉ có những công ty Trung Quốc đại lục muốn IPO để huy động vốn, sự linh hoạt về tài chính của Hồng Kông và sự sẵn có của nguồn vốn nước ngoài cũng đang thu hút nhiều công ty niêm yết cổ phiếu hạng A tìm cách niêm yết chéo ở sàn chứng khoán Hồng Kông”, Tucker Highfield, đồng Giám đốc thị trường vốn cổ phần châu Á - Thái Bình Dương tại Bank of America cho biết.
Tập đoàn Du lịch Trung Quốc Duty Free Corp. đang lên kế hoạch niêm yết chéo tại Hồng Kông có thể huy động được ít nhất 5 tỷ USD. Nhà sản xuất mỹ phẩm thương mại tại Thâm Quyến Yunnan Botanee Bio-Technology Group và nhà sản xuất sản phẩm y sinh Imeik Technology Development cũng đang tìm cách bán cổ phần tại Hồng Kông.
“Việc thực hiện giao dịch nộp rút tiền và thực hiện trái phiếu chuyển đổi ở Hồng Kông khá linh hoạt so với các yêu cầu trên thị trường cổ phiếu hạng A”, Tucker Highfield cho biết.
Bên cạnh đó, các thủ tục niêm yết tương đối hợp lý của Hồng Kông là một yếu tố hấp dẫn khác. Ở Trung Quốc, công ty có thể mất một tháng để giành được sự chấp thuận của cơ quan quản lý, định giá thỏa thuận và cuối cùng là niêm yết.
Áp lực từ Trung Quốc đại lục
Các động thái của các cơ quan quản lý Trung Quốc trong hai tuần qua cũng đang có lợi cho đặc khu hành chính Hồng Kông.
Ngay cả sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh vào tháng 12/2020 để huỷ niêm yết các công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch của Mỹ trong một cuộc tranh chấp về các quy tắc kế toán, các công ty Trung Quốc vẫn cố gắng huy động gần 13 tỷ USD thông qua IPO ở Mỹ trong năm nay, mới đây nhất là thương vụ IPO trị giá 4,4 tỷ USD của Didi Global.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Trung Quốc mở cuộc điều tra an ninh mạng đối với công ty dịch vụ gọi xe này, đồng thời đề xuất quyền chặn các công ty Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài, ngay cả khi đơn vị bán cổ phiếu được thành lập bên ngoài Trung Quốc.
Đây là điều làm cho việc niêm yết tại Hồng Kông trở nên hấp dẫn hơn vì cung cấp một giải pháp thay thế an toàn hơn, trong khi vẫn ở "nước ngoài" về mặt kỹ thuật.
Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy, các công ty đã huy động được 32 tỷ USD thông qua niêm yết tại Hồng Kông vào năm 2021, gần gấp đôi tổng số của năm ngoái vào thời điểm này trong năm và là kỷ lục trong giai đoạn này.
Sharnie Wong, một nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence cho biết, ngay cả khi các quy định của Trung Quốc có khả năng thu hút nhiều công ty niêm yết tại Hồng Kông hơn, các quy tắc niêm yết của Hồng Kông đang ngày càng chặt chẽ hơn, trong khi các yêu cầu niêm yết lại được nới lỏng hơn ở Mỹ.
Vào tháng 5/2021, Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông đã tăng cường các yêu cầu về lợi nhuận để có thể niêm yết bắt đầu từ năm 2022. Các quy định trong đó bao gồm các công ty phải có tổng lợi nhuận tối thiểu là 80 triệu đô la Hồng Kông (10 triệu USD) trong ba năm tài chính gần đây nhất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận