24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bích Lê
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thị trường chứng khoán năm 2024 sẽ chịu tác động bởi những yếu tố nào?

Chiến lược ở giai đoạn đoạn hiện tại là ưu tiên nắm giữ cổ phiếu và tập trung vào nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và câu chuyện riêng.

Theo ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng phòng phân tích chiến lược, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam 2024 chịu tác động mạnh mẽ của cả yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Khi nền kinh tế có sự phục hồi sẽ hỗ trợ cho sự tăng trưởng trong dài hạn của thị trường chứng khoán.

PV: Có nhiều kỳ vọng năm 2024 sẽ là năm khởi đầu cho một chu kỳ tăng dài hạn của thị trường chứng khoán. Xin ông cho biết, năm 2024 thị trường chứng khoán sẽ chịu tác động bởi những yếu tố nào?

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Quan điểm của tôi cho rằng, thị trường nhiều khả năng đã bước vào một xu hướng tăng trưởng trong dài hạn từ đáy tháng 11/2022. Giai đoạn điều chỉnh từ tháng 9 đến tháng 11/2023 chỉ là nhịp điều chỉnh kỹ thuật trong một giai đoạn phục hồi lớn hơn.

Xu hướng phục hồi dài hạn này được hỗ trợ bởi sự phục hồi của nền kinh tế, theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã tạo đáy từ quý I/2023 và liên tục tăng trưởng trở lại trong các quý sau, từ mức tăng trưởng 3,32 trong quý I lên mức 6,72% trong quý IV/2023. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong giai đoạn tới. Khi nền kinh tế có sự phục hồi, sẽ hỗ cho sự tăng trưởng trong dài hạn của thị trường chứng khoán.

Việc tăng cường đầu tư công cũng là một điểm nhấn quan trọng ở giai đoạn hiện tại. Sự cải thiện trong cơ sở hạ tầng sẽ hỗ trợ tốt cho sự phát triển của nền kinh tế.

Sự quay lại của dòng vốn FDI trong giai đoạn qua cũng là một ngoại lực không nhỏ cho sự tăng trưởng của nền kinh tế. Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến giảm lãi suất trong quý II/2024. Trong suốt giai đoạn vừa qua khi FED giữ quan điểm tăng lãi suất để chống lạm phát đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ở thời điểm này, FED đang bớt diều hâu hơn trong chính sách lãi suất và dự kiến sẽ giảm lãi suất trong giai đoạn tới. Khi FED giảm lãi suất có thể tác động tích cực lên kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam.

PV: Giai đoạn vừa qua hầu hết các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh năm 2023, cũng như kế hoạch kinh doanh trong năm 2024. Điều này sẽ tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán?

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Nền kinh tế đã trải qua giai đoạn khó khăn và tình hình đã được cải thiện dần, nên kết quả kinh doanh quý IV/2024 của nhiều doanh nghiệp khả quan. Đây sẽ là một tín hiệu tốt với thị trường.

Các doanh nghiệp có thể đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng trong năm 2024 dựa trên những thách thức trong năm 2023. Tuy nhiên, điều này sẽ không tác động nhiều đến tâm lý của nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư có thể tập trung nhiều vào triển vọng của doanh nghiệp hơn là nhìn vào kế hoạch kinh doanh do doanh nghiệp đặt ra.

Theo dự báo của KIS thì nền kinh tế có thể tăng trưởng 7,2% trong năm 2024. Khi nền kinh tế phục hồi thì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có thể tăng trưởng tốt. Với mức tăng trưởng GDP như dự báo này chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ vượt kế hoạch đề ra. Do đó, thị trường sẽ biến động dựa trên triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp nhiều hơn là dựa trên kế hoạch kinh doanh thận trọng do doanh nghiệp đặt ra.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, dư địa cắt giảm lãi suất ngân hàng vẫn còn, tạo mặt bằng lãi suất thấp và ổn định cũng là một yếu tố hỗ trợ tích cực cho dòng tiền trên thị trường chứng khoán năm mới. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Hiện dư địa để cắt giảm lãi suất vẫn còn, tuy nhiên câu chuyện ở đây là tại sao phải cắt giảm lãi suất. Nhìn vào năm 2023, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy một số vấn đề của nền kinh tế.

Thứ nhất, mặt bằng lãi suất trong năm 2023 thấp hơn 2022. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng bị chậm lại khá nhiều. Tín dụng chỉ tăng trưởng mạnh vào tháng 12 có thể do yếu tố mùa vụ và nghiệp vụ từ các ngân hàng. Nên tổng thể, việc cho vay vẫn đang gặp khó khăn. Vấn đề hiện tại không nằm ở chỗ giảm lãi suất, mà nằm ở các giải pháp để khơi thông dòng vốn này từ ngân hàng đến doanh nghiệp. Nên việc giảm lãi suất ở thời điểm này là chưa thật sự cần thiết.

Thứ hai, việc giảm lãi suất có thể tạo ra dòng tiền với chi phí thấp. Tuy nhiên, dòng vốn này chỉ chảy vào thị trường chứng khoán trong ngắn hạn, còn trong dài hạn dòng vốn này vẫn sẽ phải chảy vào lĩnh vực sản xuất.

Nhìn lại giai đoạn 2007 - 2010 chúng ta sẽ thấy câu chuyện tương tự. Khi khủng hoảng diễn ra trong năm 2007 - 2008, nền kinh tế gặp vấn đề và thị trường có sự điều chỉnh mạnh. Khi đó, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế trong đó có việc giữ lãi suất ở mức thấp.

Dòng vốn với chi phí thấp giai đoạn đầu giúp thị trường tăng trưởng mạnh trong năm 2009. Nhưng sau đó, thị trường vẫn đi ngang trong giai đoạn còn lại khi nền kinh tế vẫn đang gặp khó khăn. Vì thế, dòng vốn với chi phí thấp có thể hỗ trợ thị trường trong giai đoạn đầu nhưng để tăng trưởng thì cần các yếu tố vĩ mô hỗ trợ.

Thứ ba, với mức lãi suất thấp của Việt Nam và chính sách tăng lãi suất để chống lạm phát của FED tạo ra mức chênh lệch lãi suất lớn. Điều này dẫn đến việc chênh lệch lãi suất và ảnh hưởng đến tỷ giá trong thời gian qua. Tuy FED đã bớt diều hâu hơn với chính sách tăng lãi suất và có thể giảm lãi suất trong thời gian tới, nhưng mức chênh lệch này vẫn còn, vì thế, việc giảm lãi suất có thể ảnh hưởng đến tình trạng này.

PV: Ông dự báo như thế nào về diễn biến của thị trường trong năm 2024? Nhà đầu tư nên chọn chiến lược giao dịch như thế nào và những nhóm ngành đáng chú ý?

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Hiện nền kinh tế đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi từ quý I/2023, nên xu hướng tăng của thị trường chứng khoán cũng được xác nhận. Vì thế, chiến lược ở giai đoạn đoạn hiện tại là ưu tiên nắm giữ cổ phiếu và tập trung vào nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và câu chuyện riêng.

Một số nhóm ngành cần quan sát trong giai đoạn này là nhóm bất động sản khu công nghiệp. Hiện dòng vốn FDI đang chảy vào Việt Nam khi FDI giải ngân và đăng ký để ở mức cao. Khi các doanh nghiệp này vào Việt Nam thì nhu cầu sử dụng đất đặt nhà xưởng sẽ gia tăng, khi đó nhóm này sẽ được hưởng lợi khá nhiều.

Nhóm đầu tư công: Hiện chính phủ đang tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng với các dự án lớn như sân bay Long Thành, Đường cao tốc Bắc Nam… Bên cạnh đó, ngân sách đầu tư công trong năm này cũng ở mức cao. Vì thế, nhóm này có thể sẽ được hưởng lợi khá nhiều.

Nhóm cảng biển và vận tải biển: Dự kiến trong giai đoạn tới FED có thể giảm lãi suất, khi đó nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường như Mỹ và châu Âu có thể phục hồi. Nhu cầu sử dụng các dịch vụ xuất khẩu hàng hóa sẽ gia tăng và ngành cảng biển và vận tải biển có thể thu hút dòng tiền.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
1,228.10 -0.23 (-0.02%)
1,286.07 -0.60 (-0.05%)
221.29 -0.47 (-0.21%)
91.70 +0.20 (+0.22%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả