Thị trường chứng khoán đang định giá rẻ hơn 95% thời gian của 5 năm qua
Các chuyên gia đánh giá P/E của thị trường hiện tại đang duy trì quanh 11,5 cho đến 12. Nếu xét trong 5 năm trở lại đây thì chỉ có chưa đến 5% thời gian thị trường nằm ở vùng định giá rẻ như vậy.
Trong khi tâm lý nhà đầu tư trong nước tỏ ra bi quan, nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mua ròng sau 2 năm bán ròng. Tuy giá trị mua ròng không qua lớn, khoảng 4.000 tỷ đồng từ đầu năm đến nay nhưng dữ liệu từ Bloomberg cho thấy Việt Nam đang là thị trường chứng khoán hiếm hoi trong khu vực châu Á được khối ngoại mua ròng từ đầu năm đến nay.
Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết đã đề xuất lên Bộ Tài chính các giải pháp trước mắt nhằm ổn định thị trường, đã được đồng ý về mặt chủ chương và yêu cầu triển khai kịp thời. Trước các động thái trên cùng với những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế, các thành viên trên thị trường kỳ vọng thị trường sẽ ổn định trở lại.
Tại chương trình Talkshow Phố Tài chính ngày 16/5, ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Chứng khoán Smart Invest (AAS) cho biết khi tỷ lệ lạm phát lên cao, các nước phát triển chọn giải pháp thắt chặt cung tiền bằng việc tăng lãi suất. Đối với các nước đang phát triển, có sự lo ngại lạm phát từ các nước phát triển có thể lan sang. Tuy nhiên, có một sự khách biệt rằng Việt Nam dường như là công xưởng sản xuất trên thế giới chính nên giá cả hàng hóa thiết yếu tại đây không tăng. Việt Nam được cho là kiểm soát lạm phát tốt, việc điều hành chính sách tiền tệ trong suốt giai đoạn vừa qua ổn định. Sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam so với các nước khác trên thế giới sẽ tạo tiền đề kích thích những dòng vốn đầu tư gián tiếp. Hơn thế nữa, giai đoạn giảm mạnh thời gian qua dẫn đến định giá của chứng khoán Việt Nam trở nên hấp dẫn, Chỉ số P/E đang duy trì quanh mức 11,5 – 12 - mức hấp dẫn đối với nhà đầu tư trung và dài hạn.
Ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc Quản lý quỹ SGI (SGI Capital) đánh giá việc khối ngoại quay trở lại mua ròng là đáng chú ý trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đặc biệt là Fed tiến hành thắt chặt tiền tệ. Thông thường, dòng tiền sẽ rút ra khỏi các kênh tài sản rủi ro và các thị trường mới nổi hay cận biên. Tuy nhiên, điều này lại không xảy ra với thị trường Việt Nam vì vị thế khá khác biệt với phần còn lại của thế giới. Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi trễ hơn so với đa số các thị trường lớn khác, trong khi có chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế và chưa đến giai đoạn thắt chặt trở lại. Khi thị trường hiện tại đã giảm từ 10–20% đã giúp có các cơ hội đầu tư mới xuất hiện, chính điều này đã hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài dài hạn.
Tuy nhiên, khi nhìn vào bối cảnh dòng vốn toàn cầu, ông Phúc cho rằng không nên kỳ vọng quá nhiều rằng dòng vốn vào Việt Nam sẽ mạnh mẽ. Khi dòng vốn rút ra khỏi các thị trường mới nổi cũng sẽ rút ra khỏi Việt Nam. Sự khác biệt là chỉ nên kỳ vọng áp lực này sẽ nhẹ nhàng hơn.
Theo quan điểm của ông Tuấn, nền kinh tế của Việt Nam duy trì ổn định và tăng trưởng tốt sau dịch sẽ giúp dòng vốn đầu tư ở lại, tăng trưởng, đặc biệt là dòng vốn đầu tư trực tiếp. Trong 4 tháng vừa qua, tổng vốn đầu tư trực tiếp thực tế giải ngân chiếm hơn 5 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Điều chính chứng tỏ việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang được duy trì ở mức tốt.
Trái ngược với khối ngoại, nhà đầu tư trong nước vẫn tỏ ra e dè với thị trường. Theo ông Phúc, yếu tố chi phối trong 2 năm vừa qua của nhà đầu tư “F0” đang dần đi đến giai đoạn kết thúc và thị trường có thể bước vào chu kỳ mới. Thay vào đó, sự chi phối của nhà đầu tư dài hạn, vai trò của nhà đầu tư tổ chức hay nước ngoài sẽ quay trở lại.
Cơ cấu vốn của khối ngoại vào thị trường Việt Nam chia thành 2 cấu phần. Thứ nhất là vốn của các thị trường phát triển là châu Âu và Mỹ. Thứ hai là dòng vốn vào thị trường Việt Nam trong vòng 3 năm trở lại đây là từ các thị trường Đông Á như Hàn Quốc, Thái Lan… Dòng vốn từ châu Á quan tâm đến Việt Nam với kỳ vọng lặp lại lịch sử của chính các nước này.
Ông Tuấn cho biết trong 2 năm trở lại đây, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Đối với các quỹ đầu tư nước ngoài luôn có nguyên tắc trong việc giải ngân. Nếu là thị trường cận biên thì tỷ lệ phân bổ vốn sẽ ở mức nhất định nên việc phân bổ vốn của khối ngoại với thị trường Việt Nam sẽ tương đối nhỏ và tác động không còn cao. Trong giai đoạn sụt giảm, nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua vào tại những phiên giảm điểm cũng sẽ hỗ trợ tâm lý cho nhà đầu tư trong nước. Hiện nhà đầu tư cá nhân chiếm trọng số lớn nên tâm lý bất ổn. Khi niềm tin lên cao, nhà đầu tư cá nhân sẽ đổ tiền vào thị trường nhưng khi sợ hãi sẽ bán ra quyết liệt không cần quan tâm đến tốt xấu hay yếu tố cơ bản. Chính vì vậy, việc nhà đầu tư nước ngoài mua ròng thời gian này sẽ làm giảm tâm lý tiêu cực tới thị trường.
Theo ông Phúc, nếu nhìn một năm, định giá P/E khoảng 12 lần tính đến cuối năm thì tăng trưởng lợi nhuận thông thường không dưới 30%. Nhà đầu tư nên làm được hai điều tối thiểu đó là không nên quá lạc quan, “FOMO” để mua vào nhiều đặc biệt bằng tiền vay ở vùng nóng và định giá cao. Ngược lại, nhà đầu tư cũng tránh hoảng loạn và bán tháo ở vùng định giá cổ phiếu rẻ như hiện tại.
Theo thống kê của ông Phúc, trong 5 năm trở lại đây chỉ có 5% thời gian thị trường chứng khoán Việt Nam nằm ở vùng định giá rẻ như hiện tại. Như vậy, thị trường đang có lợi thế hơn 95% còn lại. Hiện tại, nhà đầu tư bán ra đều có tâm lý cho rằng phiên sau sẽ mua được rẻ hơn nhưng nhà đầu tư cần chấp nhận tài khoản giảm ở một số giai đoạn đặc biệt như hiện nay sau đó mới có thể gặt hái được thành quả ở các giai đoạn thị trường bình thường hóa trở lại và tăng trưởng dài hạn.
Theo quan điểm của ông Tuấn, trong thị trường giảm điểm không thể thắng lợi khi đầu cơ. Đối với nhà đầu tư hiện tại không thể giữ được tâm lý đầu cơ như giai đoạn trước và không được sử dụng tiền vay trong thời điểm thị trường “con gấu”. Việc lựa chọn những cổ phiếu tăng trưởng, có hoạt động tốt, ở mức định giá hợp lý và yếu tố cơ bản cần được đặt lên hàng đầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận