Thê thảm nhóm cổ phiếu họ 'Gia Lai'
Thị trường chứng khoán chịu áp lực bán sớm ngay đầu phiên 22/7. VN-Index có thời gian giảm gần 10 điểm về dưới mốc 1.255. Lực cầu nhập cuộc vùng hỗ trợ mạnh 1.250 điểm giúp chỉ số đảo chiều về sát tham chiếu ngay sau đó. Tuy nhiên, may mắn không đồng hành với bộ đôi cổ phiếu họ "Gia Lai" là QCG và DLG.
Cụ thể, cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai (sàn HoSE) tiếp tục giảm sàn về mức 8.440 đồng/cp (vùng đáy một năm); khớp lệnh tạm tính lúc 10h23' đạt gần 20.000 đơn vị, dư bán sàn hơn 6,4 triệu cổ phiếu.
Đây đã là phiên giảm mạnh thứ 7 liên tiếp của cổ phiếu bất động sản này kể từ ngày 12/7 (-32%). Tính từ nửa sau tháng 4 trở lại đây, cổ phiếu QCG đã "bốc hơi" tới 52% giá trị.
Trong khi đó, cổ phiếu DLG của Tập đoàn Đức Long Gia Lai cũng bị bán sàn về mức 1.810 đồng/cp (cùng thấp điểm 20 tháng), khớp lệnh đột biến hơn 3,5 triệu đơn vị - mức cao nhất sau hơn 3 tháng.
Rộng hơn, nhịp điều chỉnh từ giữa tháng 6 tới nay đã khiến cổ phiếu DLG giảm khoảng 15% giá trị.
Được biết, cả QCG và DLG hiện đang trong "cơn bĩ cực" về kinh doanh và các vấn đề phát sinh.
Trong khi Quốc Cường Gia Lai vừa đón nhận thông tin Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Như Loan bị khởi tố, tạm giam về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí thì Đức Long Gia Lai - doanh nghiệp địa ốc được điều hành bởi Chủ tịch HĐQT Bùi Pháp tiếp tục nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản lần hai.
Thông cáo báo chí mới nhất của Quốc Cường Gia Lai ngày 20/7/2024
Cụ thể, ngày 19/7, Tập đoàn Đức Long Gia Lai nhận được Thông báo số 01/PS-TBTA ngày 12/7 của Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Gia Lai về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (theo yêu cầu của CTCP Lilama 45.3).
Trước đó, công ty này từng bị TAND tỉnh Gia Lai ban hành quyết định mở thủ tục phá sản nhưng được hủy bởi TAND cấp cao tại TP. Đà Nẵng.
Đơn vị làm đơn yêu cầu là CTCP Lilama 45.3.
Đức Long Gia Lai đã lỗ nặng 3/4 năm gần nhất, lỗ lũy kế đến cuối quý I/2024 là gần 2.640 tỷ đồng. Nợ vay ghi nhận hơn 2.700 tỷ đồng - gấp khoảng 5 lần quy mô vốn chủ sở hữu.
Tình cảnh tương tự cũng được ghi nhận ở Quốc Cường Gia Lai khi hơn 80% nguồn vốn đang bị "mắc kẹt" trong danh mục tồn kho và các khoản phải thu.
Hay như HAGL Agrico (Mã HNG), doanh nghiệp này đã báo lỗ năm thứ 3 liên tiếp với tổng số lỗ khoảng 5.800 tỷ đồng.
Xét trong bối cảnh rộng, những cổ phiếu họ "Gia Lai" được nhiều nhà đầu tư biết đến nhất là HAG, HNG, QCG và DLG hiện đang giao dịch tương đối thất vọng. Ngoại trừ cổ phiếu Tập đoàn HAGL (Mã HAG) vượt mệnh giá nhờ câu chuyện kinh doanh tích cực và dấu ấn tái cấu trúc nợ sau một thập kỷ, các mã còn lại đều chuyển động dưới mức 10.000 đồng. Kết quả kinh doanh sa sút, dòng tiền doanh nghiệp yếu và thiếu ổn định vẫn đang "cầm chân" các mã này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận