24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trương Huy Hoàng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thế hệ Z ở Trung Quốc rắc rối với các khoản vay tín dụng trực tuyến

Ba mươi sáu triệu sinh viên đại học của Trung Quốc đang làm quen dần với cuộc sống không có các khoản vay tín dụng trực tuyến.

Thế hệ Z ở Trung Quốc rắc rối với các khoản vay tín dụng trực tuyến
Thế hệ Z ở Trung Quốc rắc rối với các khoản vay tín dụng trực tuyến (Ảnh: Bloomberg)

Vòng luẩn quẩn

Tháng trước, giới chức Trung Quốc đã siết chặt hoạt động cho vay tín dụng từng phổ biến một thời. Các sinh viên không còn khả năng tiếp cận vay trực tuyến thông qua các ứng dụng, công ty Fintech (tài chính công nghệ) hay các tổ chức cho vay vốn mà không được kiểm soát. Các nền tảng internet được yêu cầu ngừng cung cấp các khoản vay trực tuyến cho sinh viên và rút bớt tín dụng hiện có. Ngân hàng sẽ phải có sự chấp thuận theo quy định trước khi thúc đẩy các khoản vay của sinh viên.

Hành động này là một phần của nỗ lực nhằm hạn chế toàn bộ lĩnh vực fintech, vừa để ngăn chặn các hậu quả tiêu cực đối với những người đi vay. Trong đó, phần lớn là sinh viên đại học. Thông thường, các khoản vay ngắn hạn cho sinh viên có lãi suất từ 15 - 24%/ năm. Đây là mức lãi suất mà sinh viên rất khó chi trả.

Trong vài năm gần đây, truyền thông Trung Quốc đã đưa tin hàng loạt vụ việc chấn động liên quan đến lĩnh vực này, từ việc đòi nợ bằng cách đe dọa đến ép nạn nhân bán dâm để trả nợ. Tuy nhiên, việc đột ngột cắt tín dụng khiến những người sống lệ thuộc vào các khoản vay này không kịp xoay sở.

Mặc dù cùng lúc làm thêm nhiều công việc bán thời gian, cô Rachel Chen, sinh viên, 21 tuổi, ở tỉnh Tứ Xuyên không biết làm thế nào để có thể trả hết khoản vay trực tuyến gần 50.000 nhân dân tệ (7.630 USD).

Cô Chen kể: “Tôi từng vay từ nền tảng này để trả các khoản vay khác, tránh vỡ nợ nhưng giờ không thể vay thêm nữa. Tôi đã phải nói thật với bố mẹ mình nhưng họ chỉ giúp thanh toán được một nửa số nợ đó. Phần nợ còn lại, tôi phải tự tìm cách giải quyết”.

Sinh viên Chen hiện kiếm được 2.000 nhân dân tệ mỗi tháng từ ba công việc bán thời gian. Trong khi đó, tiền trả nợ hằng tháng của cô khoảng 5.000 nhân dân tệ.

Thậm chí, với người đã tốt nghiệp và có thu nhập ổn định, việc thắt chặt các khoản vay tín dụng trực tuyến của cũng khiến họ khổ sở vì những món nợ trong quá khứ. Zhang Chunzi, 25 tuổi, làm việc tại một công ty thương mại quốc tế ở Hàng Châu, vẫn dư nợ 150.000 nhân dân tệ từ hàng chục nền tảng cho vay trực tuyến. Tuy nhiên, Zhang đã mất việc vào tháng 2 năm ngoái do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Công việc mới của cô chỉ kiếm được 6.000 NDT/tháng (917 USD), không đủ để chi tiêu và trả nợ. Hầu như mỗi ngày, cô nhận rất nhiều các cuộc gọi và tin nhắn đòi nợ.

Zhang không phải người duy nhất bị mắc kẹt như vậy. Ngay cả trước khi những hạn chế về cho vay trực tuyến được áp dụng, tình trạng vay nợ của nhóm cho sinh viên và người trẻ ở Trung Quốc đã là một vấn đề đáng lo ngại.

Điển hình như nhóm “Liên minh những người mắc nợ” gần 41.000 thành viên trên nền tảng đánh giá Douban đã chứng kiến ​​số lượng thành viên của mình tăng hơn gấp đôi trong bối cảnh đại dịch. Ở đây, các bạn trẻ Trung Quốc chia sẻ các mẹo khác nhau, từ cách đối phó với các cuộc gọi đe dọa của người đòi nợ, đến cách xoa dịu sự lo lắng và cảm giác tội lỗi của họ. Cũng có rất nhiều người tiếc nuối về lý do tại sao họ phải gánh khoản nợ.

Do hoạt động ngầm nên các cơ quan quản lý rất khó đánh giá chính xác số tiền nợ mà các nền tảng tín dụng trực tuyến đang cho vay. Ước tính, có hơn 7.000 đơn vị cho vay nhỏ lẻ như vậy, gần gấp đôi số lượng ngân hàng truyền thống.

“Fintech là một dạng khác của ngân hàng bóng tối. Vì thế, cơ quan quản lý kinh tế rất kiên quyết kiểm soát nó. Các khoản vay trực tuyến này ảnh hưởng chủ yếu đến thế hệ trẻ, những người hầu như không có tiền tiết kiệm”, bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis nhấn mạnh.

Những người đã mắc nợ như Zhang và Chen không có lối thoát rõ ràng. Lãi suất cao khiến họ dù phải trả nợ định kỳ nhưng không giảm được nhiều nợ gốc. Bên cạnh đó, họ cũng khó tiếp cận khoản vay tại các ngân hàng chính thống bởi yêu cầu hồ sơ tín dụng khách hàng tốt và bằng chứng thu nhập cụ thể của người vay.

Tiêu xài hoang phí

Thế hệ Z - những người sinh từ khoảng năm 1996 đến năm 2010 - lớn lên trong thời đại kinh tế mở rộng nhanh chóng với kỳ vọng cao về mức lương trong tương lai. Theo nghiên cứu của McKinsey & Company (công ty tư vấn quản lý quốc tế), so với những người đồng trang lứa ở nước ngoài và các thế hệ trước đây, người trẻ Trung Quốc có xu hướng chi tiêu nhiều hơn, thậm chí vượt quá khả năng chi trả của mình.

Tín dụng dễ dàng từng được quảng bá ở khắp mọi nơi từ các công cụ mạng xã hội đến những nền tảng thương mại điện tử đã giúp thu hẹp khoảng cách giữa kiểu sống mà người trẻ muốn hướng tới và những gì họ có thể chi trả hiện tại. Ví dụ, Chen đã dành phần lớn số tiền cho vay của mình vào các mặt hàng thẩm mỹ nội khoa như tiêm Botox cũng như mỹ phẩm và quần áo.

Thế hệ Z ở Trung Quốc rắc rối với các khoản vay tín dụng trực tuyến
Các nền tảng fintech được cho là khuyến khích thanh niên chi tiêu quá mức (Ảnh: Bloomberg)

Theo thống kê của Fitch Ratings (một trong ba ông lớn xếp hạng tín dụng của thế giới) năm 2019, ước tính các khoản vay trực tuyến chiếm tới 1/2 các khoản vay tiêu dùng ngắn hạn ở Trung Quốc.

Mona Wang (27 tuổi) làm việc trong lĩnh vực tài chính ở thành phố Tây An, cho biết, cuối năm ngoái, cô nợ tổng số tiền tương đương 15.000 USD từ các nền tảng trực tuyến và các công ty phát hành thẻ tín dụng. Món nợ gấp 15 lần thu nhập hằng tháng của Wang và nó chính là hậu quả từ việc cô chi tiền cho các đôi giày của hãng Salvatore Ferragamo cùng những món hàng hiệu khác.

Yuzhang Wang (26 tuổi) cũng là một trong những con nợ của tín dụng trực tuyến. Năm 2020, Yuzhang mất việc tại một học viện đào tạo nghề ở Bắc Kinh và phải gánh khoản nợ 30.000 USD. Chàng trai đã chi phần lớn số tiền đi vay vào các món đồ xa xỉ như phụ kiện Gucci và Versace, iPhone cùng những bữa tối sang trọng.

Vì bị các chủ nợ gọi liên tục để đe dọa kiện tụng, Wang chuyển về sống ở quê nhà. Anh làm việc cho một nhà máy và làm tài xế xe công nghệ, vừa đứng ra tổ chức tiệc cưới. Chàng trai trẻ cũng quyết định bán đi một số món đồ hàng hiệu của mình. Nhờ đó, anh đã trả được 2/3 khoản nợ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả