Thế Giới Di Động trở lại đường đua bán lẻ dược phẩm
Chuỗi nhà thuốc An Khang được Thế Giới Di Động đầu tư hiện đang có 22 cửa hàng tại TP. HCM với lưu lượng khách khoảng 4.400 lượt mỗi ngày.
Đầu năm 2018, Thế Giới Di Động cho biết đã sở hữu 49% cổ phần tại Công ty Cổ phần Bán lẻ An Khang (chủ sở hữu chuỗi nhà thuốc An Khang). Giá trị chuyển nhượng ghi nhận trên báo cáo của Thế Giới Di Động cho thương vụ này là hơn 62 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động từng cho biết muốn mua 100% cổ phần tại chuỗi bán lẻ thuốc này thay vì mất 2-3 năm để tự xây dựng.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động sau đó đã thông báo về việc hoãn kế hoạch kể trên để đánh giá lại rủi ro. Thay vì chi phối hoạt động tại chuỗi nhà thuốc An Khang, Thế Giới Di Động sẽ tạm đóng vai trò là cổ đông lớn.
Thực tế, kể từ thời điểm rót vốn, kết quả kinh doanh của nhà thuốc này không mấy khả quan và liên tục thua lỗ. Báo cáo quý 2/2020 của Thế Giới Di Động ghi nhận khoản lỗ từ công ty liên kết An Khang là 2,56 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Gần đây, ông Nguyễn Đức Tài nhắc lại câu chuyện đầu tư vào dược phẩm có nhiều rủi ro pháp lý nên chưa sẵn sàng. Dù vậy, chuỗi nhà thuốc này vẫn duy trì 22 cửa hàng tại TP. HCM với lưu lượng khách khoảng 4.400 lượt mỗi ngày.
Đại diện Thế Giới Di Động cho biết, công ty hiện đang triển khai thử nghiệm kế hoạch kết hợp chuỗi nhà thuốc An Khang cùng Bách Hóa Xanh. Với diện tích 20-30 m2, nhà thuốc An Khang có thể tận dụng lượng khách hàng ổn định từ chuỗi bán lẻ thực phẩm.
Thế Giới Di Động đang trở lại đường đua bán lẻ dược phẩm
Những động thái này cho thấy, Thế Giới Di Động dường như đang quay trở lại đường đua bán lẻ dược phẩm. Theo tính toán, 25% doanh thu ngành dược phẩm ở Việt Nam, tương đương gần 2 tỷ USD (năm 2021) đến khoảng 4 tỷ USD (năm 2026) sẽ đổ vào thị trường bán lẻ dược phẩm qua các nhà thuốc.
Hãng nghiên cứu IMS Health dự báo, mức chi tiêu cho dược phẩm bình quân đầu người tại Việt Nam sẽ tăng lên 50 USD/người/năm vào năm 2020 so với mức hơn 20 USD/người trong giai đoạn 2015 - 2017.
Còn theo báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoáng Rồng Việt (VDSC), cả nước đang có khoảng 30.000 hiệu thuốc lớn, nhỏ; thị trường bán lẻ dược phẩm rất phân mảnh. Do đó, đây là cơ hội cho các chuỗi thuốc như An Khang vươn lên.
Tất nhiên, không riêng An Khang của Thế Giới Di Động nhìn ra cơ hội này, mà cả Long Châu của FPT Retail, hay Pharmacity cũng đều đang ra sức chiếm lĩnh thị phần. Hệ thống Pharmacity vừa qua cán mốc 400 cửa hàng, còn Long Châu là 162 cửa hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận