Thế Giới Di Động "chơi lớn" khi đầu tư vào nông nghiệp
Trước Thế Giới Di Động, nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với quy mô lớn và phải đối mặt với nhiều khó khăn về đất đai, quy trình công nghệ, vốn, đầu ra cho sản phẩm.
Cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên của Thế Giới Di Động vừa diễn ra vào đầu tháng 6/2020, Chủ tịch HĐQT công ty, ông Nguyễn Đức Tài tiết lộ về dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Thế Giới Di Động. Theo ông Tài, đây là một ước mơ ngay từ khi xây dựng Bách Hóa Xanh.
"Đây là ước mơ của tôi. Khi Bách Hóa Xanh đủ lớn thì sẽ quay lại tác động lên người nông dân để chuyển giao cho họ những cách thức trồng và tạo ra các sản phẩm an toàn, đúng đắn cho người tiêu dùng", Chủ tịch Thế Giới Di Động chia sẻ.
Tham vọng về dự án vườn rau 4K
Dự án Vườn rau 4K (4KFarm) của MWG theo tiêu chuẩn 4 không: không thuốc trừ sâu, không chất tăng trưởng, không chất bảo quản, không biến đổi gen. Dự án này là mô hình kết hợp giữa vườn rau nhà trồng và công nghệ hiện đại. Công ty có đội chuyên gia chuyển giao công nghệ cho người nông dân và cam kết bao tiêu đầu ra, sau đó đưa đến tay người tiêu dùng thông qua Bách Hóa Xanh. 4KFarm không thu mua sản phẩm từ các bên thứ ba không hợp tác, mà chỉ mua từ những đối tác nông dân của dự án.
Sản phẩm trong dự án vường rau 4K của Thế giới di động.
Theo chia sẻ của đại diện 4KFarm - ông Cao Nhật Anh Tú, các hộ nông dân có sẵn đất, còn 4KFarm sẽ tạm ứng chi phí để triển khai trồng các loại rau theo nhu cầu thị trường, và cung cấp các vật tư cần thiết để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Hiện tại, 4KFarm có vườn rau tại khu vực Châu Pha, vùng quy hoạch nông nghiệp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Với diện tích 1.000m3, công ty có thể sản xuất được khoảng 3,5 tấn rau, ngoài ra với công nghệ vườn ươm trước có thể cho nhiều vụ hơn, nên tổng sản lượng có thể cao hơn trong tương lai.
"Trong vòng 9 tháng tới, MWG đặt mục tiêu triển khai 60 nghìn m2 diện tích trồng rau. Quy mô này có thể đáp ứng 20% nhu cầu của Bách Hóa Xanh trong khu vực TP HCM", Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho hay.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, lao động trong nông nghiệp nông thôn chiếm 40% lực luợng lao động của cả nước. Mặc dù chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đuợc quan tâm từ nhiều năm trước, nhưng có thể nói ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển chưa đạt được như kỳ vọng.
Nhìn khái quát nền nông nghiệp có vai trò to lớn không phải chỉ ở chỗ đảm bảo cung cấp lương thực thực phẩm cho xã hội mà còn đóng góp tới sự tăng trưởng của kinh tế với vai trò là một trong ba lĩnh vực kinh tế quan trọng nhất của đất nước.
Tuy nhiên, nông nghiệp truyền thống vốn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, khai thác các yếu tố đầu vào về đất, lao động, nước và khi nền nông nghiệp phụ thuộc vào nhiều lao động cũng không phải là một nền nông nghiệp bền vững.
Điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa, trồng theo phong trào liên tục diễn ra. Từ khoai lang, dưa hấu, hành tím… bị ép giá; nông sản Đà Lạt: hành tây, cà chua bỏ đầy đồng, thương lái không mua, ớt chín đỏ phải bỏ vì giá quá rẻ…
Một hệ thống từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản chế biến và đưa sản phẩm ra ngoài thị truờng vẫn chưa thực sự đồng bộ, người nông dân vẫn chịu nhiều rủi ro về thời tiết, thị trường, dịch bệnh, năng suất lao động còn thấp dẫn đến thu nhập của nguời nông dân chưa cải thiện được nhiều như mong đợi.
Mặt khác quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đang làm thay đổi hành vi sử dụng thực phẩm theo hướng sử dụng protein động thực vật, hoa quả và những sản phẩm đóng gói...
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng được đòi hỏi khắt khe, nhưng nền nông nghiệp truyền thống đang gặp khó khăn để đáp ứng đuợc. Thời gian qua, đã xuất hiện nhiều chuỗi cung ứng sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn đòi hỏi công nghệ chế biến và bảo quản lạnh tốt... tuy nhiên nhìn chung vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng.
Việc hiện đại hóa nền nông nghiệp trong bối cảnh thách thức như vậy rất cần thiết. Nhưng câu hỏi đặt ra là làm nông nghiệp công nghệ cao thế nào? Vẫn khó để trả lời.
Cuộc chạy đua của các "ông lớn"
Trên thực tế, Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức Tài không phải là trường hợp cá biệt các doanh nghiệp "tay ngang" đầu tư vào nông nghiệp.
Trào lưu chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp của các "đại gia" bắt đầu từ năm 2013. Mở đầu là Hoàng Anh Gia Lai, khi bầu Đức tuyên bố sẽ rút lui khỏi thị trường bất động sản, tái cấu trúc lại doanh nghiệp vào lĩnh vực chính là nông nghiệp. Sau đó là "vua thép" Trần Đình Long, và gần đây nhất là tỷ phú Trần Bá Dương khi quyết định hợp tác, mua bán, sáp nhập (M&A) đình đám với bầu Đức và "vua cá" Hùng Vương. Tuy nhiên, số phận các dự án đầu tư nông nghiệp của những "ông lớn" đang có sự khác biệt rất lớn.
Nhắc đến những đại gia tay ngang sang nông nghiệp, "cuộc phiêu lưu" trong kinh doanh bầu Đức có lẽ là con đường nhiều sóng gió nhất khi các lĩnh vực đầu tư trước đó như Bất động sản, cao su, nuôi bò…đều trở thành "gánh nặng" đối với vị đại gia phố núi này.
Đầu tư dở dang và bế tắc thanh khoản, cuộc phiêu lưu của bầu Đức để lại các món nợ phải trả lên đến hơn 1,6 tỷ USD, gấp 3,5 lần vốn chủ sở hữu vào năm 2015.
Sau 4 năm, HAGL Agrico đang quản lý 31.085 ha cây cao su và 18.305 ha cây ăn trái, trong đó chuối là sản phẩm chủ lực (hơn 10.000 ha). Công ty này lỗ 2.300 tỷ, lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2019 là 2.200 tỷ. Gặp khó khăn về tài chính, Hoàng Anh Gia Lai Agrico đã phải chuyển nhượng hàng loạt công ty con cho Tập đoàn Trường Hải (Thaco) của tỷ phú Trần Bá Dương
Đến nay, sau nhiều lần "bẻ lái" với tham vọng chuyển trục tăng trưởng từ "đại gia BĐS" sang "lão nông tỷ USD" cũng bước đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực trong bức tranh kinh doanh trong quý I vừa qua, bất chấp ảnh hưởng từ Covid-19.
Theo đó, HAGL Agrico của bầu Đức ghi nhận 666 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng tới 96% so với cùng kỳ năm ngoái. HAGL Agrico của bầu Đức báo lãi sau thuế 2,85 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, công ty lỗ ròng 99 tỷ đồng.
Với kết quả này, công ty đã lãi nhẹ sau 6 quý lỗ liên tiếp bất chấp ảnh hưởng của Covid-19. Bên cạnh đó, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cũng dương trở lại hơn 932 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý I/2020 của Hòa Phát cho thấy, mảng nông nghiệp đóng góp 17% tỷ trọng doanh thu của Hòa Phát, tương ứng doanh số 2.800 tỷ đồng. Tỷ trọng này đã tăng so với mức 8% năm 2018 và 12% (2019).
So với quý I/2019, doanh thu nông nghiệp của Hòa Phát tăng tới 60%. Về lợi nhuận, bộ phận nông nghiệp đóng góp lợi nhuận thuần sau thuế 480 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 400%. Tính bình quân theo ngày, lãi từ nông nghiệp của Hòa Phát khoảng 5,4 tỷ đồng. Lợi nhuận của mảng nông nghiệp tại Hòa Phát trong riêng quý I đã bằng 86% mức lãi ròng 560 tỷ cả năm 2019.
Đáng nói, các sản phẩm nông nghiệp như cung cấp bò Úc, trứng gà sạch của Hòa Phát thuộc Top đầu thị trường với thị phần thịt bò Úc hơn 50%. Lĩnh vực nông nghiệp đã đóng góp lớn thứ 2 sau thép – sản phẩm cốt lõi của doanh nghiệp về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2019.
Còn nhớ cách đây 5 năm, Hòa Phát bắt đầu đầu tư trái ngành và mon men sang làm nông nghiệp. Chủ tịch Trần Đình Long từng nhận định, rủi ro cao bao giờ cũng đi kèm với cơ hội lớn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu thực phẩm có nguồn gốc, thực phẩm sạch chưa bao giờ lại cao như hiện nay.
Dĩ nhiên, trong ngắn hạn cổ đông chưa thể trông mong lợi nhuận thu về từ các công ty nông nghiệp. Tuy nhiên, đầu tư nông nghiệp về lâu dài sẽ giúp công ty phải triển ổn định, bền vững.
Theo dự tính của tỷ phú Trần Đinh Long, mảng nông nghiệp sẽ mang về cho Hòa Phát 1.200 tỷ đồng lợi nhuận vào năm 2020 này.
Không chịu đứng ngoài “cuộc đua”, mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T cũng bước chân vào nông nghiệp với dự án có quy mô vốn tới 3.300 tỷ đồng tại Quảng Nam.
Dự án của T&T có tổng diện tích đất sử dụng hơn 278 ha bao gồm khu dịch vụ hỗ trợ 22,18 ha; khu trung tâm nghiên cứu và dịch vụ tổng hợp 16,27 ha; khu trang trại quy mô 175,78 ha… Đây là đầu tư xây dựng khu trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, khu hỗ trợ sản xuất. Hạ tầng cho khu vực của dự án được quy hoạch hiện đại, phát triển vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hình thành các cánh đồng trồng hoa và rau củ có năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Cùng với đó, một tổ hợp dự án ngành nông nghiệp khác cũng đang được Công ty TNHH Thương mại chế biến nông, lâm sản Đường Vạn Phát triển khai xây dựng tại Gia Lai với tổng mức đầu tư hơn 375 tỷ đồng.
Đây là một khu liên hợp có diện tích gần 40 ha, gồm nhà máy sản xuất sirô cô đặc; Nhà máy sản xuất chế biến đường và sản xuất tinh bột mỳ; Nhà máy chế biến thức ăn gia súc; Nhà máy sản xuất phân vi sinh tổng hợp. Để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy, Công ty Đường Vạn Phát đã quy hoạch vùng nguyên liệu mía 6.000 ha và vùng nguyên liệu mì 12.000 ha.
Được biết, lãnh đạo Tập đoàn Nafood cũng vừa có chuyến đi khảo sát tại tỉnh Bình Thuận để tính toán xây dựng một nhà máy chế biến thanh long xuất khẩu, giúp địa phương giải quyết đầu ra và nâng cao giá trị quả thanh long.
Nhìn nhận về xu hướng "đại gia" làm nông nghiêp, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình từng nhận định, phần lớn các doanh nghiệp này đã thoát khỏi cách sản xuất truyền thống, chuyển sang làm nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng công nghệ tự động hoá và quản trị trên nền tảng số hoá 4.0 theo chuỗi giá trị khép kín, chuyên biệt.
"Chúng ta sẽ làm nông nghiệp theo những cách chưa từng có, là quốc gia hiện đại nhất về ngành nông nghiệp, chứ không phải quốc gia chấp nhận đi sau", ông Trương Gia Bình nói. Ông kỳ vọng, doanh nghiệp Việt Nam có thể giàu vì nông nghiệp số.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận