Thay đổi tư duy xuất hàng sang Trung Quốc
Việc nghiên cứu nhu cầu thị trường với từng mặt hàng, tổ chức lại sản xuất, tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu từ nhà nhập khẩu là cách duy nhất để tạo vị thế cho nông sản xuất khẩu.
Khôi phục thông quan qua cửa khẩu
Với sự vào cuộc của lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, Trung Quốc đang dần khôi phục thông quan hàng hóa của Việt Nam ở một số cửa khẩu biên giới Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng.
Thông tin mới nhất từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), chính quyền Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã chính thức khôi phục thông quan nhập khẩu các mặt hàng trái cây tươi (bao gồm thanh long), hàng đông lạnh tại cửa khẩu Hà Khẩu (phía Việt Nam là cửa khẩu Kim Thành II, Lào Cai) kể từ ngày 12/1/2022. Đây là cửa khẩu thứ 6 được phía bạn khôi phục thông quan sau cửa khẩu Trà Lĩnh, Sóc Giang (Cao Bằng) và 3 cửa khẩu, lối mở ở Móng Cái (Quảng Ninh).
- Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng thanh long xuất khẩu đi Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai chiếm gần 35% tổng lượng xuất khẩu thanh long của Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu đất liền và cảng biển năm 2020.
- Tính đến sáng 12/1, lượng xe hàng tồn ở các cửa khẩu Lạng Sơn là 1.721 xe, giảm 2/3 so với đầu tháng 12/2021.
Trước đó, nhập khẩu trái cây tươi từ Việt Nam qua cửa khẩu Kim Thành - Hà Khẩu đã bị tạm dừng từ giữa tháng 7, sau khi phía Vân Nam phát hiện virus nCoV trên bao bì và thùng xe thanh long nhập khẩu từ Việt Nam. Như vậy, sau 5 tháng tạm dừng, quả thanh long Việt Nam đã được thông quan trở lại qua cửa khẩu Kim Thành - Hà Khẩu. Hiện trái thanh long vẫn tạm dừng thông quan qua các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh (Lạng Sơn) đến ngày 26/1.
Việc tỉnh Vân Nam khôi phục thông quan nhập khẩu trái cây tươi, hàng đông lạnh qua cửa khẩu Hà Khẩu - Kim Thành sẽ giảm bớt áp lực ách tắc hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới với Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Dù thông quan trở lại, nhưng phía Vân Nam cũng cho biết, hiện năng lực bốc dỡ tại cửa là rất hạn chế do nhiều công nhân về quê ăn Tết. Các cơ quan chức năng tỉnh Vân Nam đề nghị Việt Nam, ngoài bảo đảm tốt công tác phòng chống dịch với người và hàng hóa, vẫn cần chủ động điều tiết lượng hàng đưa lên cửa khẩu, để tránh tình trạng ùn tắc như đã xảy ra tại các cửa khẩu tại Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, quy trình thông quan tại các cửa khẩu vẫn siết chặt, Bộ Công thương đánh giá, tiến độ thông quan sẽ “không thể trở lại bình thường trong thời gian ngắn”. Vì thế, cơ quan này khuyến nghị, các địa phương có vùng trồng, doanh nghiệp xuất khẩu chủ động theo dõi tình hình, điều tiết sản xuất, thu hoạch và điều tiết lượng hàng đưa lên cửa khẩu để tránh phát sinh ùn tắc.
Thay đổi tư duy
Sự cố ùn tắc hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc không phải mới xảy ra thời gian gần đây, mà hầu như năm nào cũng “dính”. Tuy nhiên, từ khi có dịch Covid-19, Trung Quốc liên tục siết chặt thủ tục kiểm tra hàng hóa nhập khẩu khiến doanh nghiệp xuất khẩu bị thiệt hại lớn vì hàng hóa, chủ yếu là nông sản, trái cây tươi, nằm chờ thông quan bị hỏng.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, phương châm “an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn” cần phải được các doanh nghiệp thấm nhuần. “Các địa phương vùng trồng, doanh nghiệp, các thương lái, lái xe đường dài tăng cường áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm quy trình sản xuất, bao gói, vận chuyển hàng hóa tuyệt đối an toàn, theo đúng yêu cầu của công tác phòng chống dịch, từ đó giúp các bên liên quan mở và duy trì bền vững việc mở lại các cửa khẩu”, ông Hải nói.
Đại diện ngành công thương cũng khuyến cáo, việc thông quan, mở cửa cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thời gian qua chỉ mang tính thời điểm và chỉ là phần ngọn của vấn đề. Vấn đề quan trọng là, trong quá trình sản xuất, chế biến, đóng gói vận chuyển nông thủy sản, doanh nghiệp phải đảm bảo giữ cho hàng hóa, bao bì không bị nhiễm Covid-19. Nếu Trung Quốc lại phát hiện axit nucleic trên bao bì hay hàng hóa, thì họ có thể tiếp tục đóng cửa khẩu và thiệt hại với doanh nghiệp là không thể đong đếm.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản khổng lồ, không chỉ doanh nghiệp Việt, doanh nghiệp các quốc gia khác trên thế giới cũng muốn có phần. Những năm gần đây, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Ấn Độ, Mỹ... ngày càng đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Hàng Việt vì thế cũng chịu thêm nhiều sức ép cạnh tranh hơn tại thị trường tỷ dân này.
Nông sản Việt sẽ có chỗ đứng chắc chân trên thị trường xuất khẩu quan trọng này, nếu các doanh nghiệp bắt tay với nông dân tổ chức lại sản xuất, quy hoạch lại mặt hàng lợi thế, điều chỉnh sản lượng theo mùa vụ, đảm bảo chất lượng sản xuất, chế biến, bao bì theo tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu.
Ngoài ra, việc nghiên cứu nhu cầu thị trường với từng mặt hàng, tổ chức lại sản xuất, tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu từ nhà nhập khẩu là con đường duy nhất để tạo vị thế cho nông sản trong nước. Thông tin từ Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Trung Quốc cuối tháng 11/2021 cho hay, Trung Quốc có kế hoạch nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp trị giá 150 tỷ USD từ các nước ASEAN trong 5 năm tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận