Thanh long Việt được 'săn lùng' tại Hà Lan, giá 260.000 đồng một quả
Ông Như Nguyễn, Giám đốc Công ty VIEC - Đại diện thương mại Xuất nhập khẩu Hà Lan và Việt Nam cho biết, mua thanh long ở Hà Lan không dễ, nhất là với người bản địa tại châu Âu. Giá thanh long ruột đỏ ở siêu thị vào khoảng 260.000 đồng với quả 400g và khoảng 400.000 đồng với quả 600g.
Nông sản Việt là "siêu thực phẩm" ở châu Âu
Trao đổi tại Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 19 với chủ đề "Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long" do Bộ NN&PTNT phối hợp Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Cục Trồng trọt, Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản, Cục Bảo vệ thực vật và Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố tổ chức sáng 6/1, ông Như Nguyễn, Giám đốc Công ty VIEC - Đại diện thương mại Xuất nhập khẩu Hà Lan và Việt Nam cho biết, nông sản từ châu Á được coi là “siêu thực phẩm” ở châu Âu. Thanh long đang dần trở thành một mặt hàng như vậy, đặc biệt tại Hà Lan.
Theo ông Nguyễn, mua thanh long ở Hà Lan không dễ, nhất là với người bản địa tại châu Âu. Giá thanh long ruột đỏ ở siêu thị vào khoảng 260.000 đồng với quả 400g và khoảng 400.000 đồng với quả 600g.
Như vậy, nếu tính ra thì thanh long bán tại các siêu thị châu Âu sẽ rơi vào khoảng 650.000/kg, trong khi đó giá bán thanh long tại các chợ dân sinh ở Hà Nội khoảng 25.000-30.000 đồng/kg. Sở dĩ giá thanh long cao như vậy, là bởi chi phí vận chuyển cao do phải đi theo đường máy bay và qua rất nhiều khâu trung gian.
Ông Như Nguyễn cho hay, trong thời gian dịch COVID-19 xảy ra, các siêu thị Hà Lan đạt mức doanh thu tăng 150%. Chính vì vậy các đại lý xuất nhập khẩu và phân phối tại Hà Lan liên tục phải tìm nhà cung cấp, bởi họ không chỉ cung cấp cho 17,5 triệu dân Hà Lan mà còn cung cấp cho cả khu vực châu Âu.
Hà Lan được xem là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa nông sản vào châu Âu. Ngoài Việt Nam, Hà Lan còn nhập khẩu thanh long từ Trung Quốc, Nam Phi, Ecuador và một số thị trường khác. Để đưa được thanh long vào Hà Lan, sản phẩm phải đạt chứng nhận GlobalGAP và khoảng 150 tiêu chuẩn dư lượng thuốc BVTV. Ngoài ra, màu đỏ của trái phải chiếm hơn 70%, cuống phải cắt hoàn toàn và tai không dài quá 1,5cm.
Giám đốc Công ty VIEC kiến nghị, cần quảng bá, xúc tiến thương mại hình ảnh thanh long hơn nữa, bởi nhiều người châu Âu chưa biết mua tại đây. Nhằm nâng cao sức tiêu thụ thanh long, đại diện VIEC gợi ý doanh nghiệp cách xuất khẩu "dài hơi" sang châu Âu như sản phẩm thanh long sấy khô, sấy dẻo, chế biến thành tinh bột hoặc cấp đông hoàn toàn.
Tại Hà Lan, các doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường cần tham gia nhiều hội chợ quốc tế, hoặc kết nối trực tiếp với các điểm thu mua. VIEC cam kết có thể hoàn thành những thủ tục như vậy. Ngoài thanh long, công ty hứa xúc tiến đưa nhiều trái cây khác vào thị trường Hà Lan thời gian tới.
“Chuỗi cung ứng từ vườn trồng đến siêu thị qua có càng ít mắt xích sẽ càng dễ thành công và được đón nhận”, ông Nguyễn nhấn mạnh.
Cần mở rộng thị trường tiêu thụ
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, 17 loại quả có diện tích lớn nhất (trên 20 nghìn ha/loại) hiện chiếm hơn 90% tổng diện tích và 94% tổng sản lượng cây ăn quả cả nước.
Trong đó, chuối có diện tích lớn nhất (151.800 ha), xoài (111.800 ha), bưởi (105.800 ha), cam, nhãn, vải, thanh long, sầu riêng, mít (trên 50.000 - dưới 100.000 ha mỗi loại), dứa, chanh, chôm chôm, na/mãng cầu, quýt, ổi, bơ (trên 20.000 - dưới 50.000 ha mỗi loại).
Với riêng thanh long, sản lượng của Việt Nam khoảng gần 1,4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, sản lượng này lại không phân bố đều. Cụ thể, quý I khoảng 300.000 tấn, quý II khoảng 150.000 tấn, quý III khoảng 400.000 tấn và quý IV khoảng 500.000 tấn. Như vậy, quý IV và I tập trung khoảng 60% sản lượng.
Thanh long được trồng chủ yếu ở 3 tỉnh Bình Thuận (khoảng 34.000 ha), Long An (khoảng 12.000 ha) và Tiền Giang (khoảng 10.000 ha). Sản lượng của 3 tỉnh này chiếm hơn 80% tổng sản lượng thanh long cả nước.
“Ngoài tập trung cho thanh long, còn cần chủ động những mặt hàng cây ăn quả khác cho các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long”, ông Tùng nhấn mạnh.
Qua diễn đàn, đại diện Cục Trồng trọt cam kết quản lý chặt chẽ vùng trồng, nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm theo đúng yêu cầu của các nước xuất khẩu.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An, cho biết tỉnh đang chuẩn bị thu hoạch thanh long từ bây giờ đến Tết Nguyên đán, ước lượng 26.000 tấn, giá thành khoảng 15.000 đồng/kg. Chủ yếu thanh long được bán cho thị trường Trung Quốc, tuy nhiên do dịch bệnh nên các đường biên gần như đóng cửa hoàn toàn.
Ông Trịnh kiến nghị, cần xúc tiến mạnh hơn ở các thị trường khác như Ấn Độ đồng thời xúc tiến thị trường trong nước thông qua các hệ thống siêu thị.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, thanh long là loại trái cây được xếp vào nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của trái cây Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc cũng đã mở rộng nhiều diện tích trồng thanh long, lợi thế thị phần của thanh long Việt Nam tại thị trường này không còn như trước nữa.
Để duy trì việc tiêu thụ thanh long được ổn định, lâu dài, không "đầu voi đuôi chuột", Bộ NN&PTNT sẽ thường xuyên tổ chức các diễn đàn kết mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long, đặc biệt là tại thị trường nội địa, tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận