Thanh khoản vẫn là dấu hỏi lớn của thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán đã lấy lại nhịp tăng điểm nhưng vẫn cần thời gian kiểm chứng, do đó rủi ro điều chỉnh vẫn hiện hữu.
Thị trường chứng khoán đã có những phiên tăng điểm nhưng điểm trừ là thanh khoản lại sụt giảm mạnh so với các phiên trước đó. Hơn nữa, đà tăng không thể giữ ở mức cao nhất khi đóng cửa cho thấy động lực tăng điểm không quá mạnh.
Dù sao đây vẫn là một tín hiệu tích cực giúp tâm lý của nhà đầu tư đã mở vị thế mua ở ngưỡng hỗ trợ 1.260 điểm trước đó cảm thấy lạc quan hơn. Các chuyên gia phân tích cho rằng, VN-Index cần có thêm nhịp kiểm định, hoặc có phiên đóng cửa trên mốc 1.260 điểm với thanh khoản đủ tin cậy để xác nhận trở lại xu thế tăng điểm.
Kể từ đầu tháng 4.2024 đến nay, VN-Index đã không thể duy trì được xu hướng tăng mà chuyển sang đi ngang, với 6 lần thất bại khi kiểm tra vùng kháng cự 1.300 điểm. Trong bối cảnh áp lực tỉ giá đang hiện hữu, đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng liên tục đối với cổ phiếu Việt Nam và xu hướng này vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.
Khối ngoại đã bán ròng 19 tháng trong tổng số 20 tháng gần nhất và riêng từ đầu năm đến nay đã bán ròng hơn 85.000 tỉ đồng. Thanh khoản thị trường có xu hướng giảm mạnh khi các nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng tìm cách rời bỏ thị trường và chuyển hướng sang một số kênh đầu tư truyền thống khác như vàng, bất động sản hay gửi tiết kiệm.
Về triển vọng thị trường năm 2025, bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng, bối cảnh kinh tế Việt Nam vẫn khả quan với GDP dự báo tăng trưởng trên 7%, áp lực tỉ giá sẽ giảm bớt khi mặt bằng lãi suất tại các ngân hàng trung ương trên thế giới dần hạ nhiệt, từ đó thu hút dòng vốn trong và ngoài nước chảy vào thị trường chứng khoán. Đà tăng trưởng của nền kinh tế cũng sẽ được phản ánh vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn, từ đó thúc đẩy giá cổ phiếu tăng lên.
Năm 2025 dự báo là một năm bước ngoặt của thị trường chứng khoán Việt Nam. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thời gian qua đã cho thấy những quyết tâm trong vấn đề giải quyết bài toán nâng hạng thông qua việc sửa đổi Luật Chứng khoán. Nút thắt giao dịch phải ký quỹ trước (pre-funding) dành cho nhà đầu tư nước ngoài cũng đã được tháo gỡ và cánh cửa nâng hạng đã rộng mở hơn.
"Để đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường vào năm 2025 và thu hút mạnh mẽ dòng vốn quốc tế, bên cạnh tình hình kinh tế chung tăng trưởng tốt, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện tính minh bạch, thanh khoản và cơ sở hạ tầng pháp lý. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút mạnh mẽ dòng vốn quốc tế, khẳng định vị thế trên bản đồ tài chính toàn cầu", bà Liên nói.
Về mặt định giá, chuyên gia PHS cho rằng, chứng khoán Việt Nam hiện nay có mức P/E dự phóng năm 2025 dưới 10 lần, tức thấp hơn 2 lần độ lệch chuẩn so với mức trung bình 10 năm gần nhất. Mức P/E dự phóng này cũng là thấp nhất nếu so sánh với các thị trường chứng khoán trong khu vực Đông Nam Á. Do đó, đây là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư cân nhắc tham gia trở lại với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng có những thách thức mà nhà đầu tư cần lưu tâm như căng thẳng địa chính trị leo thang hay những chính sách khó đoán của ông Donald Trump khi tái đắc cử Tổng thống có ảnh hưởng không chỉ đến thương mại mà cả các chính sách tiền tệ và tài khóa khác của Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường