Tháng 5: "Sóng" tăng lãi suất tiết kiệm lan rộng, gửi ngân hàng nào lãi cao nhất?
Cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm vẫn 'nóng' và có dấu hiệu lan rộng khi nhiều ngân hàng cũng nhập cuộc điều chỉnh tăng lãi suất kể từ cuối tháng 4. Hiện lãi suất tiết kiệm cao nhất tại các nhiều ngân hàng đã được cộng thêm từ 0,1 điểm % - 0,2 điểm %
Theo khảo sát của Dân Việt, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại các ngân hàng hiện duy trì trong khoảng từ 5,5% đến 7,6%/năm, tùy từng ngân hàng.
Lãi suất tiết kiệm cao nhất 7,6%/năm
Trong đó, SCB hiện niêm yết lãi suất tiết kiệm cao nhất dẫn đầu thị trường với 7,6%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất này chỉ áp dụng với các khoản tiền gửi kỳ hạn 13 tháng, số dư từ 500 tỷ đồng trở lên.
Nằm trong TOP 2 về lãi suất tiết kiệm cao nhất gồm ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và ACB, với lãi suất 7,1%/năm. Tuy nhiên, để hưởng mức lãi suất này điều kiện tại Techcombank và ACB có sự khác biệt lớn.
Tại Techcombank, khách hàng gửi tiết kiệm 12 tháng, trả lãi cuối kỳ, với mức tiền gửi từ 999 tỷ trở lên và cam kết không được tất toán trước hạn mới được áp dụng mức lãi suất này. Trong khi đó, khách hàng của ACB chỉ cần gửi từ 100 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 13 tháng.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) có lãi suất tiết kiệm cao nhất trong "Top 3" với 7%/năm.
Một số ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất gần 7%/năm như ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) 6,99%/năm; SHB (6,95%/năm) với các khoản tiền gửi thông minh trên 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ kể từ ngày 28/4/2022; ngân hàng TMCP Quân đội (MB) lãi suất tiết kiệm cao nhất 6,9%/năm áp dụng với khoản tiền gửi lãi trả sau kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng, giá trị khoản tiết kiệm từ 200 tỷ đồng tới dưới 300 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Bắc Á cũng vừa điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm vào cuối tháng 4, hiện lãi suất tiết kiệm cao nhất tại ngân hàng này cũng đã tăng thêm 0,1 điểm %, lên 6,9%/năm với các khoản tiền gửi kỳ hạn 24 và 36 tháng.
Lãi suất tiết kiệm tại Ngân hàng Bản Việt hiện đứng ở mức 6,8%/năm; Kienlongbank 6,75%/năm; OCB (6.75%/năm); SSB (6.46%); STB và TPB (6.3%/năm)
Còn hệ thống các ngân hàng nhà nước, lãi suất tiền gửi cao nhất tháng 4 là ở ngân hàng Vietinbank, ở mức 5,6%/năm; lãi suất tiền gửi các ngân hàng như Vietcombank, Agribank và BIDV là 5,5%/năm.
Trong nửa cuối tháng 4, không ít ngân hàng tăng mức lãi suất tiết kiệm, đặc biệt ở nhóm ngân hàng quy mô vừa và nhỏ. Ví dụ, ngân hàng ABBank, lãi suất tiết kiệm tăng từ 0,1%- 0,4% với kỳ hạn gửi từ 9 tháng trở xuống; lãi suất kỳ hạn 3 tháng tại ABBank tăng lên mức 4%; kỳ hạn 6 tháng tăng lên mức 5,6% và 9 tháng tăng lên mức 5,7%/năm.
Không chỉ ngân hàng ABBank, ngân hàng MB cũng tăng lãi suất tiết kiệm, từ 0,15% - 0,2%. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng lên 2,9%/năm; kỳ hạn 6 tháng với lãi suất lên tới 4,4%/năm; 24 tháng 5,75%/năm. Mức lãi suất huy động cao nhất lên tới 6,6%/năm ở kỳ hạn 36 tháng.
Ngoài ra, một số ngân hàng như Vietinbank, BacABank, OCB, PVCombank, Saigonbank… cũng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm tăng 0,1% - 0,2% tùy kỳ hạn.
Dự báo "nóng" về lãi suất tiết kiệm
Theo số liệu của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tính tới cuối tháng 4, lãi suất huy động 12 tháng tiếp tục tăng thêm 0,08 điểm %, lên mức 5,66%. Diễn biến này đã khiến cho lãi suất tiết kiệm tăng 0,02 điểm % so với cùng kỳ, sau hơn 2 năm liên tục giảm.
Tăng trưởng tín dụng (tới ngày 31/3/2022) đạt 5,04%, mức cao nhất trong 10 năm qua. Tín dụng tăng mạnh đã khiến cho thanh khoản hệ thống ngân hàng có phần căng thẳng hơn và Ngân hàng Nhà nước phải liên tục sử dụng tới kênh thị trường mở (OMO) để bơm tiền ngắn hạn ra ngoài hệ thống sau gần 1 năm kênh này đóng băng.
BVSC đánh giá, với những áp lực từ lạm phát cũng như nhu cầu tín dụng tăng cao trong quá trình phục hồi nền kinh tế, lãi suất có thể sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong thời gian tới. Tuy nhiên, mức tăng của lãi suất sẽ chưa quá lớn trong năm nay để có thể hỗ trợ cho nền kinh tế hồi phục.
Còn theo báo cáo phân tích mới đây của SSI, các chuyên gia cho rằng, thanh khoản trên thị trường chứng khoán chậm lại và mặt bằng lãi suất huy động nhích tăng giúp dòng tiền cá nhân gửi vào ngân hàng có xu hướng tăng.
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 2/2022, tổng tiền gửi đã tăng 1,4% so với cuối năm 2021, lên 11,1 triệu tỷ đồng trong đó chủ yếu nhờ tiền gửi từ dân cư tăng 3,0% (so với mức 2,4% năm 2021). Nếu tính theo số tuyệt đối, tiền gửi từ dân cư đã tăng 159 nghìn tỷ đồng chỉ trong 2 tháng đầu năm, cao hơn mức tăng 158 nghìn tỷ đồng của cả năm 2021.
Nhìn chung, lãi suất huy động đối với khách hàng cá nhân tăng 30 – 70 điểm cơ bản so với đầu năm tại các ngân hàng thương mại tư nhân, dao động từ 3,3% - 4,5% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 4,2% - 5,7% đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 5,3% - 6,5 % cho kỳ hạn trên 12 tháng.
Chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán MB (MBS) thì cho rằng, lạm phát tăng lên có thể gây áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động.
Theo khảo sát, hiện nay mặt bằng lãi suất huy động cũng đã tăng nhẹ. Việc này có thể khiến các ngân hàng có năng lực huy động thấp hơn bình quân hệ thống chịu áp lực cao hơn. Còn đối với các ngân hàng lớn thì ảnh hưởng không nhiều.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng đang có tỷ lệ CASA rất cao. Điều này cũng sẽ góp phần trung hòa các tác động từ việc tăng lãi suất huy động, giúp các ngân hàng duy trì được biên lợi nhuận tốt.
Đồng quan điểm, các chuyên gia tại VCBS nhận định, mặt bằng lãi suất năm 2022 rất khó có khả năng giảm thêm so với cuối năm 2021 và khả năng có thể tăng trở lại, mức tăng khoảng 0,5% – 1%/năm, đặc biệt là trong nửa cuối của năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận