Tháng 5 khác biệt
“Bán tháng Năm và đi chơi”, câu nói kinh điển này có thể vẫn đúng trong năm nay, nhưng nhà đầu tư cũng nên mua vé khứ hồi.
Diễn đàn Oliver Wyman mới đây đã hoàn thành một dự án nghiên cứu lớn về hoạt động của thị trường chứng khoán Mỹ kể từ năm 1871, tập hợp kinh tế học, lịch sử, xã hội học và tài chính để giải thích những thăng trầm của thị trường trong hơn một thế kỷ qua. Các nhà đầu tư có thể sử dụng những hiểu biết đó để suy ngẫm về tương lai của thị trường, cả ngắn hạn và dài hạn.
Nghiên cứu cho thấy giá cổ phiếu được định hướng bởi sự tương tác chặt chẽ giữa tỷ suất lợi nhuận của công ty, tâm lý e ngại rủi ro của nhà đầu tư, lãi suất thực tế và xu hướng sở hữu tài sản tài chính của xã hội.
Hãy xem xét từng yếu tố này tại thị trường Mỹ - thị trường chứng khoán lớn nhất, có ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường chứng khoán toàn cầu - trong vòng vài tháng tới, để có những liên hệ với thị trường Việt Nam.
Dữ liệu cho thấy tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ có tốc độ đi xuống chậm hơn so với thị trường chứng khoán đang định giá, vì bốn lý do. Đầu tiên, nhiều mô hình nghiên cứu dự báo nền kinh tế Mỹ sắp đi xuống trước khi xảy ra sự kiện Ngân hàng SVB sụp đổ. Thứ hai, việc siết chặt hoạt động ngân hàng diễn ra sau một số vụ phá sản ngân hàng tại Mỹ chắc chắn sẽ khuếch đại suy thoái. Thứ ba, tiền lương phản ứng với giá cả có độ trễ, vì vậy, khi lạm phát gia tăng, tỷ suất lợi nhuận thường vượt lên và ngược lại. Thứ tư, nền kinh tế Mỹ có chu kỳ tăng và giảm tốc kéo dài từ 2 đến 4 năm trong hơn một thế kỷ rưỡi qua, tỷ suất lợi nhuận của các công ty luôn có tính chu kỳ.
Cũng cần lưu ý về tâm lý lo ngại rủi ro. Chính phủ Mỹ đang đối mặt với một số dự luật có thể thất bại và bối cảnh chính trị của quốc gia này đang đặc biệt khó khăn, tâm lý e ngại rủi ro sẽ tăng đột biến và thị trường chứng khoán suy giảm là tất yếu. Bối cảnh hiện nay gần giống giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 8 năm 2011, khi S&P 500 giảm khoảng 15%.
Lãi suất thực đã ở gần mức cao nhất trong 10 năm. Theo thông lệ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất ngay từ đợt suy thoái kinh tế đầu tiên, nhưng lạm phát Mỹ hiện vẫn còn ở mức cao và chắc hẳn ông Jerome Powell không muốn được nhớ đến với tư cách là Chủ tịch Fed mất kiểm soát lạm phát. Fed cuối cùng sẽ cắt giảm lãi suất, nhưng dữ liệu quá khứ cho thấy, cơ quan này có thể sẽ cắt giảm chậm hơn bình thường. Vì vậy, lớp đệm thông thường cho thị trường chứng khoán được cung cấp bởi lãi suất giảm sẽ đến muộn.
Nhu cầu về tài sản tài chính càng cao thì giá cổ phiếu càng cao, nhưng hiện tại, tỷ lệ tiết kiệm thấp vì các hộ gia đình đã tiết kiệm quá mức trong suốt đại dịch và đang “đốt cháy” những nguồn dự trữ đó. Điều này sẽ hạn chế tăng trưởng giá cổ phiếu cho đến cuối năm nay, khi các điều kiện có thể bắt đầu trở lại bình thường.
Nghiên cứu của giới chuyên gia Diễn đàn Oliver Wyman cho thấy, “Bò tót” vẫn sống, nhưng chỉ còn một chân.
Nhiều dữ kiện đang ủng hộ cho khả năng chỉ số chứng khoán Mỹ giảm từ 5% đến 20% trong vài tháng tới, trong khi rất khó để chứng minh điều ngược lại. Vì vậy, thị trường có thể bất ổn trong một thời gian, nhưng sẽ khó xảy ra một “cơn bão”. Ở thời điểm này, việc tạo ra một vụ sụp đổ cũng khó như việc tạo ra một động thái lớn để đi lên. Hơn nữa, những khó khăn theo chu kỳ đang tiếp diễn khó tạo ra một thị trường giá xuống mới. Nghiên cứu của giới chuyên gia Diễn đàn Oliver Wyman cho thấy, “Bò tót” vẫn sống, nhưng chỉ còn một chân.
Bối cảnh năm nay tạo cho giới đầu tư kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp của Mỹ thực tế vẫn mạnh. Lợi nhuận được thúc đẩy bởi tác động qua lại giữa lao động và vốn. Khi lao động tăng lên, tỷ suất lợi nhuận giảm xuống và ngược lại. Từ năm 1929 đến đầu những năm 1980, chiếc bập bênh nghiêng về lao động, sau đó nó đã nghiêng về vốn kể từ đó. Vì vậy, tỷ suất lợi nhuận có khả năng tiếp tục tăng cho đến khi bối cảnh chính trị lật ngược thế cân bằng một lần nữa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận