Thận trọng mục tiêu đấu thầu vàng miếng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tổ chức đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung trên thị trường. Tuy nhiên, nhiều yếu tố sẽ tác động đến mục tiêu này.
Đây là lần đầu tiên NHNN tổ chức đấu thầu vàng miếng sau 11 năm.
Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước, nơi dự kiến sẽ diễn ra phiên đấu thầu vàng miếng. Ảnh: NLD
Tăng cung trên thị trường
NHNN đã tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng lần đầu tiên vào ngày 28/3/2013 trước tình hình giá vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng. Trong cùng năm, có 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng được tổ chức với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu. Mỗi phiên, NHNN tổ chức đấu thầu trung bình khoảng từ 5.000 - 20.000 lượng vàng.
Cũng trong bối cảnh tương tự, khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới hơn 10 triệu đồng/lượng, ngày 15/4 vừa qua, NHNN cho biết tuần này sẽ tăng cung vàng miếng ra thị trường qua đấu thầu.
So sánh giữa hai thời điểm đấu thầu vàng miếng có sự khác biệt rất rõ rệt. Trong giai đoạn 2008 – 2012, trạng thái vàng toàn hệ thống ngân hàng bị âm. Đặc biệt những năm 2008 - 2011, các ngân hàng huy động vàng vào và bán ra nhưng chưa mua lại được. Do đó, các ngân hàng phải mua vàng để bù đắp lại các trạng thái mà ngân hàng đã bán.
>>> 16.800 lượng vàng miếng sẽ được đấu thầu chính thức ra sao?
Còn ở thời điểm hiện tại, giá vàng đang ở chu kỳ hoàn toàn khác, đồng thời nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta mà thuộc về vấn đề của thế giới. Hơn nữa, tại thời điểm năm 2013, USD Index ở mức thấp, khoảng 70 - 80 điểm; còn hiện tại chỉ số này đang ở mức 106 điểm và vẫn có xu hướng tăng lên. Do đó, NHNN sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong tổ chức đấu thầu vàng miếng.
Nhiều thách thức khó hóa giải
Đối với việc đấu thầu vàng, NHNN chỉ có hai lựa chọn: lấy vàng dự trữ hoặc nhập khẩu vàng nguyên liệu về gia công vàng miếng SJC để bán. Đối với trường hợp thứ nhất, nếu lấy vàng dự trữ mà giá vàng tăng, NHNN sẽ ghi nhận lỗ; còn nếu giá vàng giảm thì sẽ có lãi.
Tuy nhiên, ưu tiên lớn nhất của NHNN luôn là bảo toàn được giá trị và có thanh khoản cho dự trữ quốc gia. Do đó, nhiều khả năng NHNH sẽ không lấy vàng dự trữ để bán, nhất là trong giai đoạn hiện nay, các ngân hàng trung ương khác đều mua thêm, như Trung Quốc.
Trong trường hợp thứ hai, khi NHNN nhập khẩu vàng nguyên liệu, sẽ khiến dự trữ ngoại hối sụt giảm (Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức khoảng 95 tỷ USD). Điều này khiến việc điều hành tỷ giá gặp thách thức khi tỷ giá USD/VND đã tăng vượt 25.000 VND tại các ngân hàng thương mại.
Do đó, NHNN cần hết sức cẩn trọng trong tổ chức đấu thầu vàng miếng, nhất là khi giá vàng thế giới đang tăng, nhu cầu của người dân cũng tăng, sẽ tác động đáng kể đến mục tiêu của NHNN.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận