Tham vọng mới của Masan
Hơn một thập kỷ hiện diện thống trị trên bàn ăn, Masan bắt đầu mở rộng danh mục sản phẩm để có thể xuất hiện trên mọi khía cạnh tiêu dùng hàng ngày của người Việt.
Từ đầu năm 2019, tập đoàn Masan liên tục quảng bá rầm rộ về MEATDeli, thương hiệu thịt mát của công ty thành viên Masan MEATLife (MML), trước đây là Masan Nutri-Science. Mục tiêu của tập đoàn là trong vòng 2 – 3 năm tới, MEATDeli dự định sẽ phục vụ 10 triệu người tiêu dùng với kỳ vọng doanh thu 1 tỷ USD.
Hiện nay, 98% các hộ gia đình Việt Nam đều sử dụng ít nhất một sản phẩm của Masan, đa phần là các sản phẩm liên quan đến thực phẩm và đồ uống. Tuy nhiên, những năm gần đây, các lĩnh vực kinh doanh này của Masan đang có dấu hiệu chững lại.
Nửa đầu năm nay, những lĩnh vực từng đóng góp lớn vào lợi nhuận của tập đoàn như mảng gia vị, nước chấm hay cà phê hòa tan ghi nhận doanh thu giảm sút. Mảng thức ăn chăn nuôi liên tục biến động do chịu tác động của thị trường và rủi ro khi đối mặt với dịch bệnh.
Tính tới cuối năm 2018, trung bình mỗi người dân Việt Nam chi tiêu khoảng 17 USD để mua sản phẩm của Masan. Con số này cách khác xa mục tiêu 22 USD vào năm tiếp theo mà lãnh đạo tập đoàn đã đặt ra. Đến năm 2022, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu vượt 3 tỷ USD, cao gần gấp đôi so với mức 1,7 tỷ USD năm ngoái.
Để hoàn thành mục tiêu, Masan đang tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới. Mảng bán lẻ thịt mát MEATDeli sẽ là một trong những hướng đi quan trọng và được triển khai ngay lập tức. Ngay cuối năm 2019, bán lẻ thịt lớn có thể mang về doanh thu 1.000 tỷ đồng cho Masan.
Mặc dù vậy, đó không phải là tất cả. Masan thể hiện rõ mục tiêu tham gia vào các ngành hàng mới như các sản phẩm chăn sóc cá nhân, thậm chí cả sữa và dược phẩm trong giai đoạn 2020 - 2022.
Thị trường sản phẩm ở nhà và chăm sóc cá nhân như dầu gội, xà phòng, bàn chải & kem đánh răng, mỹ phẩm, chất tẩy rửa tại Việt Nam có mức chi tiêu bình quân đầu người cao hơn các nước Đông Nam Á, nhưng đang được thống bởi các doanh nghiệp nước ngoài.
Trong khi đó, kênh bán lẻ bị phân mảnh quá nhiều cũng là nguyên nhân đẩy giá hàng hóa lên cao. Hiện có 1,5 triệu cửa hàng bán lẻ, tiệm tạp hóa trên toàn quốc kinh doanh nhóm hàng này. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ tốn nhiều tiền để chi trả hoa hồng cho nhà phân phối, khiến giá hàng hóa bị đẩy lên cao. Ước tính, người Việt đang phải trả hơn từ 20 – 25% cho các sản phẩm này.
Có thể thấy, sau hơn một thập kỷ chỉ hiện diện trên bàn ăn của người Việt, Masan đang hướng tới việc mở rộng, để có thể xuất hiện trên mọi khía cạnh tiêu dùng hàng ngày.
Chiến lược tiếp theo của Masan là kết nối những lĩnh vực kinh doanh với hệ sinh thái đáp ứng nhu cầu hằng ngày của người tiêu dùng từ thực phẩm và đồ uống đến chăm sóc sức khoẻ, nhu cầu cá nhân và cả dịch vụ tài chính thông qua Techcombank.
Trong tương lai, Masan còn có thể mở rộng hệ sinh thái sang các lĩnh vực khác như y tế, thông tin liên lạc, giáo dục,… nhằm gia tăng tỷ trọng chi tiêu trong ví của người tiêu dùng dành cho các sản phẩm dịch vụ của tập đoàn.
Với mảng bán lẻ, Masan sẽ phát triển một mô hình “lai”, kết hợp giữa các kênh bán lẻ truyền thống, bán lẻ hiện đại và thương mại điện tử.
Công ty cho biết, mỗi kênh bán lẻ hiện nay đều có ưu và nhược điểm riêng. Kênh bán lẻ truyền thống thường tăng trưởng chậm, kênh bán lẻ hiện đại vẫn có quy mô khá nhỏ, còn thương mại điện tử mới chỉ bắt đầu phổ biến ở thành thị.
Vì vậy, Masan tin chỉ có mô hình kết hợp mới phù hợp cho Việt Nam, tức kênh truyền thống cộng kênh hiện đại và thương mại điện tử. Cụ thể, ở kênh truyền thống, 11.000 cửa hàng Masan-shops tại từng xã trên toàn quốc cộng với 5.000 điểm bán MEATDeli; còn kênh hiện đại sẽ có 5.000 điểm bán MEATDeli; thương mại điện tử thì Masan sẽ hợp tác chiến lược nhằm tìm kiếm nền tảng công nghệ vượt trội.
Trong tương lai, tập đoàn sẽ hợp tác với 300.000 cửa hàng truyền thống để thử nghiệm ý tưởng hệ sinh thái này. Việc này giúp Masan không phải đầu tư nhiều để xây dựng hệ thống cửa hàng bán lẻ và đôi bên cùng chia sẻ lợi ích.
Một trong những mục tiêu của Masan là giúp người tiêu dùng Việt Nam tiết kiệm tối thiểu 5% chi phí so với hiện tại khi mua sản phẩm tại các cửa hàng trong hệ sinh thái của Masan.
Mô hình lai trong ngành bán lẻ không phải mới. Trên thế giới, các doanh nghiệp lớn cũng áp dụng mô hình tương tự khi Walmart mua lại những công ty bán lẻ trực tuyến Corner shop hay Amazon mua lại những công ty bán lẻ truyền thống Whole Food Market.
Mặc dù vậy, theo Masan, mấu chốt là phải lựa chọn những danh mục sản phẩm phù hợp để sử dụng hàng ngày, áp dụng công nghệ để kết nối người tiêu dùng, và quan trọng nhất là người tiêu dùng cảm thấy có lợi, khi họ có thêm được khoản tiết kiệm khi mua hàng tại hệ thống của Masan.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận