menu
Thách thức của Việt Nam hướng tới quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045
Kiến Vũ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thách thức của Việt Nam hướng tới quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045

Để đạt được trạng thái thu nhập cao vào năm 2045, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của Việt Nam phải tăng lên 5,4%, yêu cầu phải nâng cao năng suất và cải tiến công nghiệp. Kinh tế Việt Nam cần chuyển đổi từ tăng trưởng dựa trên “đầu vào” sang tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, nhấn mạnh vào vốn nhân lực, hiệu quả thị trường lao động và vốn, cạnh tranh và ứng dụng công nghệ...

Trong 02 ngày 24 và 25/10, tại Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) cùng trường Đại học Đông Á đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Thách thức của Việt Nam: Hướng tới quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045”

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, nhận định những đóng góp học thuật và tư vấn chính sách từ các cơ quan nghiên cứu, đặc biệt là báo cáo “Việt Nam 2045 - Các vấn đề và thách thức đối với phát triển” của Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng chiến lược phát triển của Việt Nam.

Thông tin tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi cho biết trong định hướng phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố sẽ tập trung phát triển ba trụ cột kinh tế chính gồm: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Đà Nẵng cũng đang triển khai các giải pháp phát triển đô thị thông minh, sáng tạo và bền vững nhằm trở thành một trung tâm kinh tế - xã hội quan trọng của miền Trung và cả nước.

Đà Nẵng cũng ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp quan trọng của trường Đại học Đông Á đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng. Những nỗ lực của nhà trường trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực then chốt cho sự phát triển bền vững của thành phố và vai trò là đối tác chiến lược trong các hoạt động hợp tác quốc tế, tư vấn chính sách, góp phần giúp Đà Nẵng nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Trong 2 ngày diễn ra hội thảo, có 04 phiên thảo luận và 01 diễn đàn, với 14 báo cáo chuyên đề là những góc nhìn sâu sắc về kinh tế của Việt Nam.

Phiên khai mạc tập trung đề cập về đường hướng phát triển với các tham luận: Việt Nam- Mô hình để theo đuổi trong phát triển cân bằng; Các vấn đề thay đổi mô hình tăng trưởng: Chính sách để tránh bẫy thu nhập trung bình; Làn sóng mới của Chuyển đổi số (DX), Cách mạng công nghiệp 4.0 (4IR), Internet vạn vật (IOT) và Trí tuệ nhân tạo (AI) như là động lực cho Việt Nam.

Các phiên tiếp theo gồm những tham luận bàn về tác động của môi trường bên ngoài, động lực để phát triển công nghiệp và các vấn đề mới liên quan mục tiêu phát triển của Việt Nam đến 2045 như: Chính sách tự chủ và thích ứng chiến lược để phát triển của Việt Nam trong thời kỳ mới; Làm thế nào để đối phó với căng thẳng địa chính trị? Từ quan điểm của Việt Nam và ASEAN; Sự gia tăng bất định và điều chỉnh FDI - tác động đối với Việt Nam; FDI và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam; Biến đổi khí hậu và tăng trưởng kinh tế bền vững ở Việt Nam; Chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; Cung cấp năng lượng và nền kinh tế xanh ở Việt Nam;…

HƯỚNG TỚI QUỐC GIA CÓ THU NHẬP CAO

Những tham luận chuyên sâu được các chuyên gia, nhà khoa học quan tâm như: “Mô hình Việt Nam: hướng đi cho sự phát triển cân bằng” của TS. Võ Trí Thành, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, phản ánh quá trình chuyển đổi của Việt Nam từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tham luận nêu bật những cải cách quan trọng kể từ khi thực hiện chính sách đổi mới; phân tích những hoàn cảnh đang thay đổi mà Việt Nam hiện phải đối mặt và những thách thức mà đất nước cần vượt qua để tiến xa hơn. Đồng thời, nghiên cứu cũng khám phá khái niệm mô hình Việt Nam của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nhận vai trò của cạnh tranh lành mạnh và vai trò trung tâm của kinh tế nhà nước…

Dẫn số liệu Việt Nam đã bước vào nhóm thu nhập trung bình thấp vào năm 2008, với thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người đạt 3.560 USD vào năm 2021, tham luận “Về vấn đề thay đổi mô hình tăng trưởng: Chính sách tránh bẫy thu nhập trung bình” của GS. Trần Văn Thọ, Giáo sư danh dự Đại học Waseda, Nhật Bản, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi từ tăng trưởng dựa trên “đầu vào” sang tăng trưởng dựa trên năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) và vai trò của cải cách thể chế trong việc duy trì tăng trưởng.

Theo GS. Trần Văn Thọ, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đạt được tăng trưởng dài hạn, Việt Nam cần tập trung vào các chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), cải thiện thị trường yếu tố sản xuất, nâng cao giáo dục và đào tạo, cũng như đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D).

Thách thức của Việt Nam hướng tới quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, phát biểu đề dẫn tại Phiên thứ 4 sáng ngày 25/10.

Phát biểu đề dẫn tại phiên thứ 4 vào sáng ngày 25/10, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, chia sẻ trong bối cảnh quốc tế và khu vực đang có nhiều thay đổi nhanh, mạnh và khó lường dưới tác động của cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; hội nhập quốc tế và khu vực ngày càng sâu và rộng…, chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh là cuộc cách mạng về phát triển lực lượng sản xuất mới. Cuộc chuyển đổi này được Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá; góp phần giúp Việt Nam đạt được mức thu nhập trung bình cao.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn đặt ra một số vấn đề để các chuyên gia, nhà khoa học cùng thảo luận tại Hội thảo hoặc tiếp tục nghiên cứu sau Hội thảo để làm rõ về các giải pháp giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn và bền vững hơn trung bình 5,98% giai đoạn 2011-2023 và tăng cao trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn để đạt được mục tiêu thu nhập trung bình cao (7,5-8,0%/năm trong giai đoạn 2026-2030), các nhà khoa học tập trung thảo luận và làm rõ việc làm thế nào để có thể đạt được mức tăng trưởng cao nhưng vẫn đảm bảo được các mục tiêu về xã hội và môi trường?...

Còn GS. Yasuhiro Yamada (Nhật Bản), thành viên cao cấp về chính sách ERIA nhìn nhận: Việt Nam đã duy trì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao kể từ đầu những năm 1990 nhờ vào các cải cách kinh tế và sự mở cửa với thế giới. Tăng trưởng thu nhập quốc dân thực (GNI) bình quân đầu người hàng năm ở mức khoảng 5,0% (giai đoạn 1995 - 2019), vượt trội hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển.

Để đạt được trạng thái thu nhập cao vào năm 2045, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của Việt Nam phải tăng lên 5,4%, yêu cầu phải nâng cao năng suất và cải tiến công nghiệp. Kinh tế Việt Nam cần chuyển đổi từ tăng trưởng dựa trên “đầu vào” sang tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, nhấn mạnh vào vốn nhân lực, hiệu quả thị trường lao động và vốn, cạnh tranh và ứng dụng công nghệ.

GS. Yasuhiro Yamada nhấn mạnh: "Công nghệ số đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi này. Các ngành công nghiệp chính như điện tử, nông nghiệp tiên tiến, dệt may, các lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi số (DX), ô tô, chăm sóc sức khỏe và năng lượng, dự kiến sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và nền kinh tế tuần hoàn".

Theo GS. Yasuhiro Yamada, hợp tác với Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số (DX), mang lại tiềm năng đáng kể để tiến gần hơn tới mục tiêu đạt được trạng thái quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Thêm vào đó, nên theo đuổi các sáng kiến hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm ngành công nghiệp ô tô, nông nghiệp tiên tiến, giảm thiểu biến đổi khí hậu, nền kinh tế tuần hoàn, và giải quyết các thách thức do xã hội già hóa…

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
31.00 (0.00%)
10.10 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả