menu
Temu tạm dừng hoạt động, người tiêu dùng làm gì để không mất tiền?
Yi Long Ma
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Temu tạm dừng hoạt động, người tiêu dùng làm gì để không mất tiền?

Việc Temu phải tạm dừng hoạt động do chưa hoàn thiện hồ sơ thủ tục đăng ký khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại mất tiền hoặc không nhận được hàng đã đặt trước đó.

Tiền bị “mắc kẹt” trong ví

Tháng 10/2024, thông tin sàn thương mại điện tử Temu vào Việt Nam nổi lên rầm rộ đã thu hút sự chú ý nhờ vào các sản phẩm giá rẻ, thậm chí giảm tới 99% trong các chương trình khuyến mại.

Tuy nhiên, cách thức hoạt động của Temu lại khá khác biệt so với các sàn thương mại điện tử phổ biến khác tại Việt Nam. Temu yêu cầu người tiêu dùng thanh toán ngay khi mua hàng, trước khi nhận sản phẩm. Thế nên khi Temu phải tạm dừng hoạt động vì chưa được cấp phép đã khiến cho nhiều người tiêu dùng lo sợ mất tiền khi đơn hàng không được xử lý hoặc vận chuyển đúng hạn.

Temu tam dung hoat dong, nguoi tieu dung lam gi de khong mat tien?
Temu đổi giao diện sang tiếng Anh, tạm dừng bán hàng vào Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình)

Anh Cao Hùng (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho hay, anh đã đặt mua một đôi giày thể thao trên Temu, nhưng sau một tháng vẫn chưa nhận được hàng. Dù anh đã hủy đơn hàng, gần 1 triệu đồng vẫn bị “mắc kẹt” trong ví của Temu.

“Số tiền trong tài khoản Temu của tôi vẫn không thể rút ra được. Nghe thông tin sàn ngừng hoạt động, tôi có liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng của Temu, nhưng không có phản hồi”, anh Hùng chia sẻ.

Tương tự, chị Lan Hương (quận Phú Nhuận, TP HCM) cũng có số dư gần 1 triệu đồng trong ví tín dụng Temu.

“Chờ đơn hàng gần một tháng không thấy giao nên tôi quyết định hủy. Khi mua hàng thì bắt thanh toán trước, khi hủy đơn thì lại bắt chờ tới 14 ngày mới trả lại tiền vào tài khoản. Chọn hoàn vào ví tín dụng thì giờ đây gần 1 triệu đồng bị mắc kẹt”, chị Hương bức xúc.

Chị Hồng Minh (quận Tân Phú, TP HCM) cũng cho biết, khi truy cập sàn thương mại điện tử này không còn hỗ trợ tiếng Việt: “Toàn bộ nền tảng Temu từ website đến ứng dụng di động đồng loạt không còn hiển thị tiếng Việt mà chỉ còn hỗ trợ 3 loại ngôn ngữ là tiếng Trung, tiếng Anh và tiếng Pháp”.

Đồng thời chị Hồng Minh cho biết, đã đặt hàng cả tháng nay, nhưng vẫn chưa nhận được hàng và cũng chưa được thông báo hoàn tiền.

Không chỉ khách hàng lo lắng, mà các đại lý tiếp thị liên kết cũng thấp thỏm chờ đợi. Cũng năng nổ giới thiệu khách cho sàn Temu, nhưng trong những ngày gần đây chị Đan Tâm cho biết, nhiều khách hàng bấm vào link giới thiệu phải thoát ra, không thể chuyển đổi mua hàng được như trước.

“Chắc sắp tới tôi sẽ rút lui khỏi công việc tiếp thị liên kết cho sàn này, bởi trong trường hợp Temu không được cấp phép hoặc thời gian xin phép quá dài thì các khoản tiền thưởng, tiếp thị liên kết có khả năng cao sẽ bị “treo” trong ví hoặc mất”, chị Tâm lo lắng.

Người tiêu dùng nên làm gì?

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd - chủ sở hữu nền tảng thương mại điện tử Temu - thông qua Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử đã thực hiện nộp hồ sơ đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam. Tuy nhiên, Temu vẫn phải tạm dừng hoạt động, đồng thời tắt ngôn ngữ tiếng Việt trên ứng dụng lẫn website, do quá trình này chưa hoàn tất.

Bên cạnh việc tạm dừng hoạt động, cơ quan quản lý cho biết Temu phải có trách nhiệm thông báo với người tiêu dùng về việc đang trong quá trình đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý Việt Nam; gỡ bỏ các chương trình khuyến mại chưa tuân thủ quy định pháp luật; gỡ bỏ các chương trình, mô hình kêu gọi người dùng tham gia để được hưởng các khoản thưởng hoặc hoa hồng.

Ông Hoàng Ninh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số- Bộ Công Thương cho biết, việc nhiều đơn hàng sau thời gian dài vẫn chưa được giao tới người mua, có thể do phía hải quan không thông quan cho những sàn thương mại điện tử chưa đăng ký với Bộ Công Thương, khiến hàng của Temu không vào được Việt Nam. Người mua có thể chờ Temu hoàn thiện thủ tục đăng ký, nếu không nhận được hàng đúng hạn, có thể họ sẽ hoàn tiền.

Temu tam dung hoat dong, nguoi tieu dung lam gi de khong mat tien?-Hinh-2
Temu chính thức tạm dừng hoạt động tại Việt Nam. (Nguồn: IT)

Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cũng khuyến cáo, người tiêu dùng cần lưu giữ cẩn thận tất cả hóa đơn, chứng từ liên quan đến giao dịch. Ghi chép đầy đủ thông tin về các đơn hàng đã đặt. Sẵn sàng cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng nếu cần.

Một điều đáng chú ý là toàn bộ chương trình Affiliate Marketing của Temu cũng đã bị ngừng hoàn toàn. Trong bối cảnh này, người tiêu dùng nên bình tĩnh và chờ đợi thêm thông tin từ các cơ quan chức năng. Việc lưu trữ minh chứng giao dịch là điều vô cùng quan trọng để bảo vệ quyền lợi của mình.

Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), Temu chưa được cấp phép nên chưa có cơ sở để giải quyết thủ tục hải quan, đồng thời khẳng định, sau khi Bộ Công Thương cấp phép hoạt động đối với Temu, cơ quan Hải quan sẽ thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua sàn thương mại điện tử bình đẳng như các nhà cung cấp, xuất nhập khẩu khác.

Bộ Công Thương đã từng cảnh báo người tiêu dùng về những rủi ro tiềm ẩn khi giao dịch trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký, chưa được cơ quan nhà nước quản lý và giám sát.

Cụ thể, khi phát sinh các vấn đề như sản phẩm không đúng mô tả, lỗi hỏng, người tiêu dùng có thể gặp khó khăn trong việc yêu cầu bảo hành, đổi trả hoặc hoàn tiền. Khi xảy ra tranh chấp, quá trình giải quyết khiếu nại sẽ kéo dài và rất phức tạp.

Nguy cơ cao hơn khi người tiêu dùng có thể mua phải hàng giả, hàng nhái hoặc hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là những sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em và thiết bị điện tử.

Mặt khác, khi giao dịch trên các nền tảng thương mại điện tử chưa đăng ký, người tiêu dùng thường phải cung cấp thông tin thanh toán quốc tế, như thẻ tín dụng hoặc ví điện tử… Những dữ liệu này, nếu không được quản lý và bảo vệ theo các quy định của pháp luật Việt Nam, sẽ làm tăng nguy cơ thông tin cá nhân bị khai thác trái phép.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả