Tập trung vào nhóm hàng chiến lược, Bidiphar tăng lãi 21% trong quý 2
Theo BCTC hợp nhất quý 2/2023, CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar, HOSE: DBD) có một kỳ kinh doanh đạt kết quả thuận lợi khi tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận.
Các chỉ tiêu kinh doanh của Bidiphar trong quý 2/2023
Trong quý 2, Bidiphar đạt doanh thu hơn 414 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn, lãi gộp đạt gần 206 tỷ đồng, tăng trưởng 22%.
Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ ghi nhận tăng 32%, đạt 3.1 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng mạnh lên 5.3 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ, chủ yếu vì chi phí lãi vay tăng lên 2.8 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ gần 41 triệu đồng). Chi phí bán hàng tăng 31%, lên gần 100 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 21%.
Sau cùng, Doanh nghiệp lãi sau thuế gần 72 tỷ đồng, tăng 21% so với thành quả cùng kỳ.
Doanh nghiệp giải trình, do Công ty thay đổi cơ cấu kinh doanh và đẩy mạnh bán các mặt hàng dược phẩm do Bidiphar sản xuất, qua đó đẩy doanh thu trong kỳ tăng cao và đạt tăng trưởng lợi nhuận.
Trước đó, Bidiphar từng chia sẻ về kế hoạch tập trung phát triển các sản phẩm của CHC - sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thực phẩm chức năng. Nhóm sản phẩm CHC của Bidiphar trong 2 năm qua đang có tốc độ tăng trưởng tới 25% và dự kiến sẽ cao hơn những năm tới. Bidiphar đặt mục tiêu đây sẽ là nhóm hàng chiến lược trong tương lai.
Bidiphar dự kiến doanh thu nhóm sản phẩm CHC năm 2023 đạt 40.7 tỷ đồng và kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng lên mức 100 tỷ đồng vào năm 2026. Để đạt được tham vọng trên, công ty sẽ tăng cường các hoạt động marketing để đẩy mạnh bán các sản phẩm hiện có, đồng thời phát triển mới các cái tên mới dùng cho các nhóm đối tượng khác nhau hay các sản phẩm hỗ trợ mới, nghiên cứu phát triển các sản phẩm hỗ trợ bệnh nhân ung thư, suy thận mãn song song với tăng cường bán hàng qua kênh online.
Lũy kế 6 tháng, DBD đạt doanh thu 796 tỷ đồng, tăng trưởng 14%, tương ứng hơn 44% kế hoạch năm; lãi trước và sau thuế đạt lần lượt 173 tỷ đồng và 140 tỷ đồng, tương ứng tăng gần 28% so với cùng kỳ, và thực hiện được gần 58% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của cả năm.
Thời điểm cuối quý 2, DBD sở hữu một bảng cân đối khá lành mạnh. Tổng giá trị tổng tài sản của DBD thời điểm này gần như đi ngang so với đầu năm, đạt gần 1.87 ngàn tỷ đồng. Doanh nghiệp nắm giữ 25.1 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương, cùng gần 122.4 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn 3-12 tháng, tổng cộng 147.4 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ ghi nhận 537 tỷ đồng, hơn đầu năm 19%.
Bên kia bảng cân đối, nợ vay ngắn hạn cuối kỳ ở mức 57 tỷ đồng. Ngoài ra, Doanh nghiệp có nợ vay dài hạn 52 tỷ đồng với Quỹ đầu tư phát triển Bình Định.
Dây chuyền thuốc tiêm ung thư đáp ứng nhu cầu thị trường
Là top 5 doanh nghiệp Dược uy tín hàng đầu Việt Nam, Bidiphar có doanh thu 10 năm liên tiếp đều trên nghìn tỷ với cơ cấu sản phẩm đóng góp đa dạng. Đặc biệt, tên tuổi Bidiphar gắn liền với 3 nhóm sản phẩm chủ lực gồm thuốc điều trị ung thư, thuốc kháng sinh và dung dịch thẩm phân - với nhiều thành tựu nổi bật như trở thành công ty đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu và sản xuất thành công thuốc kháng sinh dạng tiêm (1992), phương pháp đông khô thuốc (2003), thuốc điều trị ung thư dạng tiêm (2008) hay là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sản xuất thuốc đặc trị ung thư (2010).
Bidiphar cho biết dây chuyền tiêm ung thư hiện đã đi vào hoạt động và sản xuất tất cả các thuốc tiêm ung thư đáp ứng nhu cầu thị trường. Các dây chuyền đều chạy công suất năm 2023 cao hơn năm trước. Dây chuyền viên ung thư cũng đã hoàn thành lắp đặt, hiện đang thẩm định theo dõi độ ổn định sản phẩm để nộp hồ sơ đăng ký thuốc. Dự kiến năm 2025 sẽ được cấp sổ đăng ký và sản xuất theo GMP WHO. Cả hai dây chuyền trên đều đang triển khai phần mềm và bổ sung 1 số thiết bị kiểm nghiệm theo quy định GMP-EU để nộp hồ sơ đăng ký thuốc và GMP-EU, dự kiến trong cuối 2024 sang tới 2025.
Về kế hoạch đầu tư mới, công ty có kế hoạch xây các dây chuyền mới lên tới 1,600 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động bởi cổ đông, lợi nhuận giữ lại và vay tín dụng ngân hàng. Trong đó, Bidiphar sẽ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ theo chuẩn GMP EU với tổng vốn 840 tỷ đồng, công suất thiết kế 120 triệu sản phẩm/năm. Doanh thu nhóm sản phẩm này dự kiến sẽ tăng trưởng tốt, nhất là khi đạt chứng nhận GMP-EU (từ 2028).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận