Tăng vốn lên 12.000 tỷ, mẹ con đại gia Nguyễn Thị Nga "dẫn dắt" SeABank thế nào?
Ngày 29/4, Đại hội đồng cổ đông thường niên của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với lợi nhuận trước thuế đạt 1.506 tỷ đồng và nợ xấu kiểm soát nhỏ hơn 3%.
Năm 2020, SeABank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng 12% lên 175,6 ngàn tỷ đồng. Huy động khách hàng và giấy tờ có giá tăng trưởng ròng xấp xỉ 15,3 ngàn tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 13,8% so năm 2019.
Dư nợ tín dụng tăng trưởng ròng 13.99 ngàn tỷ đồng, tương đương tăng 13,6%. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.506 tỷ đồng và nợ xấu kiểm soát nhỏ hơn 3%.
Tại đại hội, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch HĐQT thường trực đặc biệt nhấn mạnh tầm quang trọng của tỷ lệ thu phí/ doanh thu hoạt động, là chỉ số đánh giá hoạt động lành mạnh của ngân hàng. Trong năm 2019, SeABank đạt tỷ lệ này gần 20% và tin tưởng trong 5 năm tới sẽ là 30%.
Tiếp tục tăng vốn khủng, niêm yết cổ phiếu trên HoSE
Đại hội cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 9.369 tỷ lên tối đa 12.088 tỷ đồng và niêm yết trên Sở GDCK TPHCM (HoSE) trong năm 2020.
Theo đó, SeABank sẽ phát hành thêm 271,9 triệu cổ phần, tương ứng mệnh giá 2.719 tỷ đồng.
Trong đó, đợt 1 phát hành hơn 131 triệu cổ phần để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 14%. Đợt 2 phát hành hơn 140,7 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 15,02% với mức giá dự kiến 10.000 đồng/cổ phần, bằng với giá phát hành hồi tháng 9/2019.
Trước đó, năm 2019, SeABank cũng đã phát hành thêm hơn 133 triệu cổ phiếu mới, tăng vốn lên hơn 9.019 tỷ đồng.
Như vậy, kể từ khi bà Nguyễn Thị Nga rời khỏi chức Chủ tịch SeABank năm 2018 và con gái Lê Thu Thuỷ giữ chức Tổng giám đốc, nhà băng này đã có nhiều biến chuyển từ vốn cho đến hoạt động kinh doanh.
SeABank đối phó với ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 thế nào?
Bà Lê Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SeABank cho biết, về kế hoạch kinh doanh, đầu năm 2020 khi nhận thấy tình hình dịch bệnh COVID-19, SeABank đã rà soát lại dòng tiền về ngân hàng và tài sản bảo đảm.
Theo đánh giá của ngân hàng, có khoảng 14 ngành nghề bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, trong đó tại SeABank là 6 ngành tập trung vào bán buôn, du lịch và ẩm thực... Trong các ngành hàng tiêu dùng, dịch vụ bán lẻ thì hoạt động siêu thị và bảo hiểm rất tốt. Còn hoạt động lưu trú, du lịch và bán buôn thì SeABank đã rà soát lại.
Ngoài ra, hiện nay, SeABank đã duy trì tỷ lệ cho vay trên tài sản bảo đảm là 50% nên đủ để bảo đảm cho khoản vay; riêng bất động sản là 70%.
Ngân hàng đã tiến hành stress test theo các kịch bản khác nhau, như nếu tài sản bảo đảm giảm giá, ngân hàng sẽ đưa ra lộ trình cho doanh nghiệp, đưa tài sản bảo đảm bổ sung, hỗ trợ lãi suất cho khách hàng trong thời gian này.
SeABank cho biết, các khách hàng được hỗ trợ sẽ phân loại theo 3 luồng, thứ nhất là nhóm giảm lãi suất trong thời gian nhất định 3 tháng hoặc 1 năm, nhóm này sẽ không phát sinh nợ xấu nếu được giảm lãi suất. Nhóm thứ hai là vừa cơ cấu, vừa giảm lãi suất. Nhóm thứ ba là cơ cấu lại, nhóm này được quản lý rất chặt chẽ.
Đối với nợ xấu, SeABank đã thử nghiệm 3 kịch bản với mức tăng 1%, 2%, 3% và có biện pháp xử lý cụ thể cho từng kịch bản để đảm bảo luôn duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo quy định của NHNN. Các kịch bản đều đã đưa ra các biện pháp ứng biến trong các trường hợp diễn biến khó lường.
Danh mục dư nợ của SeAbank đa dạng hoá ngành nghề và đảm bảo tỷ lệ không quá 10% là khách hàng lớn.
Công ty tài chính hiện chỉ triển khai cho các đối tác như VNPT, BRG, VNPost
Về hoạt động của Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF), PTF đã đưa ra sản phẩm cho vay đầu tiên tới thị trường vào tháng 12/2019 là sản phẩm cho vay bằng tiền mặt.
Tuy nhiên, sang đầu năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, PTF đã thay đổi chiến lược phát triển kinh doanh dựa trên các kênh bán hàng và cộng tác viên trên toàn quốc.
Hiện PTF đang triển khai qua kênh fintech và các đối tác chiến lược như VNPT, BRG, VNPost...
Trong năm 2020, SeABank đánh giá là năm khiêm tốn về lợi nhuận của PTF vì công ty vẫn tiếp tục đầu tư công nghệ và cơ sở vật chất để hoạt động. Khi tình hình kinh tế vĩ mô ổn định hơn, PTF sẽ triển khai bán hàng qua hệ thống cộng tác viên và các kênh khác.
Bà Thuỷ cho biết, PTF được thành lập với mục tiêu phục vụ các khách hàng Mass và SeABank không phục vụ được. SeABank định hướng trong 5 năm, tổng dự nợ của PTF dự kiến chiếm không quá 5% tổng dư nợ của ngân hàng sau khi hợp nhất.
Được biết, năm 2019, SeABank ghi nhận 1.098 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất. Còn báo cáo riêng ngân hàng là 1.152 tỷ lợi nhuận, riêng AMC hơn 16 tỷ và PTF chỉ 1,6 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu năm 2019 ở mức 2,31%.
Năm 2019, sau khi trích lập các quỹ, SeABank còn lại gần 901 tỷ đồng, ngân hàng dùng 5 tỷ để mua cổ phần và thưởng cho cán bộ nhân viên, phần còn lại sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận